Chuyện “giá thịt lợn lên đỉnh”
Nếu để giá thịt lợn điều tiết theo quy luật thị trường thì sắp tới chắc chắn mặt hàng này sẽ giảm khi chúng ta tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do.
“Chuyển sang ăn thịt gà” thay cho thịt lợn đang khan hiếm, đắt đỏ…nhằm “hạ nhiệt” giá thịt lợn. Khuyến nghị này của Trưởng ngành nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường không chỉ làm “nóng” nghị trường Quốc hội, mà dư luận cũng có nhiều ý kiến trái chiều.
Thời gian qua có nhiều ý kiến chỉ đạo bình ổn giá thịt heo để người dân có thể mua thực phẩm bình thường, nhưng thực tế giá thịt lợn thấp chỉ có trên tivi, ngoài chợ các tiểu thương vẫn bán giá rất cao.
Đó là một trong những nguyên do người tiêu dùng than thở chuyện tiểu thương tại chợ vin đủ cớ để tăng giá. Giá xăng, giá điện, giá lợn hơi,… tăng hôm trước, hôm sau tiểu thương đã đẩy giá thịt lợn tăng theo. Giờ giá lợn hơi giảm mạnh, giá xăng cũng rẻ hơn năm ngoái rất nhiều mà chờ mòn mỏi vẫn chưa thấy giá thịt lợn tại chợ hạ nhiệt.
Thực ra, nhu cầu thì vẫn vậy, không tăng là mấy, với kiểu buôn bán tư thương, nhỏ lẻ của bà con ta từ xưa đến nay, việc gom rồi đẩy giá lên là chuyện dễ hiểu. Hơn nữa, nguồn cung bị giảm sau dịch bệnh, tái đàn lớn sau dịch cần có thời gian, không phải tờ giấy nói in là in ra cả ngàn tờ ngay được.
Trong báo cáo về tình hình ổn định giá thịt lợn và phục hồi sản xuất sau tác động của dịch tả lợn châu Phi tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, việc tái đàn, tăng đàn lợn đang diễn ra rất thuận lợi. Tính đến cuối 5/2020, có 8 tỉnh, thành phố tái đàn và tăng đàn lợn trên 100%, trung bình là 118,9% so với thời điểm trước khi có dịch (tháng 12/2018).
Bộ cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu lợn giống về phục vụ tạo đàn, tăng đàn. Đến nay, những cam kết phát triển trang trại lớn, xây dựng quy trình thực phẩm sạch từ lò mổ đến bàn ăn đã không được như kỳ vọng. Đó là một phần nguyên nhân dẫn đến giá thịt lợn vẫn cao.
Dù sao đi nữa, trong câu chuyện “giá thịt lợn lên đỉnh” thì không thể không đề cập đến vai trò của Bộ NN-PTNT, vì trước tới giờ người tiêu dùng vẫn chưa biết đây là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp hay Bộ Công thương.
Chỉ khi Bộ NN-PTNT chính thức thông báo cho nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan về để giết mổ, nhằm tăng nguồn cung, cũng như hạ nhiệt giá mặt hàng này, người ta mới rõ trách nhiệm chính thuộc về ai. Điều này có lẽ phần nào nói lên sự mờ nhạt trong điều hành, càng cho thấy vì sao giá thịt lợn lại tăng cao đến như vậy.
Đúng là, thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân có thói quen ăn thịt lợn, với tỉ trọng khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng trong các loại thịt sử dụng cho bữa ăn hàng ngày, vốn là cơ hội để phát triển ngành hàng thịt lợn.
Nhưng, nhu cầu thị trường được định giá khoảng 10 tỷ USD cho mặt hàng thịt lợn đã và đang không thể đáp ứng. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại lớn hiện chỉ chiếm khoảng 30% – 35%, gần 70% thị phần còn lại vẫn do các trang trại nhỏ và hộ chăn nuôi cung cấp. Tức là, trường hợp này cung giảm, cầu vẫn vậy, nên giá cả tăng là lẽ thường trong cơ chế kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, có một số người đặt vấn đề ngược lại: Việc thịt lợn tăng như hiện nay chưa có gì là quá hại cho nền kinh tế cả. Ngược lại, những người chăn nuôi lại được giá, có động lực tái đàn, mở rộng chăn nuôi? Vì vậy hãy để thịt lợn vận hành theo quy luật cung - cầu.
Mặt khác, nếu để giá thịt lợn điều tiết theo quy luật thị trường thì sắp tới chắc chắn mặt hàng này sẽ giảm khi chúng ta tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Theo đó, Việt Nam tham gia ký kết CPTPP và EVFTA rất nhiều thách thức với ngành chăn nuôi nói chung, mặt hàng thịt lợn nói riêng đã được điểm danh.
Cụ thể: Với CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ đầu năm 2019, thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh và thịt lợn tươi sẽ được xóa bỏ hoàn toàn trong lộ trình 8 đến 10 năm. Tương tự với EVFTA dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, riêng nhóm mặt hàng thịt lợn, thuế nhập khẩu từ thị trường EU đã trừ thuế từ 15% đến 27% sẽ giảm về 0% theo lộ trình 10 năm.
Không chỉ chịu sức ép cạnh tranh từ việc bãi bỏ thuế, người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội được sử dụng các sản phẩm chăn nuôi có chất lượng từ các thị trường CPTPP và đặc biệt là từ EU vốn được kiểm soát rất chặt chẽ theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường từ đầu vào đến đầu ra, cũng là sức ép lớn, buộc ngành chăn nuôi Việt Nam phải thay đổi thói quen nông hộ.
Như vậy, chúng ta có thể thấy, giá thịt lợn tăng cao là tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường. Mà đã là quy luật tự nhiên của thị trường hãy cứ để nó tự nhiên diễn ra, chúng ta chỉ nên dùng “bàn tay hữu hình” can thiệp vào khi nó thực sự có hại.
Theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Tăng trưởng tốt mà giá cả tăng cao thì đời sống nhân dân bị ảnh hưởng… Phải làm tốt 2 mặt: Tăng trưởng tốt và giá cả ổn định, bảo đảm cuộc sống nhân dân, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn”.
Có thể bạn quan tâm
Giải pháp đồng bộ "hạ nhiệt" giá thịt lợn
05:30, 15/06/2020
Đại biểu Quốc hội đề nghị hai Bộ chịu trách nhiệm vấn đề thịt lợn giá cao
11:45, 13/06/2020
Chính phủ lập phương án điều tiết giá thịt lợn
17:28, 02/06/2020
Thuế nhập khẩu thịt lợn đông lạnh dự kiến giảm xuống 10%
14:06, 29/05/2020