[Việt Nam hậu dịch] Bài II: Thời gian là vàng!
Chính khách Hy Lạp cổ đại, Demosthenes đã có một câu nói đầy ý nghĩa: “Thời gian là vàng bạc, để thời gian đi tức là hủy hoại mình”.
Thời buổi kinh tế thị trường - thời gian đồng thời là cơ hội, là tiền bạc, ai nhanh người ấy được. Vì vậy mà chính khách Hy Lạp cổ đại, Demosthenes đã có một câu nói đầy ý nghĩa, có giá trị giáo dục lớn: “Thời gian là vàng bạc, để thời gian đi tức là hủy hoại mình”.
NHÂN VIỆC LÊN ĐỂ LÀM
Cũng chính vì vậy mà nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Nikolai Alekseyevich Ostrovsky đã sống một cuộc sống rất tích cực và năng động để cống hiến cuộc đời mình cho đất nước, để sau này khỏi phải “ân hận bởi những năm tháng sống hoài, sống phí”.
Mỗi quốc gia, dân tộc đều có “thời điểm vàng” là lúc cơ hội làm giàu thấy rõ nhất. Nhưng rất tiếc, sự lãng phí thời gian không khó để nhìn thấy ở nước ta.
Khi phát động chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng thời yêu cầu “phải chống cả virus trì trệ”. Xuất khẩu gạo mà một chuyện rất cần được nhìn nhận thấu đáo để rút bài học kinh nghiệm.
Đúng là “việc bé...như hạt gạo” nhưng 3 Bộ to đùng giải quyết mãi không xong, có lúc nhiệm vụ bị đùn lên người đứng đầu Chính phủ. Việc Bộ Công thương đề nghị “cấm” rồi đột nhiên đề nghị “cho” xuất khẩu gạo đã làm tiêu tốn của doanh nghiệp rất nhiều thời gian, tiền bạc...
Hạt gạo - đường đi lòng vòng của nó qua các thủ tục, các bên liên quan, “ông nói gà bà nói vịt” rồi đến chuyện các bên “phanh phui” nhau…làm lãng phí rất nhiều thời gian mà lẽ ra nên giành để chống dịch, tạo “đường thông hè thoáng” cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn!
Hóa ra, nhiệm vụ của doanh nghiệp đâu chỉ đơn thuần là làm kinh tế! Mà phải vật lộn với vô số thứ oái ăm có thể nảy sinh bất cứ lúc nào, đó là chống chọi với “sự may rủi của chính sách”. Mà chính sách đâu phải trên trời rơi xuống? Vậy rút cục do ai? Phải tìm “đầu mối rắc rối” ở đâu khi nơi nào cũng cho rằng mình vô tội!
Trong một nhà nước pháp quyền - điều hành xã hội bằng luật pháp thì có nghĩa, lĩnh vực nào chưa được luật pháp “dòm ngó” tới tức là lĩnh vực đó chưa ai được động vào, nếu “liều mạng” chết ráng chịu!. Lắm khi doanh nghiệp, người dân nhìn thấy cả đống tiền nhưng không thể khai thác vì thiếu quy phạm.
Thị trường Condotel là một ví dụ, đây là loại hình căn hộ - khách sạn có từ lâu trên thế giới, còn ở Việt Nam nó hoàn toàn mới toanh với các nhà làm luật. Vậy nên, vô tình biến thị trường Condotel thành nơi tiềm ẩn rủi ro.
Khi Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” làm lộ ra phương thức kinh doanh “Condotel chỉ có ở Việt Nam” - cam kết lãi 10-12%/năm! Hệ quả của nó chưa biết khi nào giải quyết xong, sợ nhất là rất nhiều người vướng vòng lao lý, môi trường kinh doanh bất động sản bị cào xước.
Theo thống kê, khoảng 27.000 - 29.000 căn hộ Condotel được mở bán mỗi năm trong giai đoạn 2017 - 2019. Tuy thế, khi tiến hành giao dịch mua bán, dường như rất nhiều người vẫn chưa thật tỏ tường về việc mình đã bỏ tiền mua một sản phẩm có tính chất pháp lý thế nào. Đơn giản là vì những quy định hiện hành về Condotel còn thiếu vắng nên chưa có nhà đầu tư nào được cấp “sổ hồng” - giấy bảo đảm chủ quyền cho món tài sản trị giá nhiều tỷ đồng này.
Luật pháp chồng chéo, chẳng chịt, nhiều cơ quan có chức năng nhiệm vụ hao hao nhau cũng là vấn đề nhức nhối trong nền hành chính nước ta, gây cản trở doanh nghiệp, người dân, làm phát sinh chi phí “không chính thức”.
Đơn cử, quy định về thẩm định nhu cầu, điều kiện giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thể hiện trong Luật Đầu tư lẫn Luật Đất đai nên cả Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành đều thực hiện giống nhau, dẫn đến tình trạng trùng lắp quản lý.
Có những dự án, một tuần Sở TNMT phải dành 2 ngày để họp thông qua quy định nêu trên, sau đó Sở KHĐT cũng làm lại y chang. Lẽ ra chỉ mất 2 ngày để “thông chốt” lại phải mất thêm gấp đôi thời gian, doanh nghiệp, người dân không chỉ mất thời gian mà còn chi phí cơ hội...
Theo thống kê của các chuyên gia, có tới 20 ví dụ điển hình xung đột về các điều khoản trong các bộ Luật và còn nhiều trường hợp chồng chéo khác. Đơn cử như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Đấu thầu...
Ngày xưa, thời “kháng chiến kiến quốc” Nhà nước phát động phong trào “một người làm việc bằng hai”. Nhưng nay, dường như nhiều nơi làm ngược lại, “một việc nhân lên thành hai, bốn để làm”...
Nguyên nhân gì khiến việc gỡ vướng trong Luật liệu gặp khó khăn? Tôi cho rằng: Vì mỗi điều khoản quy định có liên quan mật thiết đến “quyền lực” của các bên liên quan. Ai cũng muốn xí phần để quyết định đến dự án, mỗi người một ít, thành ra rắc rối. Vậy nên, tinh giản bộ máy, sáp nhập cơ quan là biện pháp triệt để nhất để tinh gọn Luật pháp.
Quốc hội - cơ quan Hành pháp và là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước - mỗi ngày họp phải chi phí rất lớn. Việc giảm thời lượng họp từ hơn 40 ngày như trước đây xuống dưới 20 ngày tại kỳ họp thứ 7 khóa XIV đã là một cố gắng.
Nhưng giá như, bớt thêm được khoản thời gian thảo luận các điều luật trùng lắp, vừa tiết kiệm thời gian, tiền bạc, vừa giúp doanh nghiệp và người dân thoát cảnh “một cổ hai tròng”.
Chính loại “virus trì trệ” mới có sức tàn phá sức vóc người dân, sức khỏe doanh nghiệp hơn bất cứ mối nguy nào. Vậy nhưng khó diệt nó, là ở chổ loại virus này ẩn náu dưới lớp vỏ chính sách, được trợ thủ bởi quyền lực hành chính.
CHƯA GIÀU ĐÃ GIÀ
Thời điểm từ năm 2011 Việt Nam sở hữu kết cấu dân cư lý tưởng, người ta thường dùng thuật ngữ “dân số vàng” để mô tả tính chất này. Được hiểu là khi tỷ số phụ thuộc chung nhỏ hơn 50%, hay nói cách khác có trên 2 người trong độ tuổi lao động trên 1 người trong độ tuổi phụ thuộc.
“Dân số vàng” là điều kiện để tăng tốc phát triển kinh tế khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động đạt đỉnh. Cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên. Giúp tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai.
Thế nhưng chúng ta đã bắt đầu “qua bên kia con dốc” mà nền kinh tế vẫn “đang phát triển”, nếu tính theo GDP, quy mô nền kinh tế nước ta đứng thứ 46 thế giới, trong ASEAN Việt Nam thuộc top sau. Đó là chưa tính tới chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng đồng vốn, nội lực sẵn có.
Trong khi Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới và đông dân thứ 8 ở châu Á, cộng với diện tích tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, chỉ số phát triển con người (HDI), địa chính trị...Việt Nam hoàn toàn có đủ các điều kiện “cứng” để trở thành siêu cường.
Australia mất 73 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số (nhóm dân số từ 60 tuổi chiếm 10% dân số) sang giai đoạn dân số già (người từ 60 tuổi chiếm 20%). Hoa Kỳ mất 69 năm. Canada 65 năm. Còn Việt Nam chỉ mất 22 năm - chưa giàu đã già.
Chúng ta đang lãng phí nhiều thứ, trong đó đáng tiếc nhất chính là lãng phí thời gian. Thời kỳ hậu COVID-19 toàn cầu sẽ định hình lại hiện trạng mới, trật tự cũ bị thay đổi căn bản, cơ hội sẽ đến với nhóm các quốc gia đang phát triển nếu biết tận dụng nguồn lực để tự lo chuỗi cung ứng cho nền kinh tế.
Những vấp phải trong vấn đề thể chế, hy vọng các cơ quan hữu quan xem đó là bài học cuối cùng để không chần chừ trong việc cắt bỏ tối đa những gì không cần thiết, tăng động lực để đưa đất nước tiến nhanh hơn.