Cái giá phải trả cho âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc

SÔNG HÀN 15/08/2020 06:50

“Bất cứ nước nào tìm cách thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng vũ lực đều bị buộc phải trả giá đắt”.

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kon đã, đang gửi đi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc. Và ít nhiều nó cũng khiến giới “chóp bu” của Trung Quốc phải suy nghĩ cân nhắc về những hành động của mình.

Hải quân Trung Quốc gần đây có nhiều động thái gây căng thẳng CHINAMIL

Hải quân Trung Quốc gần đây có nhiều động thái gây căng thẳng. Ảnh: CHINAMIL

Trong những năm gần đây, Trung Quốc phô diễn sức mạnh tại Biển Đông vượt xa ranh giới truyền thống. Trung Quốc nêu yêu sách phi lý với phần lớn diện tích khu vực Biển Đông, triển khai tên lửa cùng thiết bị gây nhiễu trên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép…

Thậm chí, từ ảnh vệ tinh của Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) chụp đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 15/7 vừa qua cho thấy Trung Quốc triển khai trái phép ít nhất 4 tiêm kích tại đây. Các tiêm kích này được xác định có thể là Shenyang J-11, được sản xuất dựa trên mẫu Su-27SK do Liên Xô thiết kế.

Sự căng thẳng đó là kết quả của tư tưởng thuộc một số quan chức và chuyên gia, học giả Trung Quốc từ lâu nay vẫn phiến diện kiên trì quan điểm về thềm lục địa kéo dài tự nhiên và chủ trương về “đường lưỡi bò”, một mình một chợ, không đếm xỉa người khác.

Lý thuyết về chủ nghĩa hiện thực sẽ nói với chúng ta rằng các quốc gia (dù lớn dù nhỏ, dù mạnh dù yếu) sẽ hợp tác để đối trọng lại sự đe dọa từ phía Trung Quốc và những gì đã và đang diễn ra trên thực tế đã chứng minh điều này đúng.

Trên thực tế, không có bất cứ quốc gia hay tổ chức quốc tế lớn nào công nhận chủ quyền của Trung Quốc với những hòn đảo, thực thể mà họ chiếm đóng bằng vũ lực trên Biển Đông. Vì vi phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của các bên liên quan, xem thường luật pháp quốc tế.

Theo đó, nói như Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản thì “bất cứ nước nào tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đều bị buộc phải trả giá đắt”. Nói thẳng ra, cái giá Trung Quốc sẽ phải trả rất lớn, không chỉ là sự phản đối, tẩy chay và cô lập ở khu vực cũng như trên thế giới mà cả những biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Cụ thể:

Thứ nhất: Bị chính các quốc gia có tranh chấp đồng loạt kiện ra tòa quốc tế.

Với những tranh chấp chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Dĩ nhiên Việt Nam và các nước trong vùng ảnh hưởng của “đường lưỡi bò” còn có thể đề nghị Hội đồng bảo an Liên hợp quốc yêu cầu tham vấn pháp lý đối với Tòa án công lý quốc tế (ICJ) về áp dụng và giải thích Công ước UNCLOS 1982 tại Biển Đông.

Nếu có được một câu trả lời của Tòa ICJ thì điều này có giá trị pháp lý mang tính toàn cầu bởi phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc pháp lý hơn Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).

Thứ hai: Trung Quốc phải chịu tổn thất nặng nề về mặt ngoại giao (lòng tin bị xói mòn).

Bằng những hành động của mình, Trung Quốc khiến cho các quốc gia láng giềng quan ngại… Trung Quốc đang khiến ASEAN cùng hướng về các mối quan tâm chung và điều đó khiến cho khối này càng thêm gắn kết hơn.

Đồng thời, hành động của Trung Quốc sẽ vô tình đẩy Châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng gần Mỹ hơn, qua đó giúp cho Mỹ “thực hiện chiến lược quay trở lại châu Á của mình”.

Thứ ba: Đối mặt với sự trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Những gì Trung Quốc đang hiện thực hóa chiến lược “đường lưỡi bò” bất chấp luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông. Vì thế nó không chỉ tạo sự phản cảm, bức xúc cho các nước trong vùng ảnh hưởng, mà còn cả cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ và đồng minh.

Bằng chứng là, Bộ Ngoại giao Mỹ tháng trước đăng tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với những nguồn tài nguyên trong hầu hết phạm vi Biển Đông, đồng thời gọi những động thái của nước này nhằm kiểm soát chúng là “hoàn toàn bất hợp pháp” và nhấn mạnh Trung Quốc không có căn cứ pháp lý để đơn phương áp đặt ý chí của mình tại khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper kêu gọi các đồng minh và đối tác của Washington gia tăng sức ép đối với Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đang thể hiện sự coi thường các cam kết quốc tế mà “gã khổng lồ châu Á” đưa ra ở Biển Đông. Đặc biệt, việc triển khai cùng một lúc 3 biên đội tác chiến tàu sân bay tới Biển Đông được xem là sự đáp trả các hành động hung hăng, gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc tại vùng biển này.

Bên cạnh Mỹ, Nhật thì Úc và Ấn Độ cũng chính thức lên tiếng phản đối về những hành động của Trung Quốc.

Thứ tư: Đối mặt với làn sóng phản đối từ trong nước.

 Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt khi nội tình trong nước hiểu ra vấn đề Biển Đông là giới chóp bu đang cố tình dùng những lời lẽ mị dân nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của người dân trong nước cho chiến lược của mình. Nói như vậy vì ngay ở trong nước, Trung Quốc cũng đã vấp phải những tiếng nói chỉ trích hành động hung hăng của mình trên biển Đông.

Ông Lý Lệnh Hoa, chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm Thông tin Cục Hải Dương Quốc gia Trung Quốc, một học giả nổi tiếng về luật biển cũng thẳng thắn bác bỏ “Đường 9 đoạn” phi lý và phi pháp.

Ông từng viết: “Từ xưa đến nay, trên thế giới, không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Đường 9 đoạn trên Nam Hải (Biển Đông) là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý.”

Trên nhiều mạng xã hội của Trung Quốc như Sohu, Sina… cũng xuất hiện không ít những lời bình luận chỉ trích Trung Quốc như: “Với cách hành xử của chúng ta, được phản ánh qua báo chí quốc tế, tôi nghĩ chúng ta đã đánh mất sự khôn ngoan. Thật không xứng là một nước lớn”, “Chúng ta như những kẻ cướp”. 

Biển Đông ngày một “nóng” lên, khi áp lực, sự khiêu khích, gây hấn mà Trung Quốc tạo ra ngày càng nhiều. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không dễ dàng để cho nước này “một mình một chợ” ở Biển Đông. Và hậu quả là Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt cho những tham vọng không biên giới của mình.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cây gậy" và "củ cà rốt” trên Biển Đông

    06:20, 05/08/2020

  • Điều gì đằng sau lập trường cứng rắn của Úc về Biển Đông?

    07:00, 04/08/2020

  • Chống lại âm mưu bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc: Một mình Mỹ chưa đủ!

    05:00, 03/08/2020

  • Việt Nam nên ứng phó thế nào với xung đột trên Biển Đông?

    07:10, 01/08/2020

SÔNG HÀN