“Chính trị hóa” cuộc đua vắc-xin COVID-19
Một trong những bước ngoặt định hình vị thế của các quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 chính là sản xuất vắc-xin ngăn ngừa dịch bệnh này.
Một trong những bước ngoặt định hình vị thế của các quốc gia thời kỳ hậu COVID-19 chính là sản xuất vắc-xin ngăn ngừa dịch bệnh này.
Đến nay, nhiều quốc gia tuyên bố đang thử nghiệm vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 trên người.
Ngôi vương sắp có chủ?
Hơn nửa năm nay, toàn cầu vật lộn với dịch COVID-19, hàng ngàn tỷ USD được tung ra, hàng loạt biện pháp xã hội được áp dụng để ngăn ngừa dịch bệnh. Nhưng tất cả chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Nói vậy là bởi đến khi nào chưa có vắc-xin phòng ngừa COVID-19, thì khi đó mọi nỗ lực đều không mấy tác dụng.
Chính vì vậy, cuộc đua sản xuất vắc-xin phòng COVID-19 tuy ngấm ngầm nhưng rất khốc liệt. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 166 loại vắc-xin “ứng viên” xếp hàng đang được thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng.
Có thể kể ra các “ứng viên” tiềm năng như, Sinovac Biotech của Trung Quốc, Mordena của Mỹ, Pfizer và BioNTech của Đức, AstraZeneca của Anh... Việt Nam không đứng ngoài cuộc chơi khi hiện có tới 4 công ty dược tham gia lĩnh vực giàu chất xám này. Trung tâm Sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế Polyvac và Viện Vắc-xin và Sinh phẩm y tế IVAC đã có những thành công bước đầu. Việt Nam dự kiến sẽ có 6 triệu liều vắc-xin từ quý II/2021.
Dù im hơi lặng tiếng, nhưng Nga có vẻ là quốc gia đang có lợi thế nhất trên đường đua này khi tuyên bố sẽ cấp phép cho vắc-xin COVID-19 vào ngày 10/8 hoặc sớm hơn. Đây là loại vắc xin được sáng chế bởi Gamaleya Institute có trụ sở tại Moscow.
“Chủ nghĩa vắc-xin dân tộc”
Năm 2009, dịch cúm H1N1 bùng phát, lúc đó cuộc đua sản xuất vắc-xin cũng rất nóng bỏng, sau đó phần thắng thuộc về một công ty nhỏ có tên Gilead Science (Mỹ) với loại vắc-xin nổi tiếng Tamiflu.
Nhờ sản xuất được vắc-xin, vốn hóa của công ty này tăng chóng mặt từ vài trăm triệu USD lên tới 96 tỷ USD. Hiện tại công ty này đang thử nghiệm một loại thuốc điều trị bệnh COVID-19 có tên là remdesivir.
Mặc dù Nga huy động lực lượng khoa học hùng hậu, cả quân sự lẫn dân sự để phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 và dự kiến tung ra thị trường trong tháng 9 năm nay, nhưng nhiều chuyên gia bày tỏ hoài nghi về thông tin này.
Ông Peter Shapiro, nhà phân tích thuộc Công ty Nghiên cứu GlobalData, nói thẳng: “Tôi không nghĩ chuyện đó có thể trở thành hiện thực”. Theo ông, Nga cũng như các quốc gia khác, chỉ có thể phê chuẩn cho vắc-xin vì các lý do chính trị.
Thực tế cũng cho thấy, Nga không phải là quốc gia có nền y học mạnh và các dược phẩm của nước này rất hiếm khi được phê chuẩn ở các thị trường khắt khe như Nhật Bản, Bắc Mỹ và EU.
Chắc chắn, việc phát triển thành công các loại thuốc điều trị và vắc-xin phòng ngừa COVID-19 sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế to lớn, nâng cao vị thế quốc gia. Trong đó, gay cấn nhất phải nói đến cuộc cạnh tranh Trung- Mỹ, sản xuất vắc-xin đang bị gắn chặt với các yếu tố chính trị, nhằm thể hiện uy tín, danh tiếng, lợi nhuận và vị thế lãnh đạo, dẫn dắt thế giới.
Trong khi Trung Quốc rầm rộ quảng bá chiến dịch sản xuất vắc-xin của họ, có tới 9 dự án đang triển khai, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5 tuyên bố ông sẽ nhận trách nhiệm cho chiến dịch sản xuất 300 triệu liều vắc-xin phòng ngừa COVID-19 cho người Mỹ trước cuối năm nay.
Cho dù “mạnh miệng” tuyên bố, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều đã và đang hứng chịu những tổn thất nặng nề nhất do COVID-19. Nhưng điều đáng ngại nhất là “chủ nghĩa vắc-xin dân tộc”. Bởi vì, vị thế độc tôn sản phẩm này có thể gây căng thẳng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
Khi vắc-xin nhuốm mùi chính trị!
06:00, 25/07/2020
Cuộc đua sản xuất vắc-xin COVID-19: Nhóm nào giành lợi thế?
05:29, 24/07/2020
Vắc-xin Covid-19 “made in Vietnam” vượt tiến độ dự kiến
11:00, 26/06/2020
BẢN TIN 19H NGÀY 30/7: COVID-19 và "cuộc đua" vaccine
19:00, 30/07/2020