COVID-19: Hãy ngừng đổ lỗi!

THIÊN ÂN 05/08/2020 05:35

Hàng loạt từ bệnh nhân tới bác sỹ, các cơ sở y tế ở Đà Nẵng bị “chụp mũ”, bị trút giận vì bị cho là chủ quan để cho COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Điều cần làm lúc này là

Điều cần làm lúc này là hãy cùng đoàn kết, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 chứ không phải đổ lỗi cho các y bác sĩ. Ảnh: TTXVN

Ngày 4/8, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đã họp triển khai công tác phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Đánh giá về thời điểm khởi phát dịch bệnh, Nhóm phân tích dữ liệu và truy vết dịch tễ cho biết, mô hình dự đoán dựa trên các dữ liệu về số lượng người ra vào Bệnh viện Đà Nẵng, hệ số lây nhiễm,… đối chiếu với diễn biến thực tiễn và thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, có thể nói dịch bắt đầu từ tuần đầu tháng 7. Ổ dịch cơ bản tập trung vào khu 3 bệnh viện, đã được phong tỏa,…

Tuy nhiên, có một điều chúng ta phải nhìn nhận một cách công tâm, khách quan hơn đó là kể từ khi biết tin dịch bệnh bùng phát từ Đà Nẵng thì có một bộ phận nhỏ đổ lỗi cho Đà Nẵng vì đây là địa phương đầu tiên có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong đó, đội ngũ y, bác sĩ và  những người bệnh trở thành mục tiêu.

Theo đó, đã xuất hiện những lời lẽ kỳ thị, những giễu cợt mỉa mai cùng những thông tin “vô tội vạ” chỉ để thỏa mãn “cái like, lượt view” và cả những ngôn từ cay nghiệt, ác độc nhắm vào Đà Nẵng, nơi đang gồng mình với đợt dịch quái ác này. 

Người ta trách các bác sĩ vì sao để bệnh nhân 449 (người nước ngoài) đi khám ở nhiều bệnh viện với triệu chứng hô hấp mà các bệnh viện không lấy mẫu xét nghiệm COVID-19?

Rồi trường hợp nữ bệnh nhân số 450 đã bị chụp mũ “biết bị COVID-19 mà trốn khỏi viện”. Hay bệnh nhân 459 ở quận Tây Hồ (Hà Nội) 76 tuổi bị người ta trách “sao lại đi nhiều thế”? Hoặc có trường hợp than thở về điều kiện sống nơi cách ly tập trung..v..v.

Mặc dù theo giải thích của bác sĩ Cao Xuân Minh: Trong gần 6 tháng qua chúng ta có chưa tới 500 ca COVID-19, trong khi có tới hàng triệu ca bị dấu hiệu hô hấp.... Vậy làm sao để ta phát hiện? Xét nghiệm hết hàng triệu triệu ca hô hấp chăng? Không thể làm vì vô cùng lãng phí, tiền bạc và nội lực quốc gia nào chịu cho thấu kể cả các quốc gia giàu có nhất thế giới.

Bác sĩ Cao Xuân Minh cũng nói rõ rằng chỉ định xét nghiệm dựa trên lâm sàng và dịch tễ. Lâm sàng thì các ca viêm phổi hay COVID-19 đều có biểu hiện không quá khác biệt. Còn dịch tễ thì bệnh nhận 449 thời gian qua chỉ ở trong nước. Bác sỹ không lý gì chỉ định bệnh nhân 449 đi xét nghiệm COVID-19 chỉ vì anh ta bị dấu hiệu hô hấp và là người nước ngoài.

Và rồi Bộ Y tế đã xác định virus lần này là chủng mới từ bên ngoài vào. Trong khi bệnh nhân 449 chỉ ở Việt Nam suốt thời gian qua, quy chụp bệnh nhân này là F0 cho đến lúc này là không thuyết phục...

Thế nhưng không thể phủ nhận được, rõ ràng ngành y tế nói riêng và người dân cả nước nói chung đã có sự chủ quan lơ là trong phòng chống dịch bệnh trong khoảng thời gian 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cần phải nghiêm túc nhìn nhận ra bài học lớn nhìn từ câu chuyện bùng phát dịch tại Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, khi ngành y tế nước nhà đang căng mình chiến đấu với đại dịch, với những buổi cơm, giấc ngủ vội vàng, bỏ lại sau lưng mẹ già con thơ, chạy đua với thời gian giành giật sự sống cho các bệnh nhân khỏi tử thần..., thì những lời than vãn, trách móc đội ngũ "tuyến đầu" là không nên.

Đổ lỗi cho người “có liên quan” ở đây là cán bộ, nhân viên y tế điều trị, người bệnh là một chuyện rất dễ làm. Nhưng ngay lúc này chưa thật sự có công tâm và công bằng, cho đội ngũ y, bác sĩ và người bệnh. Bởi vì, chẳng ai muốn lại giãn cách xã hội hay chứng kiến cảnh lực lượng chức năng “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm ra những người liên quan đến ca bệnh. Cũng không ai thích lại nghỉ học, giãn việc làm và “chôn chân” ở nhà.

Nhân viên y tế và bệnh nhân thật sự đang đứng cùng nhau trên một chiếc thuyền, cố gắng cùng nhau vượt qua cơn bão bệnh tật, mà người lèo lái thuyền chính là nhân viên y tế nhưng phải có sự phụ giúp tích cực của bệnh nhân, và gia đình người bệnh.

Vì vậy, trong bối cảnh, cả nước đang căng mình chống dịch, xin mọi người hãy ngừng chỉ trích, nhất là chỉ trích đội ngũ y, bác sĩ và người bệnh ở Đà Nẵng. Hơn bất kỳ lúc nào, mỗi người hãy đoàn kết, vì trách nhiệm cộng đồng để cùng đẩy lùi dịch bệnh.

Có thể bạn quan tâm

  • COVID-19: Cảm ơn những con người đã thức cho toàn dân ngủ!

    11:00, 04/08/2020

  • COVID-19: Tích cực và chủ quan

    05:00, 04/08/2020

  • Bài học lớn cho ngành y nhìn từ “rốn dịch” Đà Nẵng

    05:30, 02/08/2020

  • Bùng phát dịch COVID-19: Xin đừng “thèm” về quê lúc này!

    07:20, 31/07/2020

  • COVID và điều nên làm lúc này

    05:00, 31/07/2020

  • Tâm tư xúc động tại “điểm nóng” COVID-19

    14:50, 30/07/2020

THIÊN ÂN