Trách nhiệm với ngân sách
Những sự việc kinh hoàng tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngày càng được bóc dần ra, từ mấy cái ổ gà cho đến ổ trâu, ổ voi và cả một rừng sai phạm từ thi công cho tới nghiệm thu.
Dự án này tiêu tốn ssố tiền 34,5 nghìn tỷ đồng, trong đó hơn 1 nửa là tiền đi vay từ Ngân hàng thế giới và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản. Có nghĩa rằng, dù đi trên con đường êm ái nhưng món nợ, lãi phải trả cũng nhức xương!
Với những dự án lớn và có tính chất đặc biệt như vậy, lẽ ra phải giao cho những người có lương tâm và trách nhiệm. Vì trong sai phạm tày trời tại Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), hầu hết không xuất phát từ nguyên nhân khách quan.
Một công trình toàn chuyện buồn, vừa thất thoát tiền bạc, vừa khiến 9 con người bị bắt giam và khởi tố. Thật có đáng? Trong khi đó Luật pháp dày đặc, quy định chằng chéo, giám sát kỹ càng. Sao con voi có thể chui lọt lỗ kim?
Điểm tận cùng của sự thành công hay thất bại đều được quyết định bởi lương tâm và trách nhiệm của những người nắm vốn ngân sách xây dựng hạ tầng. Đó chính là đạo đức kinh doanh.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng yêu cầu tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh, kịp thời sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan trong 5 vụ án xảy ra tại: Công ty Nhật Cường; VEC, Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Sagri; Sabeco; Công ty Gang thép Thái Nguyên.
Đây là 5 vụ án điển hình cho những loại tội phạm kinh tế hiện đại, có hệ thống, vận hành bài bản và không loại trừ được “chống lưng”. Nhật Cường buôn lậu đã 19 năm nhưng đến bây giờ mới lộ ra!?
Rồi như gang thép Thái Nguyên, người ta sẵn sàng phê duyệt dự án tốn cả núi tiền khi chưa nắm được phần trăm chiến thắng nào trên thương trường. Hệ quả là đống sắt vụn bán không ai mua, để càng lỗ, càng đau.
Ngoài lỗ hổng về các quy định của pháp luật, lỗ hổng nghiêm trọng hơn chính là trách nhiệm các tổ chức, cá nhân thực thi công vụ. Đó cũng chính là trách nhiệm với tiền thuế của nhân dân, sức mạnh của quốc gia.
Thực tế ở Việt Nam quy trình thẩm tra và đưa ra các chính sách ngân sách còn hạn chế. Hầu hết quá trình thẩm tra được thực hiện trong thời gian ngắn, do đó, thiếu các hoạt động tham vấn, khảo sát thực địa cũng như các sáng kiến nhằm tăng tính minh bạch ngân sách.
Đặc biệt, đối với quy trình ngân sách ở địa phương còn thiếu cơ chế để các chuyên gia, các cơ quan, tổ chức dựa vào cộng đồng tham gia thảo luật, góp ý trong quy trình ra quyết định ngân sách.
Có thể bạn quan tâm
12 dự án thua lỗ ngành Công Thương: Dư nợ chạm ngưỡng 21.000 tỷ đồng
04:00, 21/05/2020
Xử lý 12 dự án thua lỗ: Hãy để thị trường quyết định
04:05, 04/04/2020
12 dự án thua lỗ: Có thể khởi kiện các tranh chấp hợp đồng EPC vào năm 2020
20:03, 06/09/2019
Xin ưu đãi cho dự án thua lỗ: Đừng mạo hiểm
16:13, 11/08/2019
"Siêu ủy ban" xin ưu đãi, ưu tiên cho một số dự án thua lỗ
15:06, 03/08/2019