Mừng với quyết định "dừng đi học trước một tháng rồi mới khai giảng" của Bộ Giáo dục

SÔNG HÀN 04/07/2020 05:08

Đừng nghĩ đến cải cách giáo dục với những đề án to tát, hãy dẹp ngay các loại bài tập tra tấn hại não, những bài học thuộc lòng nhồi nhét khai thác sức nhớ nhưng hủy hoại sức sáng tạo. 

Những năm gần đây lễ khai giảng đã phần nao giảm đi niềm vui, ý nghĩa bởi học trò đa chính thức học trước đó cả tháng rồi.

Những năm gần đây lễ khai giảng đã phần nào giảm đi niềm vui, ý nghĩa bởi học trò đã chính thức học trước ngày khai giảng cả tháng rồi.

Mới đây, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Giáo dục Đào tạo thông báo tại cuộc họp báo định kỳ rằng “từ năm học 2020-2021, sẽ chấm dứt tựu trường và đi học trước khoảng một tháng rồi mới khai giảng”. Việc này đang nhận được sự đồng tình lớn từ dư luận.

Ai cũng biết, truyền thống trong nền giáo dục nước ta, học sinh sẽ nghỉ hè 3 tháng và trở lại đi học vào đầu tháng 9. Điều này được thực hiện dựa trên việc xem xét kỹ lưỡng và trải qua thời gian dài, rất hợp lý với khí hậu Việt Nam và cả sự phát triển của học sinh. Học sinh thường được nghỉ hè tháng 6 đến tháng 8 trước khi trở lại một năm học mới.

Tuy nhiên, càng những năm trở về đây, ý nghĩa của ngày tựu trường đã khác. Nói chính xác, nó giống như lễ nghi hình thức, làm cho có phong trào, chứ không thực sự ý nghĩa của ngày khai giảng để bắt đầu một năm học mới nữa. Đó là một chuyện buồn và khá đáng tiếc.

Nói vậy bởi, trẻ con giờ phải học nhiều hơn, ngoài học ở trường, học trên lớp, học tăng ca buổi chiều, học thêm buổi tối, học cuối tuần, học thêm hè… Nhìn vào lịch trình học của một đứa trẻ thành phố, không biết chúng sẽ có thời gian nào để chơi, giải trí, tập thể thao, đọc truyện hay phát triển những sở thích cá nhân.

 Nói là nghỉ hè 3 tháng nhưng thực tế thời gian nghỉ hè lại ít hơn rất nhiều và thời gian đó, chúng vẫn phải tập trung cho việc học để thi chuyển lớp, chuyển khối, thậm chí học trước kiến thức để bắt nhịp nhanh hơn các bạn… Chúng đang phải làm việc quá sức nên cũng không biết có cảm nhận được thời gian nghỉ hè thức sự.

Thực tế, việc học trước rồi mới khai giảng đã diễn ra khá lâu. Lý do, khối lượng kiến thức nhiều nên phải học trước để đảm bảo nội dung chương trình. Mặt khác, do điều kiện thời tiết ở một số tỉnh, thành thường mưa bão, lũ lụt. Do đó, các tỉnh thường tổ chức dạy trước để nghỉ vào những đợt thiên tai. Cho nên ngày tựu trường trước khi khai giảng không thống nhất trên toàn quốc mà tùy vào từng địa phương..v..v.

Nên có thể nói, trẻ em bây giờ đang đi học quá nhiều, bao gồm cả học thêm và học ngoài giờ, điều đó có thực sự hiệu quả? Hãy thử nghĩ xem, những người lớn, chúng ta là công nhân viên chức, những nhà kinh doanh, người lao động vất vả… nhưng có phải tất cả chúng ta đều ngồi ở công ty được từ 10-12 tiếng, làm việc liên tục từ sáng đến tối mà không có ngày nghỉ thỏa đáng? Chắc không phải người lớn nào cũng chịu đựng được cường độ liên tục như thế này. 

Và sau giờ làm việc chúng ta cũng cần nạp lại năng lượng như có thời gian tĩnh tâm một mình, nghe một bài nhạc yêu thích, đến tham gia vào một nhóm giao lưu âm nhạc, đi chơi với người thân, bạn bè và ngắm nhìn những đứa trẻ, âu yếm chúng như chúng vẫn luôn là nguồn sống, động lực hàng ngày cho mỗi chúng ta.

Vậy thì những đứa trẻ càng cần như vậy. Thời gian nghỉ hè là thời gian quý báu để trẻ em có thể làm nhiều việc chúng thích mà chưa có cơ hội thực hiện trong năm. Như phát triển sở thích của bản thân, tìm ra những sở trường, thế mạnh của mình ngoài học văn hóa, chơi những môn thế thao yêu thích, gặp gỡ bạn bè.

Giáo dục có kỷ cương góp phần quan trọng phát triển phẩm cách tốt đẹp cho người học. Nếu học trước, khai giảng sau thì sẽ được nề nếp, tức là được một, nhưng chúng ta sẽ mất đi chín, mất đi mười: Đó là mất đi niềm vui, ý nghĩa ngày khai giảng, mất đi cái hào hứng đầu năm học..

 Liên quan vấn đề này, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM cho biết: “Hiện chương trình học đã được tinh giản, hơn nữa việc dạy và học trực tuyến đã được các trường triển khai. Do đó, tôi nghĩ từ năm học 2020-2021 nên khai giảng rồi mới học”.

“Nhân chuyện đi học trước hay sau khai giảng này, chúng ta nên bàn rộng hơn về mục đích cuối cùng của giáo dục là gì và cách thức nào để hiện thực hóa mục đích đó. Từ đó sẽ tiến hành thay đổi mọi thứ một cách căn cơ, qua đó sẽ trả lại mùa hè, trả lại khai giảng và trả lại tuổi thơ cho con trẻ” - Ông Giản Tư Trung  (Viện trưởng Viện Giáo dục IRED nói). 

Điều này cũng có nghĩa, khai giảng hướng đến sự tự nguyện của học sinh, tạo hứng thú trong học tập, khởi nghiệp, nhân lên trong các em ước mơ, hoài bão đẹp đẽ. Được thế, sẽ có lợi lâu dài cho trò, cho thầy, cho phụ huynh, cho giáo dục hôm nay và mai sau.

Thế nên mới nói, “chấm dứt tựu trường và đi học trước khoảng một tháng rồi mới khai giảng” là quyết định sáng suốt của Bộ Giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

  • Giáo dục: Tinh hoa và đại chúng (Bài 1)

    06:00, 27/06/2020

  • Cẩn trọng... thương mại hóa giáo dục

    15:35, 26/06/2020

  • Trường chuyên, học sinh giỏi và "hào quang phù du"

    12:58, 01/07/2020

  • Thêm một góc nhìn về trường CHUYÊN lớp CHỌN

    05:02, 30/06/2020

  • Trường chuyên và câu chuyện bình đẳng "nguồn lực đầu vào"

    11:25, 29/06/2020

  • Góc nhìn khác về “xóa sổ” trường chuyên

    11:25, 26/06/2020

  • Trường chuyên tạo ra... "bất bình đẳng đạo đức"?

    06:09, 24/06/2020

SÔNG HÀN