TP.HCM: Đừng chống ngập kiểu… đối phó

TRẦN VĂN TƯỜNG - Kỹ sư cầu đường 24/06/2020 05:07

TP.HCM vào đầu mùa mưa nhưng tình trạng ngập nước trầm trọng, điểm ngập cũ chưa giải quyết xong đã phát sinh các điểm ngập mới, gây lo lắng và khổ sở cho người dân.

Đáng chú ý, khu vực được cho là một trong những nơi cao nhất thành phố cũng bị ngập nước trên các tuyến đường Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu, Nguyễn Văn Khối (Gò Vấp).

Cứ mưa lớn là nhiều tuyến đường tại TP HCM lại chìm trong... biển nước. Ảnh: Internet.

Nhà cô tôi gần bến xe miền Tây bị ngập nước khi có mưa lớn, kể từ lúc cơ quan chức năng nâng đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân). Ban đầu, người nhà thay phiên múc nước đổ ra ngoài, sau đó phải nâng nền lên hơn 1m. Nhà nhiều người lân cận bị ngập không chịu nỗi, sau khi nâng nền, tầng trệt chỉ còn làm hầm để xe vì khoảng không quá thấp. Có người treo bảng bán nhà. Con hẻm trước nhà cô cũng được nâng lên.

Trong khu vực, nơi nào chưa kịp nâng lên trở thành vùng trũng, nước mênh mông khi có mưa lớn và đọng lại gây ngập sâu trong nhiều ngày liền mới rút dần. Những nơi mặt bằng vốn đã cao ráo nhưng vẫn bị ngập như bến xe miền Tây, một số nhà xe phải kê những hàng ghế dài cho khách đi, sau cơn mưa mất vài giờ nước mới có thể rút hết.  

Hàng chục ngàn người đi làm cả ngày vốn đã mệt, trên đường trở về “chôn chân” bởi ngập nước. Trên đoạn đường ngày thường đi chỉ mất khoảng mươi phút nhưng khi xảy ra ngập nước vài giờ đồng hồ vẫn chưa thể nào vượt qua, xe lại bị tắt máy phải dắt bộ trong dòng nước mênh mông. Nhiều nhà dân suốt ngày bì bõm. Ngập nước trở thành nỗi án ảnh, không chỉ người dân bức xúc còn khiến cơ quan chức năng “đau đầu” xử lý.

Dễ thấy, hễ cứ mưa là ngập. Nội thành cùng với hàng loạt tuyến đường vốn ngập đã đành như Nguyễn Hữu Cảnh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh… Đằng này, ngoại thành cũng ngập. Tại quận Thủ Đức từ khi đường Phạm Văn Đồng hình thành cao hơn mặt bằng khu vực càng gây ngập nặng trên các tuyến đường lân cận như Hiệp Bình, Kha Vạn Cân, Tô Ngọc Vân, Võ Văn Ngân… Hay từ khi nâng đường Kinh Dương Vương thì các tuyến đường lân cận bị ngập nặng như Phan Anh, Lâm Hoành, Đỗ Năng Tế, Bùi Tư Toàn, Nguyễn Thức Đường... Bất ngờ những khu đô thị mới vẫn không thoát khỏi cảnh lênh láng, mênh mông nước khi có mưa.

Giải pháp chống ngập những năm qua theo kiểu chắp vá. Chẳng hạn, nâng đường, bơm hút nước. Nhiều tuyến đường sau khi nâng lên cao để chống ngập trở thành con đê chắn ngang khiến nước mưa tràn ra hai bên, nước từ trong hẻm và những đường xung quanh không có lối thoát, tạo thành “dòng sông” nhỏ trong khu dân cư khi có mưa lớn.

Hệ lụy là nơi nơi hè nhau nâng đường, nâng hẻm, nhà dân cũng phải nâng lên cao hơn, Tai hại nhất, khiến hệ thống cống trong khu vực không đồng bộ về kích thước, cao độ. 

Cứ đà chống ngập bằng cách nâng đường, hút chỗ này bơm ra chỗ khác để thoát nước thì có chi ra cả tỉ đôla lắm khi cũng chẳng thể thoát ngập. Thậm chí, còn phản tác dụng.

Chống ngập nếu thiếu quan tâm đến người dân và nơi lân cận, e rằng khó có cái nhìn toàn diện mà chỉ biết cục bộ. Khi làm đường hay làm cống vẫn phải phù hợp quy hoạch mặt bằng kiến trúc đô thị, sơ đồ các tuyến đường lân cận, mạng lưới thoát nước chung.

Điều căn bản lại ít để ý trong chống ngập. Làm đường phải đảm bảo sinh hoạt đi lại, an toàn giao thông. Thoát nước về nguyên tắc, phù hợp với quy hoạch trong khu vực và toàn bộ mạng lưới thoát nước có liên quan, không làm phát sinh điểm ngập… Ngoài ra, thoát nước cho khu vực giao cắt với tuyến đường, thoát nước thải sinh hoạt cho nhà dân.

Nâng đường không giải quyết triệt để ngập nước, ngược lại còn đẩy điểm ngập đến một số nơi lân cận, chuyển ngập từ ngoài đường vào nhà dân... Nếu xem nâng đường là phương án chống ngập có lẽ phải nâng tất cả khu vực thấp bị ngập, là điều bất khả thi.

Diễn biến ngập nước ngày càng trầm trọng, hãy thẳng thắn nhìn nhận đúng thực tế để sớm có những giải pháp sao cho hữu hiệu. Đừng chống ngập theo kiểu đối phó.

Đúng ra thiết kế thoát nước trong đô thị là ưu tiên cho giải pháp tự chảy, hướng thoát ngắn nhất, không tắc nghẽn hoặc gây ngập cục bộ những khu vực lân cận. TP.HCM có điều kiện nhiên thuận lợi nên được tận dụng để thoát nước mưa ra sông, kênh, mương, rạch hay những khu vực có đất trống vùng trũng. Chỉ có thể kết hợp sử dụng thêm máy bơm trong trường hợp địa hình thấp, không có vùng trũng và dòng chảy thoát nước.

Đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh càng thuận lợi tận dụng địa hình tự nhiên thoát nước ra sông Sài Gòn, rạch Văn Thánh. Tính toán hệ thống cống sao cho phù hợp với cao độ lưu vực, mạng lưới thoát nước chung, không chỉ thoát nước mặt đường và vỉa hè dọc tuyến, còn phải xét đến yếu tố thoát nước cho cả một quần thể cư dân hàng chục ngàn người cùng với khả năng thoát nước cho các trục đường kết nối như Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh, Điện Biên Phủ, khu Tân Cảng.

Đường Phạm Văn Đồng khi được xây dựng mới, cải tạo nâng cấp đường Kinh Dương Vương lẽ ra nên nghĩ đến thoát nước trong khu vực với các tuyến đường, hẻm lân cận.

Còn nhiều dự án giao thông, chống ngập nước sẽ triển khai. Những bất ổn thời gian qua cần được xem xét thấu đáo, rút kinh nghiệm sao cho tránh lặp lại tình trạng tương tự.

Nên chăng, rà soát quy hoạch tổng thể mặt bằng lưu vực, đánh giá lại công tác chống ngập trong những năm qua để có cái nhìn toàn diện, xác định đúng nguyên nhân, đưa ra giải pháp sao cho hiệu quả trên cơ sở khoa học. TP.HCM đang hướng đến đô thị thông minh, sáng tạo cần được xây dựng hệ thống thoát nước hiện đại và đồng bộ, phù hợp quy hoạch, đủ khả năng giải quyết thoát nước nhanh chóng với mọi cơn mưa lớn nhỏ. 

Có thể bạn quan tâm

  • Giá nào cho xã hội hóa chống ngập TP.HCM?

    05:05, 14/06/2020

  • Đổi mới tư duy chống ngập

    05:10, 09/06/2020

  • Vì sao TP HCM vẫn loay hoay… “phương án chống ngập”?

    06:00, 04/06/2020

  • Từ công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng: Cần sớm bỏ “tấm áo chật” cho TP HCM

    05:00, 28/05/2020

TRẦN VĂN TƯỜNG - Kỹ sư cầu đường