Đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Sẽ không có nhà thầu Trung Quốc?
Vì sao một đại dự án giao thông huyết mạch lại kém thu hút đầu tư? Nếu nhà đầu tư vẫn vắng bóng thế này liệu có gây áp lực lên nợ công, lên cân đối ngân sách?
Mới đây, Bộ GTVT vừa có Văn bản số 8849/BGTVT-CQLXD gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc trả lời kiến nghị cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Nội dung kiến nghị như sau: “Có ý kiến cử tri lo ngại dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam rơi vào tay nhà thầu không có năng lực, uy tín để tránh đội vốn và kéo dài thời gian thi công”.
Trả lời cử tri, Bộ GTVT khẳng định luôn xác định năng lực, kinh nghiệm, uy tín của các nhà thầu xây lắp, tư vấn,... có ý nghĩa rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi công, chất lượng các công trình giao thông.
Khách quan mà nói, phát triển hạ tầng luôn phải đi trước một bước để kích cầu phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta khuyến khích đầu tư đối tác công - tư (PPP), bởi vì nó tận dụng được các nguồn lực xã hội, giảm bớt áp lực cho ngân sách, trong đó Nhà nước chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều quan trọng là bối cảnh nào áp dụng được PPP, bối cảnh nào phải sử dụng đầu tư công. Chúng ta không nên có cái nhìn khác nhau về cùng một vấn đề như vậy. Phải đồng hành trong suy nghĩ. Đằng nào cũng phải làm cao tốc, còn làm bằng nguồn nào thì tính toán phù hợp ở từng thời điểm. Chính phủ và Bộ KH-ĐT phải cân đối lại bài toán ngân sách cho hợp lý.
Được biết, hiện nay, 3 dự án thành phần đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây đang được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong nước và dự kiến khởi công các dự án vào cuối tháng 9/2020.
Đây là 3 trong số 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông vừa được Quốc hội đồng ý cho chuyển từ hình thức PPP sang hình thức đầu tư công, sau hơn một năm “đỏ mắt” tìm không thấy nhà đầu tư đủ tiềm lực.
Chủ trương của Chính phủ là chỉ đầu tư công những dự án nào không đấu thầu PPP được. Vấn đề đặt ra: Vì sao một đại dự án giao thông huyết mạch lại kém thu hút đầu tư? Nếu nhà đầu tư vẫn vắng bóng thế này liệu có gây áp lực lên nợ công, lên cân đối ngân sách hay không?
Dĩ nhiên, Việt Nam không kỳ thị, phân biệt nhà đầu tư ngoại, bất kể đó là nhà đầu tư đến từ nước nào. Tuy nhiên, các nhà thầu Trung Quốc và Hàn Quốc đều là hai nhà thầu lớn, thực hiện rất nhiều dự án ở Việt Nam nhưng hầu hết dự án nào cũng đều có vấn đề. Các dự án Cát Linh – Hà Đông, cầu Vàm Cống… đang cho thấy không phải cứ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng đều làm tốt. Đã đến lúc Việt Nam cần làm một con đường cao tốc của riêng mình.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) phân tích: “Có nhiều nhà đầu tư trong nước dù lần đầu thực hiện các dự án cao tốc lớn như Vân Đồn – Móng Cái, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn nhưng rất thành công, nhanh và rẻ… 1km đường cao tốc do doanh nghiệp trong nước thực hiện đang có giá khoảng 4-5 triệu USD, thực hiện trong thời gian 2 năm trong khi nhiều tuyến đường cao tốc khác của Việt Nam do nhà thầu nước ngoài thực hiện đang có giá lên tới 20 triệu USD/1km đường, thời gian kéo dài đến chục năm, đắt gấp 4-5 lần nhà đầu tư trong nước thực hiện mà hiệu quả lại không cao”.
Có điều, một dự án giao thông lớn thường bao gồm nhiều dự án nhỏ, trong đó có dự án hấp dẫn nhưng cũng có những dự án tạm gọi là “xương xẩu” hơn, tùy theo địa hình và các yếu tố khách quan, chủ quan khác. Đối với nhà đầu tư, một khi bỏ đồng vốn ra thì họ phải nhìn thấy lợi nhuận, ít nhất lợi nhuận phải lớn hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng thì họ mới làm.
Có lẽ đối với 3 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam này, sau khi tính toán, các nhà đầu tư nội thấy lợi nhuận ít nên không đầu tư?
Dẫu vậy, một lợi thế ở dự án này mà chúng ta có được là đây không phải thuộc dự án vay vốn ODA nước ngoài, không nhất thiết phải tổ chức đấu thầu quốc tế, cũng không bắt buộc phải để nhà đầu tư nước ngoài phải tham gia.
Vì thế, để tiện cho đôi đường (Nhà nước – các doanh nghiệp nội), Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT hoàn toàn có thể tham mưu chia nhỏ các dự án thành phần để thu hút các nhà đầu tư trong nước.
“Bóng trong chân chúng ta”, chúng ta hoàn toàn có quyền chủ động để chọn nhà thầu nội có kinh nghiệm và chất lượng đúng như nguyện vọng của cử tri. Vừa hạn chế tối đa những áp lực lên nợ công, vừa tránh trường hợp vừa “chơi bóng vừa run” như hàng loạt các dự án mà chúng ta đã “dính phốt” với nhà thầu Trung Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Ba dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển hình thức đầu tư: Bao giờ mới khởi công?
11:02, 07/09/2020
3 dự án cao tốc Bắc - Nam chuyển đầu tư công được sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước
05:30, 16/07/2020
Thủ tướng yêu cầu khởi công 3 dự án cao tốc Bắc - Nam vào cuối tháng 8
14:40, 08/07/2020
Vì sao không chuyển toàn bộ 8 dự án PPP tuyến cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công?
15:41, 01/06/2020