Ngày khai giảng bàn chuyện “định hướng tương lai” cho con

SÔNG HÀN 05/09/2020 05:00

Trên mạng xã hội vừa lan truyền bài tâm sự của một người mẹ với tiêu đề “Người mẹ trực thăng”. Bài viết đã nhận được nhiều chia sẻ, ý kiến của cộng đồng mạng, dư luận về cách giáo dục con hiện nay.

Học sinh lớp 2A4 Trường tiểu học Lômônôxốp (Phường Mễ Trì Hạ, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tưng bừng chào đó năm học mới  2020 - 2021.

Học sinh lớp 2A4 Trường tiểu học Lômônôxốp (Phường Mễ Trì Hạ, Quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) tưng bừng chào đón năm học mới  2020 - 2021. Ảnh: Lê Mỹ Phượng

Theo đó, trong bài tâm sự có đoạn: “Dù em đã tìm nhiều cách yêu thương, nâng đỡ để giúp con nhìn nhận các việc, nhưng có lẽ do em là người mẹ dạng trực thăng quá lâu kiểu xắp sếp, định hướng, nghĩ hộ làm hộ con nhiều việc đáng ra nên để con tự nghĩ, tự làm từ nhỏ nên giờ em gặp khó khăn vô cùng trong việc nói chuyện, bàn bạc với con khi hai mẹ con ít được gần nhau.

Hiện tại con có một cái đầu đầy định kiến, trí tuệ bị dừng lại, phát triển ít trong khoảng ba năm. Con thiếu trách nhiệm, ít quan tâm đến mọi người, lấy game để giải toả những việc con coi là thất bại chưa làm được. Em thương con vô cùng vì biết đằng sau con là một người tự ti, mặc cảm, hâm dở của tuổi dậy thì”.

Hoàn cảnh “éo le” trên phơi bày ra một thực tế của giáo dục không mấy vui đó là: Phụ huynh (bao gồm cả những người làm giáo dục) ai cũng muốn con cái được học hành đầy đủ, thành đạt, làm quan, lắm tiền. Ít ai che giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm lòng, tình thương của bố mẹ.

Tức là, chúng ta quan tâm đến loại, kiểu giáo dục không khoa học và tiến bộ. Thực tế không ít người trong số chúng ta dã có những mục tiêu giáo dục chưa lành mạnh. Nếu nói nặng hơn, cả trong giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, đã và đang tồn tại những thứ phản giáo dục.

Nhiều người muốn con cái được làm quan, nhưng trong bất kỳ xã hội nào, quan chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Xã hội càng phát triển, tỷ lệ quan càng giảm. Dù tấm lòng, mong ước của bố mẹ với đứa con của mình thế nào, cơ hội để nó trở thành quan rất nhỏ.

Nhiều người muốn con cái được an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền. Mà phụ huynh “cố tình” không hiểu, ít có những cơ hội như thế trong cuộc sống thực và, nếu như có, thì cuộc cạnh tranh để chiếm được cơ hội cũng khốc liệt, người thắng thường là người có năng lực hơn. Xã hội càng phát triển, cạnh tranh trên thị trường lao động càng cao.

Một điều cũng dễ nhận thấy hiện nay là tư duy của phụ huynh đã ngày một “thoải mái” hơn, bố mẹ tôn trọng ý kiến của con cái mình hơn. Nhưng cuối cùng, vấn đề “hướng nghiệp” vẫn rơi vào bế tắc. Sẽ có rất nhiều bố mẹ cho rằng mình không cần hiểu quá nhiều về “hướng nghiệp”, vì kinh nghiệm sống của mình chính là giáo trình tốt nhất. Có bố mẹ lại lầm tưởng “hướng nghiệp” chỉ đơn giản là đưa ra một nghề để con mình nỗ lực học và làm.

Và cũng có những bậc phụ huynh đầy “cởi mở”, họ cho phép con mình làm bất cứ thứ gì chúng muốn, để các con tự đi tìm đam mê để theo đuổi. Tất cả những lối suy nghĩ đó đều thể hiện rằng: Phụ huynh Việt Nam thực chất chưa từng hướng nghiệp đúng đắn cho con mình.

Có thể nói, những bức tranh màu hồng thuộc về tuổi thơ, người trẻ bây giờ phát triển tư duy rất nhanh nhờ sự phát triển của công nghệ và kết nối xã hội. Vậy nên khi đến một độ tuổi nhất định, các bậc phụ huynh nên quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn.

Một khi phụ huynh vẫn giáo dục con cái theo kiểu áp đặt thì hậu quả rất dễ nhận thấy như trường hợp tâm sự của một “Người mẹ trực thăng”. Con cái sống bằng cái đầu định kiến, thiếu trách nhiệm, ít quan tâm đến mọi người… Từ đó tạo ra những con người vô cảm, ảnh hưởng xấu đến tương lai của trẻ nói riêng, của xã hội – đất nước nói chung.

Thế nên, tôi đồng ý với cô Nguyễn Phi Vân (người đã share bức thư tâm sự của phụ huynh đó lên trang cá nhân để cộng đồng mạng, dư luận có thể biết) là trong thế trận này của giáo dục, phụ huynh không thể phó thác hết tương lai con em mình cho nhà trường, cho hệ thống giáo dục, cho xã hội, cho người khác được. Hơn bao giờ hết phụ huynh cần phải gần gũi trở thành bạn của con.

Không có phụ huynh bận rộn công việc, không quan tâm mà con hội nhập. Không có phụ huynh phó thác toàn bộ việc định hướng và giáo dục cho người khác mà con hội nhập. Lại càng không có phụ huynh bắt ép, vẽ vời tương lai theo ý của mình mà con trở thành thành đạt đúng nghĩa trong tương lai.

Chúng ta có thể nói rất nhiều về các cách hướng nghiệp cho con cái, nhưng lý thuyết áp dụng vào thực tế lại không phải dễ dàng. Vậy nên, các phụ huynh sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc này. Những lúc như vậy, hãy lắng nghe và đồng hành cùng con. Chỉ khi cùng con đi trên một con đường, bố mẹ mới có thể dần nhận ra rằng các bạn ấy thật sự cần gì và làm tốt được điều gì.

Hãy tâm sự với con cái nhiều hơn về cuộc sống, đây chính là cách hiệu quả để bố mẹ giáo dục kỹ năng sống cho con mình. Thông qua những câu chuyện thực, phụ huynh cần dạy cho các bạn trẻ sự kiên nhẫn, và sự mạnh mẽ đối mặt với xã hội,… Những kỹ năng nhỏ này sẽ giúp tinh thần sống của các bạn thêm kiên cường và lạc quan. Chúng sẽ giúp các bạn không bị gục ngã khi gặp phải những khó khăn hay thất bại.

Điều này cũng có nghĩa, cái quyết định tương lai của một đứa trẻ nằm ở “chất lượng người” của đứa trẻ, ở kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức của đứa trẻ, chứ không chỉ không nằm ở tấm lòng, tình cảm của bố mẹ dành cho nó, càng không phụ thuộc vào mong muốn của bố mẹ là nó sẽ trở thành ai, làm công việc gì trong tương lai. 

Có thể bạn quan tâm

  • Người mẹ trực thăng

    14:04, 03/09/2020

  • Miếng bánh hấp dẫn giáo dục trực tuyến khiến nhiều doanh nghiệp "lấn sân"

    14:56, 27/08/2020

  • Quy định về kiểm định chất lượng giáo dục can thiệp quá sâu vào hoạt động doanh nghiệp

    04:34, 12/08/2020

  • Quy định kiểm định chất lượng giáo dục “đá” Luật Đầu tư

    06:13, 10/08/2020

  • Dừng gần 200 chương trình đào tạo liên kết: Bộ Giáo dục nên công khai danh sách!

    06:00, 22/07/2020

  • Đột kích kho hàng sách giáo dục bị làm giả lớn nhất Hà Nội

    16:36, 09/07/2020

SÔNG HÀN