Giáo dục là hành trình "thắp lửa"

Tiến sĩ VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam 05/09/2020 08:50

Giáo dục là hành trình truyền cảm hứng, tạo niềm tin, nuôi dưỡng khả năng thích ứng sáng tạo và khơi dậy tình người.

Gần nửa thế kỷ trước đây, vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20, những cô cậu học sinh tuổi teen - thế hệ của chúng tôi đã sum vầy dưới mái trường thân yêu này, trong màu áo học trò. Lúc đó, tôi được vinh dự thay mặt cho các bạn, phát biểu trong ngày hội trường, hứa với thầy cô và cha mẹ sẽ chăm chỉ học hành, để trở thành người có ích.

Ảnh: Quốc Tuấn

Ảnh: Quốc Tuấn

Thủa ấy, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đang ở vào giai đoạn quyết liệt nhất. Giặc Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc. Tiếng trống trường xen với tiếng bom. Cách đây chưa đầy hai cây số, chỉ hơn một tháng sau ngày khai trường năm 1966, các anh chị của chúng tôi - 30 học sinh của Trường Phổ thông cấp 2 xã Thụy Dân và cô giáo trẻ Bùi Thị Thanh Xuân đã bị bom đạn Mỹ cướp đi. Nỗi đau về một "Nghĩa trang - Lớp học" ngay trong khuôn viên nhà trường của những người còn rất trẻ, ngây thơ, vô tội... đã đi theo chúng tôi suốt cuộc đời. Và đó cũng là một trong những bài học đầu tiên của chúng tôi thời hoa phượng đỏ. Bài học về nỗi đau của cuộc chiến tranh.

Tôi được biết, hàng năm vào ngày 21/10, các thầy cô và các em học sinh trường ta đều dành thời gian đến dâng hương, tưởng niệm cô giáo Thanh Xuân và 30 học trò năm xưa. Đó là một truyền thống tốt.

Ngày đó, chúng tôi đã học trong bom đạn của chiến tranh, chúng tôi đã học dưới ánh đèn dầu, vì lúc đó quê ta chưa có điện. Chúng tôi đã học khi bụng đói cồn cào và quần áo còn chưa đủ ấm. Đói, vì đất nước ta lúc đó chưa đủ gạo ăn và cha mẹ chúng tôi đã phải tần tảo chạy từng bữa rau, bữa cháo. Quần áo chưa đủ ấm, vì chỉ với vài mét vải mua bằng tem phiếu, không đủ che cho cả gia đình. Thời chiến tranh và bao cấp, cái gì cũng thiếu. Ta chỉ giàu tình người và đức hy sinh.

Chúng tôi học chủ yếu qua sách giáo khoa và lời thầy giảng. Sách phải dùng chung, lúc đó chưa có TV và Internet. Thầy cô và nhà trường là tất cả. Thầy cô đã trở thành những người cha, người mẹ thứ hai cho mỗi đứa trẻ lớn lên.

Ngày đó, chúng tôi học chăm chỉ và luôn vâng lời thầy cô. Về nhà mà không chịu ôn bài thì mẹ bảo: mách thầy. Nếu bắt nạt em thì bố bảo: mách cô... Thầy Cô là “quan toà", là điểm tựa tinh thần, là chuẩn mực, là người giám hộ cho chúng tôi khôn lớn.

Chủ tịch VCCI tặng trường PTCS Thuỵ PHòng phòng máy máy tính (Ảnh: Quốc Tuấn)

Chủ tịch VCCI tặng trường PTCS Thuỵ Phong một phòng máy tính (Ảnh: Quốc Tuấn)

Và thế hệ chúng tôi đã trưởng thành. Lớn lên, anh em chúng tôi mỗi người một ngả. Người ở lại xã, thôn để xây dựng quê hương, người ra chiến trường làm anh bộ đội và có người đã hy sinh, không bao giờ còn có thể trở về thăm lại mái trường này. Có người làm thầy cô giáo, làm cán bộ, doanh nhân, làm nông dân, công nhân, làm kỹ sư, bác sĩ... đóng góp vào sự phát triển của mọi miền đất nước. Nghề nào cũng quý, việc nào cũng vinh quang, nếu làm hết mình, tận tâm, hiệu quả, đóng góp cho đất nước và luôn hướng về quê mẹ...

Thế hệ của các cuộc chiến tranh, của thời bao cấp đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Đất nước ta đã thống nhất, hoà bình, đang đổi thay để chuyển sang nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, xây dựng quốc gia thịnh vượng, hùng cường, sánh vai các cường quốc năm châu, như Bác Hồ đã dạy, trong bức thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 5/9/1945. Bức thư của Bác có thể coi là bản Tuyên ngôn Hùng cường của Đất nước - bản Tuyên ngôn thứ hai trong thời đại Hồ Chí Minh sau bản Tuyên ngôn Độc lập.

Bây giờ thì các em có điều kiện thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi ngày đó rất nhiều, khi Đất nước mình đã hoà bình và đã thoát nghèo. “Con hơn cha là nhà có phúc”. Các em ngày nay xinh đẹp hơn, cao to hơn, thông minh hơn thế hệ chúng tôi, mà lúc đó hầu hết là gầy gò, lẻo khẻo. Trường của chúng ta bây giờ cũng đã khang trang hơn. Thầy cô được học hành bài bản hơn. Báo chí và Internet giúp thầy cô và các em có thể tiếp cận biển cả mênh mông của tri thức loài người.

Ảnh: Quốc Tuấn

Đại diện lãnh đạo VCCI chụp ảnh cùng thầy cô và học trò trường PTCS Thuỵ Phong Ảnh: Quốc Tuấn

Người ta bảo rằng, chỉ số thông minh IQ của người Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực. Công cuộc đổi mới, hội nhập đang tạo ra những không gian sáng tạo vô tận cho các em trong học hành và sau này lập nghiệp, lo cho mình, cho gia đình và góp phần dựng xây Đất nước.

Muốn trở thành người thành đạt thì các em phải học hành chăm chỉ, chuyên cần. Ở Nhật Bản, ngay ở cổng vào của nhiều trường học, người ta có đặt bức tượng Ninomiya Sontoku, cậu bé lưng đeo bó củi, nhưng mắt vẫn không rời cuốn sách trên tay, để răn dậy các thế hệ trẻ tinh thần học tập. Tinh thần học tập và làm việc cật lực của người Nhật giúp họ vượt lên từ đổ nát của chiến tranh, để chỉ trong vài ba thập kỷ, trở thành một trong những dân tộc giàu mạnh nhất trên thế giới này... Ý chí và nghị lực ấy đáng để chúng ta học hỏi.

Có hai điều rất quan trọng mà các em cần nhớ: Một là, không học thì không thể thành tài. Bác Hồ đã dạy: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Hai là, “không thầy đố mày làm nên”.Chúng ta phải học tập suốt đời, nhưng học ở mái trường phổ thông cơ sở là vô cùng quan trọng, vì đây là giai đoạn quyết định hình thành nên nhân cách và những nền tảng tri thức của mỗi con người. Phải kính trọng Thầy cô - "Tôn sư trọng đạo".Thầy cô là ân nhân của mỗi chúng ta trong cả cuộc đời, nhưng Thầy cô dưới mái trường trường phổ thông là những người thầy quan trọng nhất. Vì cuộc đời của mỗi chúng ta, ở lứa tuổi này, như trang giấy trắng, người giúp chúng ta vẽ lên bức tranh của chính mình từ những bước đi đầu tiên, cả về phẩm chất và kiến thức, sau bố mẹ, ông bà là các thầy cô. Dấu ấn của thời mới lớn hằn sâu trong mỗi cuộc đời.

Ảnh: Quốc Tuấn

Ảnh: Quốc Tuấn

Học kiến thức là cần thiết, nhưng học ứng xử, học giao tiếp, học nhân cách... là vô cùng quan trọng. Kiến thức thì không chỉ tập trung vào toán, lý, hoá, ngoại ngữ như trào lưu hiện nay, mà văn học - nghệ thuật "cầm -kỳ -thi -họa", đạo đức con người, trách nhiệm xã hội lại chính là những giá trị cốt lõi. Với nền kinh tế số và việc sử dụng ngày càng nhiều trí tuệ nhân tạo, máy móc sẽ nghĩ thay cho con người và sẽ tính toán thay cho con người. Thành công của mỗi con người trong bối cảnh đó, sẽ không được quyết định chủ yếu bởi chỉ số IQ (Intelligence Quotient - chỉ số thông minh ) mà được quyết định chủ yếu bởi chỉ số EQ ( Emotional Quotient - chỉ số cảm xúc) và chỉ số LQ (chỉ số tình yêu) - Tình yêu theo nghĩa sâu rộng nhất của từ này. Tình yêu với bố mẹ, với anh, chị, em, với bạn bè, đồng nghiệp...tình yêu với thiên nhiên, tình yêu với con người và quê hương, đất nước.

Gần đây người ta còn nói đến một năng lực nữa, không kém phần quan trọng, là chỉ số thích nghi và làm chủ mọi thay đổi AQ (Adaptability Quotient). Đây là điều thực sự cần trong một thế giới biến đổi khôn lường.

Những chuyển động chưa từng có hiện nay trên phạm vi toàn cầu, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, dịch bệnh Covid 19 và những thay đổi địa chính trị... đang làm chúng ta ngộ ra sự cần thiết của những năng lực cốt lõi này .

Nền giáo dục của chúng ta cũng đang chuyển mạnh từ mô hình lý thuyết, hàn lâm, “tầm chương, trích cú” sang ứng dụng, thực hành, do vậy STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) ngày càng quan trọng. Với việc bổ sung thêm các thành tố nghệ thuật và ngoại ngữ, mô hình STEAM sẽ góp phần hướng tới xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu, có kỹ năng, nhân văn và sáng tạo định hình tương lai của đất nước và nền kinh tế Việt Nam.

Tôi mong trong chương trình giảng dạy các thầy cô rất chú ý đến điều này

Vì vậy, dạy và học không phải chỉ là việc chuyển giao thông tin, kiến thức, mà trước hết, phải là hành trình thắp lửa truyền cảm hứng, tạo niềm tin, nuôi dưỡng khả năng thích ứng, sáng tạo và khơi dậy tình người. Không chỉ kiến thức, mà mọi hành vi ứng xử của thầy cô trên hành trình đó đều để lại dấu ấn không thể phai mờ trong trái tim và khối óc của mỗi học sinh.

Chúng tôi rất may mắn và xin được tri ân nhà trường vì đã được sự dạy dỗ của một thế hệ các thầy cô như vậy. Và chúng tôi cũng hy vọng, con cháu chúng ta, cũng đang được dẫn dắt bởi thế hệ các thầy cô giáo không chỉ nhiều kiến thức mà còn giàu cảm xúc và tình yêu.

Với một vài điều tâm huyết như vậy, từ đáy lòng mình, tôi xin được chia sẻ với các đồng chí lãnh đạo, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các em học sinh của chúng ta.

Đ/c Vũ Tiến Lộc và đoàn công tác VCCI làm việc với lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Thuỵ Phong

TS Vũ Tiến Lộc và đoàn công tác VCCI làm việc với lãnh đạo Đảng uỷ, HĐND, UBND xã Thuỵ Phong (Ảnh: Quốc Tuấn)

Hy vọng rằng phát huy truyền thống cách mạng, lao động cần cù và hiếu học, các em học sinh - thế hệ tương lai sẽ tiếp tục làm rạng danh quê hương Thụy Phong yêu dấu của chúng ta.

Cách mái trường này không xa, chúng ta có thể tới thăm một di tích quốc gia - khu lăng mộ và đền thờ của Tướng quân, Tiến sĩ Phạm Thế Hiển - danh thần của 3 đời vua Triều Nguyễn hồi đầu thế kỷ thứ 19. Ông là người có nhiều công lao trong đánh đuổi giặc Pháp và khai khẩn mở mang bờ cõi đất nước. Ông cũng là Cụ tổ của nhiều thế hệ các cán bộ, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các em học sinh của trường ta và cũng là niềm tự hào chung của làng Đồng Hoà, của xã Thuỵ Phong, của tỉnh Thái Bình. Ông là tượng đài của tinh thần hiếu học, của đạo làm quan, của lòng yêu nước. Cả đời ông là hiện thân của một triết lý sống thánh thiện: “Làm quan văn thì không tham tiền, làm quan võ thì không sợ chết!". Đó là một nhân cách lớn để con cháu noi theo.

Tôi rất vui khi được biết rằng, trường ta đã tổ chức thường xuyên hoạt động chăm sóc lăng mộ của Ông và dâng hương tại đền thờ Ông để tri ân và noi gương Ông theo đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Đó là một nét văn hoá đẹp.

Cầu mong Quan tướng sẽ phù hộ độ trì cho các em học sinh thân yêu và cho tất cả chúng ta!

Một số hình ảnh khai giảng của Trường PTCS Thuỵ Phong:

Phát biểu của Tiến sĩ VŨ TIẾN LỘC, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam,
cựu học sinh trường PTCS xã Thuỵ Phong tại Lễ khai trường, ngày 5/9/2020

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi thư chúc mừng khai giảng năm học 2020-2021

    16:19, 04/09/2020

  • Dừng gần 200 chương trình đào tạo liên kết: Bộ Giáo dục nên công khai danh sách!

    06:00, 22/07/2020

  • Góc tối giáo dục và nỗi oan trường chuyên

    06:51, 04/07/2020

  • Cẩn trọng... thương mại hóa giáo dục

    15:35, 26/06/2020

  • Giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh quốc gia: Chính sách nhiều nhưng yếu

    11:00, 08/06/2020

  • Giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh quốc gia: Việt Nam “lệch pha” quốc tế về đào tạo

    06:00, 07/06/2020

  • Giáo dục nghề và năng lực cạnh tranh quốc gia: Xây dựng “thước đo” nhân lực có kỹ năng nghề

    11:00, 05/06/2020

Tiến sĩ VŨ TIẾN LỘC - Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam