Loạt “bom tấn ngoại giao” dành cho Trung Quốc ở Biển Đông

SÔNG HÀN 08/06/2020 06:00

Việc nhiều quốc gia cùng tham gia đấu tranh pháp lý sẽ góp phần kiềm chế được tham vọng độc chiếm Biển Đông của người Trung Quốc.

Mới đây, Indonesia đã bác bỏ những yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông trong công hàm do phái đoàn thường trực của Indonesia tại Liên Hiệp Quốc viết gửi cho Tổng thư ký Antonio Guterres,  cùng Cơ quan về vấn đề đại dương và luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Indonesia và Trung Quốc bắt đầu có mâu thuẫn về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Bắc Natuna. ảnh: Reuters.

Indonesia và Trung Quốc bắt đầu có mâu thuẫn về vùng đặc quyền kinh tế ở biển Bắc Natuna. ảnh: Reuters.

Ngày 5/6, tờ Jakarta Post đăng tải một bài viết có đoạn: “Trong một bức thư gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước, Indonesia đã bác bỏ các yêu sách vô lý và trái với luật pháp quốc tế của Trung Quốc ở Biển Đông. Công hàm mà Indonesia trình lên Liên Hiệp Quốc hôm 26-5 đã đề cập đến 3 công hàm trước đó của Trung Quốc và bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh về vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa đối với các thực thể tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam-PV), đồng thời lặp lại rằng  đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử, là thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại với Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS)”.

Quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah cũng xác nhận thông tin này và kêu gọi Trung Quốc tuân thủ hoàn toàn luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Vậy là, sau nhiều lần chứng kiến những hành vi ngang ngược của Trung Quốc, Indonesia - quốc gia vốn trước nay quan điểm rằng không tham gia bất kỳ tranh chấp lãnh hải nào ở Biển Đông đã buộc phải lên tiếng nói về mối quan ngại với Liên Hiệp Quốc.  

Theo phán quyết 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, phần giữa Biển Đông xuất hiện vùng Biển cả và Vùng đáy biển, là di sản chung của loài người, là nơi các nước được hưởng các quyền tự do đi lại. Điều này có nghĩa Biển Đông là vấn đề quốc tế.

Tuy nhiên, sau khi phán quyết, đã xuất hiện ít nhiều sự chia rẽ trong cộng đồng quốc tế về việc ủng hộ hay không ủng hộ phán quyết. Nhiều quốc gia im lặng không ủng hộ phán quyết vì những lợi ích kinh tế mà Trung Quốc mang lại cho họ. Chính vì điều đó, Trung Quốc mới có thể gia tăng các hành xử phi pháp như thời gian qua.

Thực tế, công hàm của Indonesia chỉ là phản ứng mới nhất trong số các công hàm mà các quốc gia ASEAN và Trung Quốc gửi lên Liên Hiệp Quốc sau công hàm của Malaysia hồi tháng 12 năm ngoái về việc Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với thềm lục địa ở Biển Đông. Đây là một đệ trình cá nhân của Malaysia, sau khi Việt Nam và Malaysia đã đệ trình chung vào năm 2009.

Tức là, bên khởi xướng cuộc chiến pháp lý là Malaysia, khi gửi công hàm về mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông lên Liên Hiệp Quốc. Malaysia đã đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa phần phía Bắc lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) vào ngày 12/12/2019. Sau đó, Trung Quốc gửi công hàm cùng ngày cho biết nước này “có chủ quyền” và “quyền lịch sử” với quần đảo ở Biển Đông, “bao gồm quần đảo Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa”. Quần đảo Nam Sa và Tây Sa là cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.

Sau đó chưa đầy 3 tháng, Philippines cũng trình công hàm phản đối công hàm của Trung Quốc và một công hàm phản hồi công hàm của Malaysia. Động thái này của Manila cũng nhận được công hàm phản đối từ Bắc Kinh.

Thực tế, căng thẳng ở Biển Đông đã khiến các nước nhận thấy nhu cầu “cần phải có một Bộ Quy tắc COC thực chất và hiệu quả”. Và COC đang được ASEAN và Trung Quốc đàm phán. Nếu nhiều quốc gia ASEAN cùng thực hiện các biện pháp pháp lý với Trung Quốc, như việc khởi kiện và chiến thắng Trung Quốc trước tòa như Philippines đã làm thì tình hình cũng sẽ khác.

Thêm một tín hiệu vui là Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Kelly Craft ngày 1/6 gửi công hàm cho Tổng thư ký Antonio Guterres, khẳng định yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, theo Công ước về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Mỹ yêu cầu Liên Hiệp Quốc gửi công hàm phản đối này đến tất cả thành viên, đồng thời đăng tải trên trang web của văn phòng pháp chế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng nói: “Chúng tôi từ chối tất cả những tuyên bố phi lý của Trung Quốc. Chúng tôi cũng khẳng định tuyên bố của Trung Quốc đều bất hợp pháp và mang tính chất nguy hiểm đối với thế giới. Mỹ yêu cầu các quốc gia thành viên phải đoàn kết chống lại Trung Quốc nhằm duy trì luật pháp quốc tế về chủ quyền Biển cũng như các vấn đề về tự do hàng hải tại Biển Đông”.

Đáng chú ý, việc Mỹ gửi công hàm thứ hai phản đối Trung Quốc tới Liên Hiệp Quốc về Biển Đông cho thấy Washington chính thức tham gia vào cuộc chiến pháp lý cùng các nước ASEAN.

Từ công hàm của Mỹ, ít nhiều kéo các nước có quyền lợi trực tiếp ở Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp sẽ có phản ứng tương tự nhằm bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình mạnh mẽ hơn. Còn các nước đồng minh như Pháp, Nhật, Úc… cũng thực hiện quyền tự do biển cả của mình. 

Có thể nói, Trung Quốc trong lịch sử có truyền thống bắt nạt các quốc gia yếu hơn nhưng lép vế trước các đối thủ mạnh hơn. Nhưng một khi cộng đồng quốc tế cùng lên tiếng mạnh mẽ đồng loạt bằng những “bom tấn ngoại giao” như trao công hàm hoặc khởi kiện… thì chắc chắn Trung Quốc cũng phải suy nghĩ lại và điều chỉnh chính sách của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ quyền trên Biển Đông: Việt Nam đối ngoại mềm dẻo nhưng cương quyết!

    11:00, 13/05/2020

  • Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương "cấm đánh bắt cá ở Biển Đông" của Trung Quốc

    11:31, 08/05/2020

  • Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông không có giá trị!

    12:00, 04/05/2020

  • Sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam trên Biển Đông

    05:00, 24/04/2020

  • Việt Nam lên tiếng vụ Trung Quốc đặt “danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở Biển Đông

    16:40, 23/04/2020

  • Một góc nhìn về “lời giải” cho hòa bình trên Biển Đông

    11:00, 21/04/2020

  • Trung Quốc "tạo sóng" ở Biển Đông: Đừng mong “đục nước béo cò”!

    07:12, 16/04/2020

  • Việt Nam luôn theo sát tình hình Biển Đông

    08:02, 15/04/2020

SÔNG HÀN