Vấn đề Biển Đông: Việt Nam ủng hộ lẽ phải, luật pháp quốc tế!
Khi tình hình Biển Đông phức tạp, Việt Nam vẫn giữ vững lập trường ủng hộ lẽ phải, và tập trung vào luật pháp quốc tế.
Ngày 13/7 vừa qua, tại thủ đô Washington của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
“Những yêu sách của Bắc Kinh đối với nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng là hoàn toàn phi pháp”. - Ông Pompeo cho biết.
Có thể nhận thấy, trong tuyên bố này, Mỹ thẳng thừng bác bỏ mọi yêu sách hàng hải của Trung Quốc đối với các vùng biển ở quanh bãi Tư Chính của Việt Nam, bãi cạn Luconia của Malaysia, vùng biển trong vùng đặc quyền kinh tế của Brunei và quần đảo Natuna của Indonesia.
Ông Pompeo khẳng định, quan điểm của chính phủ hiện tại ở Mỹ là “thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi khu vực Biển Đông là đế chế trên biển của mình. Mỹ sát cánh cùng đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền của họ đối với các tài nguyên ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế”.
Sau tuyên bố kể trên, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền ở khu vực Biển Đông, nhấn mạnh Mỹ sẽ làm việc này thông qua các diễn đàn đa phương và bằng các biện pháp pháp lý quốc tế.
“Chúng tôi sẽ sử dụng các công cụ sẵn có và chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới cho rằng Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hay hàng hải hợp pháp của họ... Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù tại các thể chế đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý. Chúng tôi sẽ sử dụng tất cả các công cụ có thể”. - Thông điệp của ông Pompeo rất rõ ràng và cụ thể.
Bình luận về thái độ và hành động của Mỹ ở Biển Đông, Ths Hoàng Việt - Giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhà nghiên cứu về Biển Đông cho rằng, nếu trước đây Mỹ chỉ nói chung chung là yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế mà không nói tuân thủ luật pháp quốc tế là tuân thủ cái gì thì tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo nói trên đã dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài LHQ năm 2016, chỉ ra một loạt vấn đề cụ thể.
Đầu tiên, đó là vùng biển thuộc "đường chín đoạn" là không hợp lý và nó mang tính chất bất hợp pháp.
Thứ hai, vùng biển ở những cấu trúc lúc chìm lúc nổi, mà Mỹ có dẫn một số trường hợp cụ thể như bãi Cỏ Mây, bãi Vành Khăn, theo nguyên tắc cơ bản của Công ước LHQ về Luật Biển là nguyên tắc "đất thống trị biển", những cấu trúc này không thể có vùng biển kèm theo và cũng không phải là đối tượng để Trung Quốc yêu sách chủ quyền.
Thứ ba, đối với một số cấu trúc ngập, trong đó có bãi Tư Chính nằm ở ngoài khơi của Việt Nam, bãi Luconia và bãi James Shoal nằm ngoài khơi Malaysia và bãi Natuna của Indonesia là những vùng luôn chìm dưới mặt nước biển. Theo Công ước Luật biển và nguyên tắc "đất thống trị biển", phán quyết của Tòa trọng tài 2016, Trung Quốc không thể yêu sách chủ quyền ở trên đó và đương nhiên không thể có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hay lãnh hải ở đó được.
Có thể thấy, nếu trước đây, Mỹ chỉ yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải, tự do thương mại, thì hiện tại trong tuyên bố của ông Pompeo đã làm rõ hơn: Không chỉ là tự do hàng hải mà là tự do biển cả - nó không chỉ là quyền đi qua đi lại, tự do hàng hải, thương mại mà bao gồm những quyền rộng hơn, trong đó có quyền thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng biển. Theo quy định của Luật Biển, những quyền đó không thể ngăn cản được.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng chỉ ra và phản đối những hành động của Trung Quốc như đe dọa việc đánh bắt cá của Philippines tại khu vực quanh Scarborough hay những khu vực Việt Nam có quyền thăm dò dầu khí...
"Mỹ nói rất rõ những yêu cầu của Trung Quốc là bất hợp pháp và với thông điệp này, Mỹ nhận được sự ủng hộ của các quốc gia khác", Ths Hoàng Việt khẳng định.
Liên quan đến thái độ của Việt Nam giữa cuộc chiến này, Ths Hoàng Việt cho rằng, Bộ Ngoại giao đã lên tiếng thể hiện rất rõ quan điểm của Việt Nam khi Mỹ đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Theo đó, Việt Nam ủng hộ lẽ phải, ủng hộ luật pháp quốc tế.
ASEAN đã tuyên bố Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải. Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982.
Ở vị trí của mình, Việt Nam luôn ủng hộ luật pháp quốc tế, duy trì luật pháp quốc tế, trong đó có Luật Biển. "Khi duy trì được lập pháp quốc tế, các bên có thể tìm ra được tiếng nói chung trong việc chia sẻ lợi ích, tài nguyên trên Biển Đông, tìm kiếm các giải pháp hợp lý để tất cả các bên cùng có lợi trong khu vực Biển Đông", Ths Hoàng Việt nhấn mạnh.
Phân tích sâu hơn về thái độ và hành động của Mỹ ở Biển Đông, Đại sứ Trần Đức Mậu - Nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Bộ Ngoại giao cho biết, có ba điểm rất đáng chú ý trong các tuyên bố của Mỹ.
Thứ nhất, đây là lần đầu tiên phía Mỹ công khai bác bỏ mọi yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông, công khai xung khắc quan điểm trực tiếp và hoàn toàn với Trung Quốc về điểm cốt lõi nhất trong chuyện Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Một khi Mỹ coi những yêu sách này của Trung Quốc là phi pháp, thì những hành động của Trung Quốc từ trước đến nay cũng như trong tương lai nhằm thực hiện các yêu sách phi pháp kia cũng bị Mỹ coi là vi phạm luật pháp quốc tế. Trong thực chất, phía Mỹ đã định nghĩa rõ ràng và xác định cụ thể những tiêu chí cần thiết đối với Mỹ để đánh giá về mọi ý đồ và hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Thứ hai, Mỹ tự định vị đứng về phía những bên cảm nhận thấy bị Trung Quốc xâm hại chủ quyền lãnh thổ. Điều này có tác động trực tiếp mạnh mẽ tới mối quan hệ của Mỹ với các bên này, của các bên này với Trung Quốc và đương nhiên tới mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, sẽ làm chuyển biến quan hệ của Mỹ với ASEAN và tới tất cả những khuôn khổ diễn đàn đa phương khu vực cũng như châu lục và thế giới mà Mỹ, Trung Quốc và các bên nói trên cùng tham gia.
Thứ ba, Mỹ đã tự đẩy Mỹ vào tình thế phải hành động cụ thể chứ không chỉ có lại tiếp tục tuyên bố ở khu vực Biển Đông, đặc biệt nếu như tới đây Trung Quốc tiếp tục có những hành động tăng cường tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và hàng hải với các bên liên quan ở khu vực Biển Đông.
“Như vậy cũng còn có thể nói, trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, phía Mỹ đã cụ thể hoá thêm một mục tiêu là không để Trung Quốc biến khu vực Biển Đông thành một phần trong đế chế hàng hải của Trung Quốc. Cục diện chính trị an ninh và pháp lý quốc tế ở khu vực này trở nên khác trước và mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc gặp sóng gió mới. Sóng gió mới này dữ dội đến mức nào và kéo dài bao lâu lại là câu chuyện khác”. - Đại sứ Trần Đức Mậu nói.
Có thể bạn quan tâm
Lịch sử 2000 năm của Trung Quốc trên Biển Đông: Không bao giờ có!
03:00, 21/07/2020
Biển Đông: Thái độ của Mỹ và lập trường của chúng ta (Bài 2)
07:13, 17/07/2020
Trung Quốc ngụy biện về quyền và lợi ích ở Biển Đông
18:06, 16/07/2020
Biển Đông: Thái độ của Mỹ và lập trường của chúng ta (Bài 1)
06:22, 16/07/2020
Trung Quốc đã sẵn sàng cho cuộc xung đột ở Biển Đông?
05:00, 16/07/2020
Thay đổi lập trường về Biển Đông: “Bước ngoặt” chính sách của Mỹ!
06:00, 15/07/2020
Lưỡng viện Mỹ bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông
16:39, 14/07/2020