Mẫu số chung cho hạnh phúc

Mỹ Lê 20/03/2020 11:00

Nhân ngày hạnh phúc (20/3) cần đặt lại câu hỏi: hạnh phúc là gì? Trong những ngày dịch giã như hiện nay, càng không dễ trả lời câu hỏi này.

Bởi hạnh phúc thường được xem là trạng thái cảm xúc cá nhân và không dễ bị xác lập bởi nhưng đường biên hữu hình về ranh giới hoạt động của doanh nghiệp hay lãnh thổ quốc gia.

Từ những năm 1968, trong khói lửa chiến tranh, nhà thơ Dương Thị Xuân Quý và Bùi Minh Quốc đã viết bài thơ “Hạnh phúc là gì” với câu thơ gần như trở thành “chân lý”. Thật không dễ để bàn về hạnh phúc. Bởi hạnh phúc luôn thuộc về trạng thái cá nhân.

br class=

Hạnh phúc của từng doanh nghiệp được kiến tạo bởi từng người lao động (Đại diện Tập đoàn FLC trao 5 tỷ đồng hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19)

Quốc gia hạnh phúc

Trong một quốc gia hay trong một tổ chức doanh nghiệp, một gia đình, theo trật tự “từ nhà, làng, đến nước”, tương tự cũng vậy. Đó là lý do mà khi nói về hạnh phúc quốc gia, chúng ta hay nghĩ về Bhutan.

Bản thân người viết và tin chắc nhiều người khác, cũng sẽ nghĩ là chưa hẳn.

Phải đến Bhutan, mới thấy lý do vì sao Vương quốc này chọn GNH (tổng hạnh phúc quốc dân) để thay cho GDP để ưu tiên trong chính sách quốc gia.

Ngoài vị trí địa lý, đây còn là quốc gia có sự khác biệt về văn hóa và tôn giáo. Bhutan được ví là “Vương quốc Rồng Sấm”, “dải đất cuối cùng của Tây Tạng” với văn hóa Phật giáo nguyên thủy thấm đẫm.

Nhưng đang diễn ra ở đây còn có thực tế là phần lớn người dân Bhutan vẫn sống trong nghèo đói, chủ yếu làm nông nghiệp, chênh lệch giàu nghèo lớn.

Và dù vương quốc này đang làm khá tốt chính sách Chính phủ bảo trợ y tế, giáo dục, Bhutan vẫn là quốc gia xếp hạng rất thấp trong Báo cáo hạnh phúc thế giới 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Làm sao để hạnh phúc?

    06:40, 20/03/2020

  • Cho đi là một niềm hạnh phúc, càng là một sự hàm ơn

    04:42, 22/02/2020

  • Năng suất và hạnh phúc

    03:49, 15/02/2020

  • Vì một Việt Nam hùng cường và hạnh phúc!

    16:00, 26/01/2020

  • Hòa bình, hạnh phúc, ấm no - Rạng danh Tổ quốc, cơ đồ Việt Nam!

    00:15, 25/01/2020

  • Động lực hạnh phúc trong công việc

    05:10, 09/11/2019

Nói như vậy để thấy kiến tạo GNH như Bhutan, nếu “bê nguyên” về Việt Nam, hay xem đó như một thước mẫu để phổ cập đến các quy mô doanh nghiệp, như những “quốc gia” thu nhỏ, hay ở cả những cấp quy mô dưới thu nhỏ hơn, có thể các định hướng ưu tiên để đạt được hạnh phúc cần thay đổi.

Và thực tế Việt Nam cũng đã có định hướng riêng, ưu tiên riêng. Chúng ta không chọn GDP cạnh tranh cùng GNH hay ngược lại. Nỗ lực để có GDP đi cùng GNH, nếu được, mới thực sự là bước tiến vượt bậc lên trên nấc thang đến với đỉnh cảm xúc hạnh phúc của người dân, của mỗi tổ chức trong quốc gia.

Doanh nghiệp kiến tạo hạnh phúc

Ngài Tshering Tobgay, Cựu Thủ tướng Bhutan chia sẻ rằng con người, dù có khác nhau về nhu cầu nhưng đều có điểm chung là sẽ hài lòng với cuộc sống khi thỏa mãn được 3 yếu tố: an toàn (safety), có bản sắc cá nhân (personality) và có mục đích sống (life goals).

Nếu doanh nghiệp đáp ứng được 3 nhu cầu này thì niềm tin từ phía người lao động sẽ hình thành, dẫn theo đó là cam kết gắn bó lâu dài, cùng nhau xây dựng mục tiêu chung. “Khi đó, doanh nghiệp sẽ mặc nhiên có hiệu suất làm việc cao hơn, khả năng phát triển bền vững hơn”, cựu Thủ tướng Bhutan nói.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) kể lại câu chuyện ba mươi năm trước, khi tiếp nhận công tác điều hành PNJ, bà Dung cảm thấy bất an nhất là mức sống của nhân viên thấp, khiến họ không thể tập trung làm việc.

Do đó, nỗ lực đầu tiên bà quyết tâm thực hiện là cải thiện đời sống nhân viên. Sau nhiều năm kiên định với con đường này, PNJ đã có được một đội ngũ nhân lực toàn tâm gắn kết. Chia sẻ của bà Dung chính là “tiếng lòng” của đại bộ phận lực lượng người lao động, cũng là của khoảng 700.000 doanh chủ đang hoạt động trong nền kinh tế.

Hay như CEO Bitis Vưu Lệ Quyên chia sẻ: “Để đảm bảo mô hình hình quản trị dựa trên yếu tố hạnh phúc thành công thì cần cả yếu tố bên trong lẫn bên ngoài; trong đó nỗ lực của người lãnh đạo giữ vai trò vô cùng quan trọng. Nhận thức rõ điều này, tôi bắt đầu chia sẻ kỹ năng hạnh phúc cho nhân viên, dựa trên 3 khía cạnh: kết nối bản thân, kết nối với người khác và kết nối với thiên nhiên”.

“Tôi tin khi chúng ta nắm tay nhau cùng kiến tạo các giá trị tích cực, đó là cách lan tỏa hạnh phúc từ bản thân đến doanh nghiệp”, vị CEO 8X bộc bạch.

Dù không có một công thức chung cho tất cả, nhưng rõ ràng hạnh phúc của một quốc gia đã và nên phải dựa trên sức mạnh kiến tạo hạnh phúc của từng doanh nghiệp, từng người dân. Và hạnh phúc của từng doanh nghiệp được kiến tạo bởi từng người lao động.

Giữa những ngày khốn khó này, chúng ta lại nhớ đến câu nói kinh điển của K. Marx, khi đặt nó đúng chỗ và hiểu đúng bản nghĩa: “Người hạnh phúc nhất là người đem đến hạnh phúc cho nhiều người nhất...".

Mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp, mỗi Chính phủ đang kiến tạo và san sẻ hạnh phúc cho nhiều người nhất, thì đó đã là con người, doanh nghiệp, quốc gia hạnh phúc!

Mỹ Lê