Thấy gì từ sự phục hồi kỳ diệu của phi công người Anh?

AN NHIÊN 16/06/2020 05:00

Phi công người Anh - bệnh nhân đặc biệt mang mã số “91” bất ngờ trở lên nổi tiếng khắp thế giới.

Ông nổi tiếng không chỉ là một bệnh nhân mắc Covid-19 tại Việt Nam mà cả vì cuộc chiến đấu cực kỳ cam go và kỳ diệu của y bác sĩ Việt Nam trước đại dịch Covid-19 kinh hoàng.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91. Ảnh: BV

Bệnh viện Chợ Rẫy đã huy động toàn lực để cứu chữa cho bệnh nhân 91. Ảnh: BV

Ở thời điểm được cho là thập tử nhất sinh, giả sử nếu phi công người Anh (bệnh nhân 91) tử vong, âu cũng là chuyện hết sức bình thường bởi đã có nhiều nhận định cho rằng bệnh nhân 91 khó qua khỏi.

Thế nhưng gần 3 tháng trôi qua, cũng là khoảng thời gian phi công người Anh đã kiên cường chiến đấu để sinh tồn, bước qua “cửa tử”, với sự nỗ lực của các y bác sĩ Việt Nam.

Bệnh nhân 91 khởi phát sốt sau 4 ngày vào bar Buddha ở Q.2, TP.HCM (bar Buddha được xác định là “ổ dịch” Covid-19 với 18 người mắc liên quan đến nơi này) vào ngày 17/3.

Ngày 18/3, ông đến BV Bệnh nhiệt đới khám trong tình trạng sốt cao, ho nhiều, đau ngực, mệt và khó thở.

Được xác định là có 2 yếu tố liên quan gây khó khăn cho điều trị: dư cân và rất dễ dị ứng với tất cả các loại thuốc, huyết tương; bệnh nhân 91 được nhận định sẽ diễn tiến nặng ngay từ lúc nhập viện và là ca bệnh nặng nhất trong các ca bệnh Covid-19 nặng ở Việt Nam.

Đáng nói hơn, ngay từ ngày đầu nhập viên, bệnh nhân 91 này đã phải thở ô xy, sau đó, thở không xâm lấn.

Theo lời kể của bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, sau khi nhập viện, diễn biến tình trạng của bệnh nhân 91 rất nặng với nhiều biến chứng phát triển nhanh như: Vi huyết khối, xuất huyết - rối loạn đông máu nặng, suy đa tạng (tổn thương thận, tổn thương gan), nhiễm trùng phổi, nhiễm trùng máu...

Lúc này, sự sống của bệnh nhân 91 chỉ còn trong gang tấc, nếu “buông” thì bệnh nhân này có thể ra đi mãi mãi.

Thế nhưng, với lương tâm nghề nghiệp, với trách nhiệm của mình, với những kinh nghiệm đã được kinh qua trong cuộc chiến chống Covid-19, các y bác sĩ tại BV Bệnh nhiệt đới đã can thiệp khẩn trương nhất nhằm duy trì sự sống cho bệnh nhân này, từng bước giúp bệnh nhân phục hồi một cách kỳ diệu.

Tính đến hôm nay (16/6), phi công người Anh đã có gần 3 tháng chiến đấu vượt qua cái chết. Để có được thành công này, không chỉ là sự nỗ lực sinh tồn của riêng bản thân bệnh nhân này mà còn là cuộc chiến đấu cực kỳ cam go và kỳ diệu của các y bác sĩ Việt Nam trước thứ virus Vũ Hán-Corona kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử hiện đại.

Tình hình tiến triển của bệnh nhân này được cập nhật từng ngày. Theo thông tin mới nhất (15/6), bệnh nhân phi công người Anh tiếp tục có chuyển biến tốt: Ông đã cai thở máy trong 48 giờ rất yên ổn, không có biến chứng gì.

Thời gian cai được thở máy như vâỵ là sớm hơn nhiều so với dự tính của bệnh viện (bệnh viện dự đoán mất nhiều tuần bệnh nhân mới cai được thở máy sau khi cai được thiết bị tim phổi nhân tạo- ECMO, nhưng thực tế chỉ cần 9 ngày).

Đáng chú ý, các tiến bộ khác của bệnh nhân này là ngưng được toàn bộ thuốc kháng sinh, hiện chỉ còn phải sử dụng một thuốc kháng nấm, bệnh nhân cũng đã ăn qua đường tiêu hóa tốt hơn so với một ngày trước đó và phổi phục hồi tốt hơn, do đã giảm được 1 lít oxy hỗ trợ thở/phút.

Được biết, bệnh viện đang tập trung phục hồi sức cơ chân cho bệnh nhân, khi sức cơ tăng, đủ sức chống nâng cơ thể, bệnh nhân sẽ đi lại được, đây là ca bệnh khó, hi hữu khi phổi đông đặc 90% vào thời điểm giữa tháng 5, khoảng 20-5 bắt đầu phục hồi dần và đang thay đổi từng ngày thời gian gần đây.

Có thể nói, trong y học Việt Nam chưa từng chứng kiến một ca bệnh nào hiểm nghèo đến vậy. Như nhận định của giới chuyên môn thì "nhiều thứ đã vượt ra khỏi y văn thế giới". 

Mặc dù đâu đó còn có những tranh cãi xung quanh ca bệnh đặc biệt này. Rằng chúng ta đã tốn kém nhiều kinh phí, mồ hôi, trí tuệ để cứu chữa bệnh nhân này. Hay, nếu bệnh nhân người Việt khác gặp vấn đề tương tự, liệu có được các y bác sĩ dồn toàn bộ tâm lực để cứu sống như bệnh nhân phi công người Anh không?

Tất nhiên, những tranh cãi đó là hết sức bình thường. Xong chúng ta hãy nhìn tới những điều xa hơn để thấy, những tiến bộ vượt bậc của y học nước nhà.

Và hãy mừng hơn bởi một sinh mệnh đang từng bước thoát khỏi “cửa tử”. Hãy mừng hơn bởi đất nước ta mặc dù còn nhiều khó khăn, nền kinh tế chưa phát triển mạnh như nhiều nước trên thế giới, nhưng đã nỗ lực, cố gắng, nhân văn hết mình để cứu sống rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, trong đó có cả những bệnh nhân được tiên lượng rất xấu như phi công người Anh kể trên.

Câu chuyện cứu sống phi công người Anh không đơn thuần là câu chuyện về số liệu, thành tích. Xin hãy nghĩ rộng hơn, rằng việc không mất nhân mạng nào trong cơn đại dịch lớn nhất thế kỷ đã tiếp thêm rất nhiều niềm tin cho người dân Việt Nam vững tin phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Và hơn hết, đó là niềm tin vào hệ thống y tế, về kỷ lục và kỳ công mà y học có thể can thiệp với cơ thể con người, về lòng kiên trì, sự kiên tâm cứu người.

Cùng với đó là niềm tin vào Chính phủ, niềm tin vào cộng đồng người Việt nhân văn, yêu mến hòa bình, sẵn sàng chữa bệnh cho bất cứ bệnh nhân nào đến Việt Nam, không nao núng, bỏ cuộc ngay cả lúc sự sống của họ rất mong manh và điều kiện chữa trị không quá tiên tiến, hiện đại.

Đặc biệt hơn, đó là niềm tin trước sự sống mãnh liệt của con người. Đó chính là “liều thuốc” quý giá với mỗi người. Khi bản thân gặp bệnh tình không mong muốn, khi đứng giữa lằn ranh sống chết mong manh, hãy nghĩ về nền y tế của đất nước để vững tin chiến đấu, giành lại sự sống như chính phi công người Anh đã chiến đấu và chiến thắng vậy.

Có thể bạn quan tâm

  • Nụ cười bệnh nhân và lòng tin với y tế

    11:00, 05/06/2020

  • Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp sau dịch COVID-19

    14:53, 13/06/2020

  • Liên minh kích cầu du lịch hậu COVID-19

    07:00, 13/06/2020

  • 6 biện pháp phòng dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới tại Việt Nam

    06:42, 10/06/2020

AN NHIÊN