“Cây gậy" và "củ cà rốt” trên Biển Đông
Vấn đề với các nước nhỏ, lợi ích chỉ có một và lựa chọn chính trị cũng không nhiều, và cũng không thể nào có kịch bản hoàn toàn né được “cây gậy” để hưởng thụ trọn vẹn củ “cà rốt”.
Trung Quốc từng cho rằng, “chủ quyền của nước này trên Biển Đông được cộng đồng quốc tế thừa nhận”. Nhưng gần đây, liên tiếp Mỹ (2 lần), Úc, Malaysia, Philippines ồ ạt gửi công hàm, công thư đến Liên Hiệp Quốc (LHQ) bác bỏ yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này.
Trong hồ sơ đệ trình lên LHQ, chính phủ Úc cho biết “không có cơ sở pháp lý” để Trung Quốc vẽ đường cơ sở thẳng nối các điểm ngoài cùng của các nhóm đảo “Tứ Sa”, đòi yêu sách với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hoặc các khu vực biển được tạo ra khi thủy triều thấp.
Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với các quyền lịch sử, quyền và quyền tài phán khác, liên quan đến những khu vực hàng hải tại Biển Đông bị gộp trong “đường 9 đoạn”, vì những yêu sách này trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý.
Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại trên Twitter, rằng: “Chính sách của Mỹ rất rõ ràng: Biển Đông không phải là đế chế biển của Trung Quốc…”.
Đó là những “cây gậy” mà các bên liên quan dành cho Bắc Kinh, đồng thời “củ cà rốt” cũng được các nước lớn bày ra để hấp dẫn các nước nhỏ. Suốt một thời gian dài, Bắc Kinh đã sử dụng phương sách này để gặm nhấm dần dần Biển Đông.
Thông qua chương trình “Con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc đã đầu tư vào rất nhiều cảng biển ở Nam Á và Đông Nam Á. Có thể kể ra như Kuantan (Malaysia); Tanjung Sauh (Indonesia); Sihanoukville, Koh Kong và Kor Sdach (Campuchia); Kyaukpyu (Myanmar).
Malaysia, từ năm 2008 đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN, còn Indonesia là nước nhận được nhiều vốn đầu tư Trung Quốc nhất tại Đông Nam Á, ước tính khoảng 87 tỷ USD.
Tại Campuchia, thành phố lớn nhất miền Nam nước này, Sihanoukville bây giờ hoàn toàn mang bộ mặt Trung Quốc bằng các dự án đầu tư khổng lồ. Đổi lại Trung Quốc được quyền thuê tới 20% tổng chiều dài bờ biển trong thời gian 99 năm!
Tại Nam Á, các nước như Banglades, Sri Lanka, Pakistan, vốn Trung Quốc chủ yếu đổ vào các dự án xây cảng biến nước sâu. Điều đáng nói, các quốc gia này đều là tiền tiêu bên bờ Ấn Độ Dương.
Ở những vị trí đắc địa như vậy, hải quân Trung Quốc sẽ tiếp cận gần hơn với châu Phi - mảnh đất màu mỡ chưa khai thác và Trung Đông - mỏ dầu lớn nhất thế giới. Cả Banglades và Pakistan đều sát nách phải và trái Ấn Độ!
“Củ cà rốt” mà Trung Quốc chìa ra rõ ràng khó cưỡng lại, hầu hết đổ vào những quốc gia rất cần tiền để xây dựng hạ tầng, riêng 13 dự án tại 7 nước có tổng vốn 50 tỷ USD, trong khi đó nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng tại ASEAN đến năm 2020 là 60 tỷ USD!
Dĩ nhiên, “cây gậy” cũng sẵn sàng dương ra nếu như một ai đó bất tuân - nhằm vào các quốc gia yếu thế. Trung Quốc đã ngăn cản Việt Nam khai thác dầu khí trên bãi Tư Chính, hoặc phong tỏa đảo Thị Tứ đang do Philippines kiểm soát.
Và, ngay lúc này, khi Mỹ và đồng minh mạnh mẽ tuyên bố về Biển Đông thì “cây gậy” và “củ cà rốt” cũng lại xuất hiện. Có điều, cán cân quyền lực của người sử dụng có chút thay đổi.
Như một lẽ dĩ nhiên, Mỹ cũng có chương trình kinh tế kèm theo, như “Bộ tứ kim cương mở rộng”, “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương”, cam kết đầu tư, quản trị và bảo đảm an ninh hàng hải. Đấy cũng là những trụ cột mà rất nhiều quốc gia ở châu Á đang tìm kiếm.
Trung Quốc đang thu lại “cây gậy” của mình. Ngoại trưởng Vương Nghị nói rằng: “Hy vọng không để xảy ra xung đột lẫn đối đầu, mong muốn đạt được tôn trọng lẫn nhau và hợp tác đôi bên cùng có lợi với Mỹ”. Nếu nhìn vào “đường lưỡi bò” sẽ biết ngay ai mới là bên hưởng lợi tại Biển Đông!
Đồng thời củ “cà rốt” được chìa ra nhiều hơn để vỗ về các nước, họ tăng cường quan hệ với châu Âu, tại đây ông Vương Nghị cũng nói bóng gió: “châu Âu nên cảnh giác với một số quốc gia đang kích động sự mâu thuẫn về ý thức hệ để phục vụ lợi ích riêng của họ”.
Vấn đề với các nước nhỏ là lợi ích chỉ có một và lựa chọn chính trị cũng không nhiều, và cũng không thể nào có kịch bản hoàn toàn né được “cây gậy” để hưởng thụ trọn vẹn củ “cà rốt”.
Có thể bạn quan tâm
Điều gì đằng sau lập trường cứng rắn của Úc về Biển Đông?
07:00, 04/08/2020
Chống lại âm mưu bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc: Một mình Mỹ chưa đủ!
05:00, 03/08/2020
Việt Nam nên ứng phó thế nào với xung đột trên Biển Đông?
07:10, 01/08/2020
Nước Mỹ hành động gì sau tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?
06:58, 29/07/2020
ASEAN đã sẵn sàng “đứng lên” trước Trung Quốc ở Biển Đông?
07:20, 25/07/2020