Khi sự vô cảm “len lỏi” giữa bệnh thành tích
Đến lúc, ngành giáo dục và chính phụ huynh phải thực sự “thức tỉnh” về những con số ảo, những bảng thành tích không đúng thực chất về năng lực thực sự của con em mình.
Mới đây, một bức ảnh chưa rõ nguồn gốc liên quan đến hình ảnh một học sinh không được nhận giấy khen, trong khi cả lớp được nhận giấy khen đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội, nhận được nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Theo góc ảnh thì người chụp đứng hướng trên bục giảng nhìn xuống quang cảnh. Đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa xác minh được nguồn gốc bức ảnh chụp ở trường nào, lớp nào, địa phương nào. Cũng chưa thể khẳng định, em học sinh không được giấy khen hay đây liệu có phải là hình ảnh được cắt ghép hay không.
Tuy nhiên, dù là ảnh cắt ghép hay ảnh chụp thực sự thì nhìn vào bức ảnh này, chúng ta ít nhiều cũng thấy nhói đau. Không biết giáo viên (nếu sự thật là giáo viên đứng lớp chụp) để một em học trò tiểu học lẻ loi giữa một rừng… giấy khen, và rồi khoảnh khắc đó còn được chụp ảnh lại, đăng tải lên mạng xã hội đã và đang nghĩ gì.
Thực tế thì việc một em học sinh không được nhận giấy khen cũng là chuyện rất bình thường. Giấy khen không thể quyết định con đường thành công hay thất bại trong tương lai của các em học sinh, bởi mỗi con người đều có những bước đi riêng trong sự nghiệp.
Thành công có thể là chủ một doanh nghiệp lớn đối với người này, song đối với người khác có khi chỉ là một cửa hàng kinh doanh nhỏ, có thể nuôi sống gia đình, có của ăn của để. Tất cả phụ thuộc vào ý chí và đạo đức và cả chút may mắn của mỗi con người, chứ không chỉ phụ thuộc vào tờ giấy khen.
Trở lại với câu chuyện em học trò nhỏ lạc lõng giữa một rừng giấy khen, trong bối cảnh đó, tôi nghĩ, cảm xúc của em học trò chắc đã rất tệ. Rồi lại nghĩ đến nhân cách của người giáo viên khi tung hô một tập thể theo kiểu này. Thật xót xa...
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng: “Bức ảnh nếu có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GD&ĐT trong đánh giá học sinh, đó là không được so sánh học sinh này với học sinh khác. Nếu phê bình, nhắc nhở cũng không phê bình trước lớp mà cần gặp riêng, vì độ tuổi này vô cùng nhạy cảm. Điều này thể hiện nghiệp vụ, lương tâm nghề nghiệp của giáo viên”.
Mặt khác, cũng từ bức ảnh nó thể hiện nhiều vấn đề nhức nhối như bệnh thành tích, hình thức…, ở trong trường học của ngành giáo dục hiện nay. Và nó rất khó chữa bởi còn liên quan đến rất nhiều ban ngành, nhiều vấn đề hiện nay. Từ thành tích thi đua của địa phương, của ngành giáo dục, của các nhà trường, giáo viên…v..v.
Thậm chí, trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng có những yêu cầu về chất lượng giáo dục như tỷ lệ phổ cập, tỷ lệ học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đậu tuyển sinh đầu cấp… Chính vì thế, chữa được “căn bệnh” này còn khó hơn cả… hái sao ở trên trời vậy.
Vì nặng về thành tích nên các nhà trường vẫn áp chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn, giáo viên ngay từ những ngày đầu bước vào năm học mới. Một khi đã phân bổ chỉ tiêu về chất lượng giáo dục thì tất nhiên là giáo viên phải cố gắng để hoàn thành. Những điểm số cao chót vót, chính là căn bệnh “ru ngủ” học sinh và nhiều bậc phụ huynh.
Để rồi, với những tờ giấy khen hình thức, sau này sẽ khiến các em vào đời với sự tự tin thái quá, để rồi không có đủ kỹ năng sống, không có kỹ năng giao tiếp, hành động theo cảm tính và lười tư duy, lười lao động.
Cách đây không lâu, (đầu tuần tháng 5/2020), Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng đề nghị các trường THPT, giáo viên đứng lớp cần chấm điểm nghiêm túc, công tâm, tránh tình trạng “làm đẹp” học bạ để ứng tuyển vào các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển này dẫn đến không công bằng. Đây cũng là áp lực để các nhà trường dạy học thật tốt.
Suy rộng ra, giáo dục có nhiều khía cạnh: Giáo dục của xã hội, của nhà trường, của gia đình nhưng quan trọng nhất vẫn là gia đình. Giáo dục không chỉ đơn thuần là thầy cô lên lớp. Nên chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thể áp dụng tới nhiều cấp học thuộc nhiều ngành nghề ở tất cả các địa phương, nhằm chấn chỉnh bệnh thành tích trong giáo dục.
Ngay cả bản thân người viết cũng từng là giáo viên nên thấy, nếu chỉ có 8 giờ đứng lớp, nói những điều tốt đẹp mà không có sự phối hợp của gia đình và xã hội thì toàn bộ công sức của người thầy đổ xuống sông xuống biển hết.
Điều này cũng có nghĩa, đã đến lúc, ngành giáo dục và chính phụ huynh phải thực sự “thức tỉnh” về những con số ảo, những bảng thành tích không đúng thực chất về năng lực thực sự của con em mình.
Nếu giáo viên, ngành giáo dục chạy theo bệnh thành tích, thì chính phụ huynh phải là người kéo các em ra khỏi căn bệnh “ảo tưởng” ấy.
Có thể bạn quan tâm
Bộ đã cố gắng nói không với bệnh thành tích, nhưng…
06:48, 07/06/2018
Bệnh thành tích có yếu tố từ... văn hóa, thói quen
10:45, 06/06/2018
Chỉ là bệnh thành tích thôi mà, dân nghe quen quá rồi!
13:59, 14/12/2017
Bệnh thành tích ?!
00:00, 19/10/2013