Biển Đông: Mối hiểm nguy từ dân quân biển của Trung Quốc

SÔNG HÀN 26/08/2020 05:00

Trung Quốc có cả một chiến lược, họ dùng những tàu quân sự giấu mình trong vỏ bọc dân sự, để đối đầu và tranh chấp với những tàu dân sự của các nước xung quanh.

Đây là hành vi láu cá nhưng lại là một kế hoạch dài hơi và tốn kém của Bắc Kinh.

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn - Ảnh chụp màn hình SCMP

Tàu cá Trung Quốc luôn ra khơi theo từng nhóm lớn - Ảnh chụp màn hình SCMP

Sau khi lệnh cấm đánh bắt 3 tháng rưỡi ở Biển Đông do Trung Quốc ngang nhiên áp đặt kết thúc, chỉ tính riêng đảo Hải Nam đã có 16.700 tàu cá bắt đầu đổ xuống vùng Biển Đông. Việc này để lại nhiều sự quan ngại cho các nước vì tàu cá nước này không chỉ đánh bắt theo kiểu tận diệt, mà còn chuyên vi phạm chủ quyền nước khác, sẵn sàng gây hấn với “bên ngoài”.

Dân quân biển (Trung Quốc) đã được thành lập ngay từ những năm đầu lập quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với  lực lượng chủ yếu là các đội tàu đánh cá. Trong những năm gần đây sức mạnh của lực lượng này được tăng cường đánh kể và có thể thực hiện được rất nhiều nhiệm vụ - từ vận chuyển vật liệu xây dựng  lên các đảo (tranh chấp) đến thu thập tin tức tình báo.

Để đảm bảo hoạt động cho lực lượng dân quân biển, Chính quyền Trung Quốc đã huy động nhiều bộ ngành tham gia, bao gồm Bộ Tư lệnh bảo vệ hải sản, Cục các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, Cục vận tải quân sự và các cơ quan khác của Hải quân, quận đội… Mỗi một cơ quan (bộ ngành) chịu trách nhiệm về phần việc mà mình phụ trách - từ cung cấp vũ khí đến trang bị các thiết bị dẫn đường và liên lạc cho các tàu của dân quân biển.

Sách trắng Quốc phòng Trung Quốc năm 2013 khẳng định, tổ chức dân quân đóng vai trò như một “lực lượng hỗ trợ và dự phòng của quân đội Trung Quốc (PLA)”.

Theo đó, các tàu đánh cá của dân quân biển được trang bị thiết bị điện tử tiên tiến, bao gồm cả các hệ thống thông tin liên lạc và radar có khả năng tương tác với Hải quân Trung Quốc và cơ quan hữu quan khác như Cảnh sát biển. Nhiều tàu thuyền được trang bị hệ thống định vị vệ tinh có thể theo dõi và thông báo các vị trí tàu chiến đối phương và thu thập thông tin tình báo hàng hải.

Vì thế, phân biệt giữa các tàu cá hợp pháp và tàu thuyền dân quân biển hỗ trợ Hải quân Trung Quốc là hầu như không thể vì số lượng tàu quá nhiều, không gian đại dương quá rộng lớn. Khi Bắc Kinh tiếp tục tích hợp lực lượng dân quân biển vào cơ cấu lực lượng hải quân, ranh giới giữa tàu đánh cá dân sự và tàu quân sự đang bị xóa nhòa.

Tàu cá

Tàu Trung Quốc nhiều lần tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam.

Một nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS - Mỹ) chỉ rõ: “Một loại đội tàu cá khác có tham gia hoạt động bán quân sự thay mặt cho nhà nước thay vì đánh cá thương mại đã trở thành lực lượng lớn nhất ở quần đảo Trường Sa. Các hoạt động của dân quân được ghi chép rõ ràng: Họ tham gia tuần tra, giám sát, tiếp tế… để tăng cường hiện diện của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp ở biển Đông và biển Nhật Bản. Bắc Kinh không giấu giếm sự tồn tại của lực lượng này và một số ngư dân được đào tạo, trang bị tốt nhất để quấy rối tàu nước khác”.

Học giả Bonnie Glaser thuộc Trung tâm CSIS nhận xét: “Họ có cả một chiến lược, họ dùng những tàu quân sự giấu mình trong vỏ bọc dân sự, để đối đầu và tranh chấp với những tàu dân sự của các nước xung quanh. Đây là hành vi láu cá nhưng lại là một kế hoạch dài hơi và tốn kém của Bắc Kinh”.

Trên thực địa, quân đội Trung Quốc (PLA) kiểm soát và chỉ đạo hoạt động của lực lượng dân quân biển. Nhiều trường hợp, hành động của dân quân biển trong các vụ va chạm với bên ngoài xảy ra dưới chuỗi kiểm soát, chỉ huy, hoặc ít nhất có sự giám sát chặt chẽ của PLA.

Chẳng hạn như: Năm 2009, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã bao vây USNS Impeccable khi tàu Mỹ này khảo sát quân sự ở vùng biển ngoài EEZ của Trung Quốc. Một hỗn hợp tàu Trung Quốc, gồm tàu đánh cá bằng lưới rà thuộc lực lượng dân quân biển và các tàu của chính phủ, đe dọa cắt dây cáp kéo theo tàu phụ trợ của Mỹ trên vùng biển quốc tế.

Hoặc, trong năm 2019 và 2020, các tàu cá này cũng đi theo các tàu thăm dò và tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên của các nước ASEAN trên vùng biển Đông, bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia…v..v.

Những hành động trên, nếu không có PLA đứng phía sau, nếu không được đào tạo, huấn luyện bài bản thì những tàu cá của ngư dân bình thường không thể, không dám có những động thái “động trời”, ngang ngược như thế.

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson cho biết: “Lực lượng này được trả lương nên hầu như không có chức năng  đánh bắt để kiếm nguồn thu về thương mại mà đóng vai trò lớn trong những hoạt động dọa dẫm nhằm phục vụ mục đích chính trị của Trung Quốc”.

Có thể thấy, Trung Quốc đang biến mạng lưới tàu đánh cá khổng lồ thành lực lượng “dân quân biển” hùng hậu, lực lượng  có vai trò xung kích trong tranh chấp biển đảo thời bình và làm lực lượng phụ trợ đắc lực trong xung đột vũ trang.

Đã đến lúc có những biện pháp mạnh mẽ hơn để đánh giá đúng đắn về đội dân quân biển này của Trung Quốc và cần có những chế tài để họ tuân thủ các luật pháp trên biển được quốc tế công nhận.

Có thể bạn quan tâm

  • Tập trận dồn dập ở Biển Đông: Trung Quốc ngang ngược “coi trời bằng vung”

    05:00, 25/08/2020

  • Tàu ngầm Trung Quốc xuất hiện tại cửa hang bí ẩn ở Biển Đông

    11:00, 20/08/2020

  • Biển Đông: Mỹ - Trung “đối đầu” và lựa chọn của Việt Nam

    05:30, 18/08/2020

  • Trung Quốc muốn gì khi đưa hơn 1.600 tàu cá ra Biển Đông?

    15:57, 17/08/2020

  • Cái giá phải trả cho âm mưu chiếm đoạt Biển Đông của Trung Quốc

    06:50, 15/08/2020

  • TÂM ĐIỂM TUẦN TỪ 3 - 9/8: “Cây gậy" và "củ cà rốt” trên Biển Đông

    09:00, 09/08/2020

  • “Cây gậy" và "củ cà rốt” trên Biển Đông

    06:20, 05/08/2020

  • Điều gì đằng sau lập trường cứng rắn của Úc về Biển Đông?

    07:00, 04/08/2020

SÔNG HÀN