Thất lạc hũ tro cốt: Hiểu về sinh tử để… nhẹ lòng
Nhân có sự cố thất lạc các hũ tro cốt của chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh, tôi xin luận đàm về an táng để mọi người cùng hiểu và có những góc nhìn đa chiều.
Theo quan niệm của loài người từ ngàn đời nay, tất cả chúng sinh, trong đó có con người không thể không trải qua quy luật tự nhiên: Sinh, lão, bệnh, tử. Con người sinh ra khắp nơi trên hành tinh này đều quan tâm, chú trọng, rất chú ý tới cuộc sinh tồn và cả cái chết.
Người ta hay nói câu: “sinh ra từ cát bụi lại trở về với cát bụi”. Nhạc sĩ nổi tiếng Trịnh Công Sơn đã viết: “Hạt bụi nào hoá kiếp thân tôi, để một mai tôi trở thành cát bụi”. Các tôn giáo cũng có triết lý, cũng có quan điểm và răn dạy về triết lý tồn tại và không tồn tại của thân xác và linh hồn. Dần dần khoa học cũng đang hé mở những thông tin về linh hồn và mối quan hệ biện chứng, hữu cơ của xác và linh hồn.
Ngươi ta quan niệm và bắt đầu đã lâu tin rằng khi con người chết đi hồn lìa khỏi xác. Hồn bay đi như một “vật thể siêu hình”. Và sẽ có các hình thức, loại hình tồn tại của nó. Nếu siêu thoát, được dẫn dắt hồn sẽ lên cõi Tiên, cõi Phật, thiên đường theo các đấng tối cao. Nếu trong kiếp sống thực không tốt, gặp nghiệp xấu, thì hồn bị nhốt trong địa ngục Âm phủ. Cũng không ít hồn không đi đến đâu mà lang thang trong không gian vũ trụ như những cô hồn, oan hồn.
Còn thân xác người quá cố sẽ được an táng, bỏ rơi tự phân huỷ hoặc được tác động của tự nhiên, nhân tạo mà tiêu tan. Người ta quan niệm và tổ chức an táng cho thân nhân từ ngàn đời nay với nhiều hình thức. Theo phong tục tôn giáo, dân tộc, tâm linh, tín ngưỡng khác nhau có nhiều hình thức an táng khác nhau như:
Địa táng: Là phương thức an táng phổ biến nhất của loài người. Trên thế giới hầu hết người ta chôn một lần theo phương châm “đào sâu chôn chặt”. Ở Việt Nam và một vài nước có nền văn hoá phương đông thì có thì thêm tục lệ cải táng.
Thuỷ táng: Là phương thức an táng áp dụng rất lâu đời ở vùng sông nước, biển đảo. Xác người mất được khâm liệm, làm nghi lễ và thả xuống nước. Dòng sông hùng vĩ của Ấn Độ : Sông Hằng chính là nơi những người ấn theo đạo Hindu an táng thuỷ táng các thân nhân quá cố.
Hoả táng: Là phương thức an táng có rất lâu đời tại các vùng xung quanh dãy núi Himalaya nhất là Ấn độ. Người chết được đưa lên dàn thiêu. Người ta dùng củi, than, gỗ, rồi gaz, điện để thiêu xác. Thời hiện đại con người đã thiết kế xây dựng các lò thiêu mà ta hay gọi là “Đài hoá thân hoàn vũ”. Tro cốt của người quá cố sẽ được đưa vào các hũ lọ sành sứ, bền đẹp đặt trong các ngôi chùa, đền thờ, nhà thờ theo phong tục các tôn giáo. Hoặc đưa vào quan, quách chôn thành nấm mộ trong các nghĩa trang địa táng. Hoặc đem rắc xuống sông, suối, biển, hồ.
Ngoài ra còn có các hình thức khác như Điểu táng, Huyền táng, Thiền táng, Ướp xác đặt trong lăng mộ hay hiến xác…
Sự cố thất lạc các hũ tro cốt thân nhân gửi tại Chùa Kỳ Quang, quận Gò Vấp TP Hồ Chí Minh đang nóng lên và gay gắt trong xã hội, các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội. Là một phật tử và cũng có chút ít hiểu biết về vấn đề này; hơn nữa tôi cũng có cơ duyên được biết, gặp, nghe Hoà thượng Thích Thiện Chiếu hoằng pháp, làm lễ chay đàn chẩn tế và thăm trung tâm nuôi dưỡng trên 200 trẻ em mồ côi, người khuyết tật, bệnh nhân hiểm nghèo tại Chùa Kỳ Quang, thăm chùa trên huyện Đăk Hà Kontum. Tôi thật sự xúc động và chia sẻ về sự cố này với Chùa và với vị Hoà thượng trụ trì.
Hoà thượng Thích Thiện Chiếu đã nhận hoàn toàn trách nhiệm, xin lỗi các thân nhân, chịu hình thức kỷ luật của Ban trị sự giáo hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh là thôi trụ trì chùa Kỳ Quang và cũng đưa ra các giải pháp.
Các giải pháp cơ bản tại chùa Kỳ Quang lúc này là làm cho các thân nhân bình tĩnh, hợp tác với chùa, để tìm giải pháp tốt nhất. Các công việc đang làm tại chùa là mở hầm nhà cất giữ tro cốt cho thân nhân vào nhận diện, có tính tới việc xây dựng tháp tro cốt cao hiện đại, quản lý chặt chẽ, khoa học kể cả dùng công nghệ phần mềm, lưu trữ dữ liệu.
Thượng toạ Thích Thanh Phong trụ trì Chùa Vĩnh Nghiêm đưa ra ý kiến là chùa có thể tiếp nhận các hũ tro cốt từ chùa Kỳ Quang sang Vĩnh Nghiêm với hàng ngàn bộ. Thượng toạ cũng cho rằng cất giữ gửi tro cốt tại chùa cũng không phải là tuyệt đối, vì các bất trắc thiên tai, hoả hoạn, động đất, sóng thần, sơ xuất quản lý vẫn có thể xảy ra.
Vì thế có lẽ cũng phải tính các giải pháp khác cho trước mắt cũng như lâu dài. Cũng có ý kiến của trụ trì chùa Kỳ Quang là xác định ADN, nhưng theo khoa học thì khó, rất khó và không khả thi, vì các tro cốt khi thiêu đã bị phân huỷ, biến dạng kết cấu, phân rã và phân huỷ cấu trúc vất chất và AND, khi mà hài cốt đã bị nung đốt cháy ở nhiệt độ rất cao thành tro, thành carbon.
Cũng có giải pháp là thả tro cốt không xác định chính xác danh tính và thân nhân xuống sông. Rồi có ý tưởng dùng tro cốt làm “nguyên vật liệu” để đúc pho tượng Phật đặc biệt, an vị tại chùa Kỳ Quang.
Cá nhân tôi cho rằng nếu áp dụng phương thức hoả táng thì tốt về mọi phương diện. Đưa cốt vào chùa có thời hạn: 49 ngày, 100 ngày, 1 năm, 3 năm, qua tiểu tường và đại tường theo quan niệm dân gian rồi đưa về các nghĩa trang an táng theo phương thức Địa Táng là phương thức tốt nhất cả về tâm linh, tôn giáo, truyền thống văn hoá và môi trường. Hoặc rải tro cốt xuống dòng sông quê hương, đất linh thiêng của quê cha đất tổ.
Hiểu về sinh tử, hiểu về Đạo pháp chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn trước việc lẫn tro cốt, đó là một sự cố không ai mong muốn xảy ra, nhưng khi đã gửi vào chùa rồi nghĩa là chúng ta hiểu về đạo, hiểu rồi thì cũng hoan hỷ và hãy biến mất mát, đau buồn đó thành một việc làm ý nghĩa hơn và bao dung hơn.
Có thể bạn quan tâm
Chuyện hàng trăm hũ tro cốt “lăn lóc” tại chùa Kỳ Quang 2: Còn gì đớn đau bằng?
01:00, 06/09/2020