Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo: Bài 2 - “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”
Cách đây 111 năm, đầu thế kỷ XX, cụ Phan Chu Trinh cùng với cụ Huỳnh Thúc Khánh, cụ Trần Quý Cáp là những người thấy rõ những điểm yếu cố hữu của con người và xã hội Việt Nam.
Để thoát nghèo, cần thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao dân trí, trình độ và đạo đức của người Việt. Ảnh: Internet.
Các cụ chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao dân trí, đặc biệt là trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa – giáo dục, học những tư tưởng tiến bộ của phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu, hội nhập với thế giới văn minh.
Mục tiêu được đặt ra là: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”; khai hóa dân tộc; giáo dục ý thức công dân, tinh thần tự do; xây dựng cá nhân độc lập, tự chủ, có trách nhiệm với bản thân và xã hội; thay đổi tận tốc rễ nền văn hóa, tâm lý, tính cách, tư duy, tập quán của người Việt; phổ biến các giá trị của nền văn minh phương Tây như pháp quyền, dân quyền, nhân quyền, dân chủ, tự do, bình đẳng, bác ái; cải cách trên mọi lĩnh vực.
Phong trào “Khai dân trí” thực hiện mục tiêu cải tạo con người và xã hội Việt Nam bằng cách khuyến khích cải cách giáo dục, mở mang công thương nghiệp, chấn hưng công nghệ, bỏ mê tín dị đoan, thay đổi tập quán cũ lạc hậu.
Cũng thời gian ấy, cụ Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du, với mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập. Đợt đầu tiên, 1905 – 1906 cụ đưa được tám thanh niên sang Nhật Bản. Năm 1908 phong trào Đông Du đưa được 200 người sang Nhật Bản du học. Số học sinh này sinh hoạt chung trong một tổ chức gọi là “Việt Nam Cống hiến Hội”.
Lời giải nâng cao dân trí của hai cụ Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu không thành công, bị thất bại bởi ba lý do:
Thứ nhất, đất nước chưa độc lập, chưa có chủ quyền, vẫn chịu sự cai trị của Pháp (phải đợi đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo phong trào cách mạng đến Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thì Việt Nam mới thật sự độc lập, mới có tên quốc gia trên bản đồ thế giới).
Thứ hai, số lượng người ra nước ngoài, trực tiếp trải nghiệm thế giới văn minh (Nhật Bản) quá ít (mới có 200 người).
Thứ ba, tại thời điểm đầu thế kỷ XX, Nhật Bản chưa đại diện cho thế giới văn minh mà chính Nhật Bản cũng mới đang đi học thế giới văn minh, mới đang trong quá trình nâng cao dân trí.
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Đi tìm lời giải để Việt Nam thoát nghèo: Bài 1 - Trăn trở 3 câu hỏi!
05:05, 13/06/2020
Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 4 - Suy nghĩ chủ quan và nền tảng triết lý cho phát triển yếu
05:00, 11/06/2020
Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 3 - Tư duy nhỏ trong kinh tế
05:00, 08/06/2020
Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 2 - Dễ hài lòng
12:00, 05/06/2020
Vì sao đất nước ta còn nghèo?: Bài 1 - Bốn yếu điểm cố hữu cản trở sự phát triển
06:00, 03/06/2020