Biển Đông: Mỹ - Trung “đối đầu” và lựa chọn của Việt Nam
Trong khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động phi pháp nhằm từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò”thì Mỹ cũng lên tiếng bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.
Vậy, Việt Nam nói riêng và các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của chiến lược “đường lưỡi bò” nói chung phải làm thế nào để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình? Đây là câu hỏi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ dư luận trong nước cũng như quốc tế.
GS Mark J. Valencia hiện là học giả thỉnh giảng cao cấp tại Viện Nghiên cứu quốc gia về biển Đông, Hải Khẩu, Hải Nam, Trung Quốc từng có bài viết trên báo South China Morning Post cho rằng: “Các động thái và tuyên bố chống lại yêu sách của Trung Quốc một cách mạnh mẽ gần đây của Mỹ có thể đưa các nước Đông Nam Á có yêu sách ở Biển Đông rơi vào thế phải chọn “phe Mỹ” hay “phe Trung Quốc”.
Khách quan mà nói, không có gì quá ngạc nhiên khi Mỹ và Trung đi đến ngày hôm nay và có những căng thẳng như thế. 2 kẻ khổng lồ cùng đi 1 con thuyền, mỗi kẻ chèo theo 1 hướng, không sớm thì muộn, khi mỗi kẻ đều nhận thấy đối thủ đang mạnh lên và lợi ích mình nhận được là quá ít, mâu thuẫn, xung đột thậm chí giao tranh sẽ xảy ra, đó là điều không thể tránh khỏi.
Thế nhưng, nếu bắt buộc phải chọn “phe Mỹ” hay “phe Trung Quốc” trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới Biển Đông như GS Mark J. Valencia, thì mọi người hãy tỉnh táo để nhìn nhận về lập trường của mình. Bởi vì:
Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng "Mỹ tốt", cũng đừng bao giờ nghĩ rằng "Mỹ giúp". Nói thẳng ra, “miếng phô-mai” miễn phí chỉ có trong bẫy chuột, nếu không có lợi ích, không bao giờ Mỹ nhúng tay.
Hãy nhớ, về lịch sử khoan hãy nói, nhưng hãy nói về hiện tại - Mỹ tuy bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không nói rằng chủ quyền Bãi Tư Chính thuộc sở hữu của Việt Nam. Trên hết, Việt Nam phải là quốc gia quyết định các vấn đề liên quan đến Bãi Tư Chính chứ không phải Mỹ, càng không phải Trung Quốc.
Còn Trung Quốc, dù biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã yên vì hiệp ước phân định biên giới giữa hai nước đã được ký kết, nhưng ngoài biển Đông, Trung Quốc vẫn liên tục quấy nhiễu.
Một gã cường quốc được gọi là “hàng xóm” của Việt Nam mà trong tư tưởng luôn có những mưu toan, bành trướng và thực tế ở Biển Đông họ đã chiếm đảo của Việt Nam, có nhiều hành động thay đổi hiện trạng các thực thể đảo/đá, gia tăng hoạt động quân sự… điều này hẳn ai cũng biết.
Hiện tại, gã “hàng xóm”vẫn đang đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực, ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không cũng như các hoạt động kinh tế tại khu vực Biển Đông.
Xét trong bối cảnh đó, nhớ lời khi xưa của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người từng nhận xét về phong trào yêu nước của Cụ Phan Bội Châu và Cụ Phan Châu Trinh: “Cụ Phan Chu Trinh yêu cầu thực dân Pháp thực hiện cải lương, việc này “chẳng khác nào xin giặc rủ lòng thương”.Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp ta đuổi Pháp cũng chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Thực tế, đường lối ngoại giao “bốn không” mà Việt Nam chọn lựa là hợp lý, đó là: Không tham gia liên minh quân sự; Không liên kết với nước này chống nước kia; Không để nước khác đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác; Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Sách lược này giúp Việt Nam minh định rõ đâu là đấu tranh bảo vệ chủ quyền tối thượng phải theo đuổi, và đâu là vòng xoáy xung đột của nước lớn phải tránh. Tức là, Việt Nam đã và sẽ không chọn Mỹ hay Trung Quốc để giải quyết các vấn đề của mình ở Biển Đông, mà sẽ theo đường lối trung lập.
Chính chuyên gia Elbridge Colby -cựu Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về phát triển chiến lược và lực lượng Mỹ, một chuyên gia về an ninh - quốc phòng, khẳng định: “Mỹ hoàn toàn tôn trọng nguyên tắc trung lập, không liên minh với nước khác mà Việt Nam theo đuổi… Bản thân Washington không ép các nước châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á, liên minh với mình để đối đầu trực diện với Trung Quốc theo kiểu chọn lựa giữa Mỹ và Liên Xô vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh”.
Bằng chứng là sự kiện Philippines – đồng minh truyền thống của Mỹ, để lọt bãi cạn Scarborough vào tay Trung Quốc năm 2012 cho thấy cái gọi là liên minh để chống lại bá quyền đã trở nên mong manh.
Trong khi đó, chính Mỹ cũng không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc hoặc đẩy leo thang căng thẳng lên đến mức hai bên phải rơi vào kịch bản tồi tệ nhất – xung đột vũ trang. Chính vì thế, liên minh để cùng chống lại Trung Quốc phòng khi chiến tranh vũ trang xảy ra càng trở nên thiếu thực tế.
Tuy nhiên, nói vậy cũng không có nghĩa là Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á đứng ngoài sự hiện diện của Mỹ và các nước thứ ba tại Biển Đông. Các nước trong khu vực vẫn có thể tiếp tục hợp tác với Mỹ để gia tăng năng lực hải quân để bảo vệ chủ quyền; Bảo vệ môi trường biển; Thúc đẩy tự do hàng hải; Thúc đẩy Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế về tranh chấp Biển Đông..v..v
Và cũng bởi một điều rất rõ rằng, Biển Đông nếu vắng Mỹ và thiếu sự đoàn kết chặt chẽ của quốc tế, thì Trung Quốc sẽ lấn tới để biến nơi này thành “ao nhà”, làm bàn đạp nhắm vào các chuỗi xa bờ cách lãnh thổ Trung Quốc hàng ngàn dặm.
Điều này cũng có nghĩa, Việt Nam và các nước trong vùng ảnh hưởng của chiến lược “đường lưỡi bò” không nhất thiết phải nghiêng về phía Mỹ hoặc ngả về bên Trung Quốc. Tuy vậy, sự hiện diện của Mỹ và đồng minh trên Biển Đông vẫn rất quan trọng, chí ít là cho tới thời điểm này và trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc muốn gì khi đưa hơn 1.600 tàu cá ra Biển Đông?
15:57, 17/08/2020
Cái giá phải trả cho âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc
06:50, 15/08/2020
“Cây gậy" và "củ cà rốt” trên Biển Đông
06:20, 05/08/2020
Điều gì đằng sau lập trường cứng rắn của Úc về Biển Đông?
07:00, 04/08/2020
Chống lại âm mưu bá quyền trên Biển Đông của Trung Quốc: Một mình Mỹ chưa đủ!
05:00, 03/08/2020
Việt Nam nên ứng phó thế nào với xung đột trên Biển Đông?
07:10, 01/08/2020
Nước Mỹ hành động gì sau tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông?
06:58, 29/07/2020