Thực tiễn và lý luận là sức sống của báo chí
Tuần trước, tình cờ đọc được một bài chính luận quốc tế mấy ngàn chữ, người dẫn bài này lên mạng xã hội để dòng trạng thái rất kích thích “một bài báo xuất sắc”.
Tôi không đủ kiên nhẫn để đọc hết. Liền kéo nhanh xuống phần bình luận.
Có rất nhiều bất ngờ trong phần bình luận, nhưng lọc ra có 3 luồng, đáng chú ý nhất là: Khen hay nhưng chê sáo rỗng, nội dung nhận xét này chiếm đa số. Điều đó làm tôi nghĩ suy. Tại sao hay nhưng là sáo rỗng?
Sáo rỗng - nói dễ hiểu tức là không chứa bất cứ nội dung gì có giá trị trong vỏ bọc ngôn ngữ đẹp đẽ, mượt mà. Vậy nhưng, cái hay là ở chỗ, người viết hẳn là bậc thầy trong logic ngôn từ, đủ sức che lấp cái nội dung chẳng có nội dung gì bổ ích; hoặc thiếu con số, sự kiện..., chứng minh.
Bác Hồ là cây bút xuất sắc, Người đặt ra 3 câu hỏi cho một bài báo: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào? Dù bất cứ hoàn cảnh, thời đại nào, khung khổ này cũng là kinh điển của báo chí.
Khi trả lời câu hỏi “viết cho ai” và “viết để làm gì” tức là giải quyết phần “lý luận” của tác phẩm; còn “viết như thế nào” đồng nghĩa với nhiệm vụ tìm chất liệu “thực tiễn” cho bài báo.
Dù muốn hay không, khi đặt tay gõ chữ đầu tiên đã là thực hiện mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Người giải quyết một cách biện chứng giữa hai thái cực này sẽ tạo ra bài viết tốt; ngược lại, thiếu lý luận bài sẽ mất sức chiến đấu, thiếu thực tiễn sẽ sa vào sáo rỗng.
Vậy, như thế nào là biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, chúng xuất phát từ đâu, ứng dụng nó như thế nào, làm sao để nhận diện.... Không có môn khoa học nào dạy về thực tiễn và lý luận một cách sâu sắc và toàn diện như Triết học.
Lý luận là sản phẩm cao cấp của nhận thức, là tri thức về bản chất, quy luật của hiện thực khách quan. Vì lý luận chỉ có được thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học. Ví dụ, lý luận về báo chí, về nguyên tắc của báo in, báo nói, báo điện tử.
Thực tiễn là những hoạt động vật chất hàng ngày, gồm có 3 dạng thức: Hoạt động sản xuất vật chất; hoạt động chính trị - xã hội; và hoạt động thực nghiệm khoa học. Ví dụ, các hoạt động nghe, nhìn, cảm nhận, ghi chép, chụp ảnh..., tại hiện trường chính là thực tiễn của một tin, bài.
Cũng bởi thiếu tôn trọng nguyên lý trên nên báo chí Việt Nam mấy năm gần đây có rất nhiều hiện tượng “lạ”, được ví như “vác tre đầu ngọn”. Có nhiều sự kiện chưa từng xảy ra, hoặc xảy ra rồi nhưng do người làm báo “lười đi” nên phản ánh méo mó, không đầy đủ.
Trong trường hợp này, cố “nắn nót” cho ra bài vở thì không tránh khỏi suy luận vô căn cứ, thậm chí võ đoán, phiêu phỏng. Hiện tượng báo chí này không khác gì “đầu độc xa lộ thông tin”, phương hại nghiêm trọng đến đối tượng được phản ánh.
Cũng có một trạng thái ngược lại, tức là “thuần túy thực tiễn”, sao chép, phản ánh với tỷ lệ 1:1 sự kiện xảy ra. Trường hợp này không có gì xấu nhưng cũng chẳng có gì hay ho, nếu không muốn nói là cằn cỗi hóa báo chí.
Từ thực tiễn sinh động, hãy dùng lý luận để phát triển vấn đề trên nền tảng logic khoa học, mang đến cho độc giả bản chất ẩn dấu đằng sau hiện tượng. Như thế, công năng phát hiện, tham mưu, dẫn đường chỉ lối của báo chí mới thực sự được khơi dậy.
Ngày nay, cuộc đua giữa mạng xã hội và báo chí rất khốc liệt, nếu chỉ “có sao nói vậy” thì báo chí chắc chắn không thể thắng được mạng xã hội. Cái thiếu của mạng xã hội chính là “đội ngũ làm báo” ở các tòa soạn được trang bị đủ kỹ năng lý luận và thực tiễn. Hãy dựa vào đây làm vũ khí của chúng ta.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc "di dân của tư duy và loại hình báo chí
21:18, 29/06/2020
Báo chí với doanh nghiệp luôn là mối quan hệ cộng sinh
10:24, 21/06/2020
Doanh nghiệp cần sức mạnh thông tin của báo chí
06:34, 21/06/2020
Báo chí: Tốc độ hay chính xác?
06:19, 21/06/2020
Báo chí: Từ chức năng thông tin đến vai trò kết nối
06:00, 21/06/2020
Sứ mệnh của báo chí
05:00, 21/06/2020
Bảo tàng báo chí và câu chuyện giữ lửa cho mai sau
10:03, 19/06/2020