Tổ quốc là nơi để trở về
Việt Nam càng sáng nổi bật trong cuộc chiến với Corona, Thủ tướng càng đau đáu lo cho người Việt xa xứ.
Ông đưa ra các chỉ đạo tỉ mỉ trong việc đón họ trở về. Tổ quốc luôn là nơi để trở về, nhất là khi thế giới ngoài kia đầy giông tố…
Các cuộc họp của Thường trực Chính phủ trong những tháng qua, vào những thời điểm gay cấn, số người chết vì con virus này trên thế giới tăng vùn vụt mỗi ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn nhắc đi nhắc lại ba từ “nghĩa đồng bào” và nhiều sốt ruột về tình hình bà con phải ở nơi “tâm bão” trong khi đường trở về quê nhà xa vạn dặm.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các hãng hàng không trong nước nỗ lực ở mức cao nhất. Trong hoàn cảnh dịch bệnh hoành hành dữ dội, các nước đều đóng cửa sân bay, Việt Nam muốn đón người về nước thì chi phí cho mỗi chuyến bay là rất tốn kém, nhưng theo yêu cầu của Thủ tướng, không được tính giá vé quá cao, phải tạo điều kiện tối đa cho đồng bào hồi hương…
Thủ tướng cũng gửi thư tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó không quên nhắc các cơ quan đại diện tiếp tục nỗ lực, phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, hợp tác với các cơ quan hữu quan nước sở tại, bảo đảm quyền lợi, thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh cho cộng đồng người Việt Nam ở đó.
Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, trong nước đại dịch COVID-19 diễn biến rất căng thẳng, phức tạp, Chính phủ vẫn tìm cách đón được hàng chục nghìn người Việt về nước. Cho đến nay, chỉ riêng tại Mỹ vẫn còn khoảng 3.000 người Việt mong muốn hồi hương.
Dự kiến có 21 chuyến bay chở công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong khoảng thời gian từ ngày 18/5 đến ngày 15/6. Tổ quốc luôn dang rộng vòng tay, như khẳng định của Thủ tướng, “quê hương chính là nơi để trở về”.
Cơ trưởng Nguyễn Nam Liên của Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines chia sẻ, “chỉ đạo đầy nghĩa tình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “không để bất cứ người dân nào bị bỏ rơi, bị đơn độc trong đại dịch COVID-19” thôi thúc chúng tôi sẵn sàng lao vào nơi hiểm nguy nhất để giúp đồng bào”.
Thực hiện chuyến bay dài nhất lịch sử trong ngành hàng không Việt Nam với 29.400 km, bay từ Đông bán cầu sang Tây bán cầu để đón bà con từ các bang của Mỹ về, anh Liên “tràn ngập niềm tự hào về Tổ quốc Việt Nam ngày càng có uy tín và tiếng vang trên toàn thế giới. Tự hào về Mẹ Việt Nam luôn hết lòng với mọi người dân Việt Nam”.
Còn Cơ trưởng Đào Mạnh Quân và Cơ phó Trần Duy Linh, những “chiến binh” quả cảm trên chuyến bay đến Frankfurt (Đức) đưa hàng trăm người Việt trở về ngày 24/3, ngay trước lệnh tạm dừng bay của Đức, tâm sự “nhìn thấy trong mắt họ, những hành khách trên chuyến bay về quê hương niềm vui, niềm hạnh phúc, niềm tự hào và niềm tin về quê mẹ”.
Du học sinh Bảo Long và hàng trăm học viên người Việt Nam đang theo học tiếng Anh tại các trường Anh ngữ ở đảo Cebu mắc kẹt vì các hãng hàng không ở đó đều hủy chuyến. Rồi em đã được trở về trên chuyến bay có số hiệu VN9668. Ngay trên chuyến bay, Long làm thơ, “đã nhiều đêm em miên man tự hỏi/ liệu nước mình có sang đón em không? Tổ quốc mình sao mà yêu đến thế/rộng vòng tay ôm tất thảy vào lòng”…
Đại dịch COVID-19 không đạn bom, khói lửa nhưng những đổ vỡ mà nó mang lại cho nền kinh tế toàn cầu không thua gì cuộc chiến, thậm chí là cuộc đại chiến mà lãnh đạo nhiều nước trên thế giới coi nó là thảm họa không thua gì Thế chiến II.
Còn ở Việt Nam, cuộc chiến với đại dịch khiến nhiều người dân liên tưởng đến mùa xuân năm 1975, đất nước tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông.
Khi đó chiến thắng vang dội, nhưng nhiều người Việt lại có tâm tư như cảm thán của một nghệ sĩ miền Nam, “cái cột đèn cũng muốn ra đi”. Tâm tư “cột đèn” đã lưu lại trong lịch sử như một khúc nhạc buồn khó quên. Cũng như trong cuộc sống, những nỗi buồn luôn là thứ ở lại lâu nhất; muốn xóa đi, muốn rũ bỏ nhưng nó vẫn ngày đêm đeo bám.
Giờ đây, những kết quả đạt được trong cuộc chiến với đại dịch đã tạo ra khúc ca vui góp phần vượt lên trên nỗi buồn của quá khứ. Ôn cố tri tân, Thủ tướng phấn khởi khi cũng là thời “hậu chiến”, nhưng thay vì muốn ra đi như 45 năm trước, nhiều người Việt đều muốn trở về Tổ quốc.
Từ nước Mỹ, nơi vẫn được coi là “vương quốc thiên đường”, tuần báo The Nation của Mỹ thừa nhận, "Việt Nam có thể là nước có cách ứng phó hiệu quả nhất với COVID-19".
Trong sơ đồ đánh giá kết quả về mặt sức khỏe cộng đồng và kinh tế của quốc gia, trang politico.com của Mỹ đã lập bản đồ hiệu suất của 30 quốc gia đi đầu trong công tác chống dịch COVID-19 và Việt Nam là nước ứng phó dịch COVID-19 thành công nhất trên toàn cầu.
Nhận định tương tự được đưa ra từ YouGov, công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế có trụ sở tại Anh sau khi tiến hành khảo sát và xếp hạng phản ứng chống dịch của một số các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Các quốc gia, vùng lãnh thổ được YouGov đưa vào khảo sát đa phần là các cường quốc như Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản… và Việt Nam dẫn đầu trong số đó, trở thành nước ứng phó với dịch COVID-19 tốt nhất trên thế giới.
Một Việt Nam đang đổi thay từng ngày, vươn lên mạnh mẽ từng năm, những lúc gian truân nhất cũng là những lúc tỏa sáng nhất.
Ngày nay, vẫn có nhiều người Việt bôn ba khắp năm châu, nhưng không phải mang theo những nỗi buồn nặng trĩu như ở thập niên 70 của thế kỷ trước. Sau lưng họ, là những lời cổ vũ.
Đặc biệt trân trọng mỗi khi nhắc đến bà con xa xứ, Thủ tướng dẫn hai câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du để nói về tấm lòng của họ với quê hương, “dẫu rằng sông cạn đá mòn/ con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.
Ông cho rằng trong mọi chặng đường phát triển của đất nước đều ghi dấu ấn sự đóng góp nhiệt tình của đồng bào ở xa Tổ quốc. Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu về dòng kiều hối.
“Mỗi kiều bào ta dù hoàn cảnh sống khác nhau, hay đâu đó có thể còn có những suy nghĩ khác biệt về đất nước nhưng tôi tin rằng trong tâm trí tất cả đều có trái tim ấm tình yêu quê hương, đất nước”, Thủ tướng nói, “với niềm tự hào cùng là con Lạc cháu Hồng, tất cả đang chung sức, chung lòng dựng xây đất nước Việt Nam hùng cường sánh vai cùng bạn bè khắp năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.
Lúc này, dòng người vẫn đang đổ về nước “trú bão”. Đợi khi trời quang mây tạnh, nhiều người trong số họ hẳn là lại giã biệt quê nhà nắng sớm mưa mai để sải cánh tung bay.
Ra đi không còn là khúc nhạc thê lương như thời quá khứ. Những người lãnh đạo đất nước đã và đang dốc sức để trong mọi hoàn cảnh đều mang đến cho người dân niềm tin, Tổ quốc luôn là bến đỗ bình yên.
Nỗi buồn “cột đèn” đang trôi mãi mãi về miền ký ức. Một ngày khi được nhắc lại, nó sẽ không còn là những con sóng dữ dằn.
Bởi, như cảm nhận của Thủ tướng, đâu đó có thể còn có những suy nghĩ khác biệt về đất nước, nhưng trong trái tim của mỗi người Việt, điều còn lại sâu lắng nhất vẫn là nỗi niềm yêu nước, yêu người da diết.
Không biết từ thủa nào đã có trong ca dao, “anh đi anh nhớ quê nhà/ nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương/ nhớ ai dãi nắng dầm sương/ nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”…
Có thể bạn quan tâm
Nghĩa đồng bào và dòng gạo dẻo thơm...
06:00, 22/04/2020
[COVID-19] Hồi hương tránh dịch và câu chuyện "nghĩa đồng bào"
11:00, 19/03/2020
6 biện pháp phòng dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới tại Việt Nam
06:42, 10/06/2020
EVFTA: Động lực phục hồi hậu COVID-19
13:09, 09/06/2020
COVID-19: Hoãn điều chỉnh lương cho cán bộ, công chức
07:18, 07/06/2020