Khi kinh doanh giáo dục lên ngôi
Tuyển hết, tuyển mạnh, tuyển tất tay để có sinh viên là phương châm của các trường đại học khi giáo dục trở thành “món hàng” để kinh doanh.
Câu chuyện “tiếp thị” của các trường đại học không còn quá mới mẻ trong thời gian qua, nhưng qua đó ta nhận thấy rằng đang có dấu hiệu đi lệch đường tại một số trường đại học cũng như ngành giáo dục và đào tạo hiện nay. Việc đến các trường THPT để tổ chức truyền thông, “kéo” thí sinh về có một công hiệu rất tốt nếu như các trường đại học thực sự có năng lực thuyết phục, chứ nếu cứ tuyển sinh theo kiểu “rải thóc dụ bồ câu” như hiện nay thì quả thật không hay.
Vừa qua nổi cộm lên sự việc trường đại học quốc tế Hồng Bàng tại thành phố Hồ Chí Minh gửi giấy báo trúng tuyển đến 191/200 học sinh đang học tại trường THPT An Thới (Phú Quốc - Kiên Giang) khiến dư luận phát hoảng với cách tuyển sinh của trường này. Vậy là nếu có mong ước học đại học, các em học sinh tại đây chẳng cần bận tâm về điểm số nữa khi mà giấy báo trúng tuyển đã nằm trên tay.
Nhưng trên thực tế thì cả trường học, gia đình và cả các em học sinh chẳng rõ lý do từ đâu mà trường lại xét các em đậu đại học? Mà lại còn đậu vào trường đại học quốc tế mới oách.
Theo lý giải của trường đại học này thì trước đó đã tổ chức một buổi tư vấn tại đây và những em được gửi giấy báo trúng tuyển là những em đã điền thông tin vào lá phiếu được phát. Thế là, những lá phiếu ấy nghiễm nhiên trở thành phiếu đăng ký xét tuyển vào được đại học này. Và, trường dùng những lá phiếu đó để “xác nhận” việc các em muốn học tại đây rồi gửi giấy báo trúng tuyển.
Quá đơn giản, chỉ một buổi tư vấn tuyển sinh mà trường đại học này có được danh sách 191 tân sinh viên (nếu các em học sinh chấp nhận đi học), hoặc chí ít cũng sẽ “thu về” được một lượng sinh viên từ việc này. Và không chỉ từ trường THPT An Thới mà còn có thể từ nhiều trường THPT khác có buổi tư vấn tương tự. Chí ít cũng có được đầu vào, cũng có được nguồn thu, còn chất lượng thì từ từ tính tới.
Về mặt tích cực, trường đại học quốc tế này đang nỗ lực trong việc tiếp sức cho các em học sinh tiếp tục con đường học tập. Ước mơ được ngồi giảng đường, được làm sinh viên đại học là ước mơ của biết bao phụ huynh và học sinh. Để từ đó các em có kiến thức, có kinh nghiệm để hòa mình vào xã hội trong tương lai. Gia đình chỉ cần đầu tư cho các em, nhà trường sẽ lo hết việc còn lại. Như thế đôi bên cùng có lợi.
Tuy nhiên, việc “rải thóc” ồ ạt như thế này khiến dư luận hoảng hốt, khi mà ai ai cũng có thể trúng tuyển đại học. Không còn sàng lọc, không còn những chỉ tiêu gay gắt nữa, việc học đại học hiện nay dễ hơn bao giờ hết. Và dĩ nhiên, chất lượng đầu vào sẽ hạ thấp về sát đáy, cũng không ai dám đảm bảo về chất lượng đầu ra sau này cho các em. Và rồi, những lỗ hổng sẽ dần xuất hiện đối với ngành giáo dục Việt Nam.
Và không chỉ riêng trường đại học quốc tế Hồng Bàng thực hiện phương thức tuyển sinh như vậy, mà còn rất rất nhiều trường đại học tư lập như thế. Đây không phải là câu chuyện mới của ngành giáo dục mà chính là vấn đề nhức nhối trong thời gian qua.
Sòng phẳng mà nói, hiện nay cơ chế thị trường đã “pha chế” ra hình thức kinh doanh giáo dục đại học như hiện nay. Cơ chế cấp phép dễ dãi, các trường đại học dần mọc lên và đương nhiên các trường cũng phải cạnh tranh với nhau trong việc tuyển sinh. Nâng chỉ tiêu tuyển sinh ồ ạt theo từng năm, mở rộng thêm nhiều khoa, nhiều ngành chẳng liên quan chỉ để kiếm thêm là điều ai cũng thấy. Nếu không có sinh viên, các trường phải đóng cửa là điều dễ hiểu.
Trường công cạnh tranh đã khốc liệt, các trường tư cạnh tranh còn dữ dội hơn. Khi mà nguồn thu đầu vào chính là vốn sống để các trường tồn tại, vì vậy phải tuyển nhiều, tuyển tất tay, càng nhiều càng tốt. Và dĩ nhiên, cơ chế tuyển sinh phải thật thoáng, thật cởi mở kèm theo nhiều hứa hẹn màu hồng. Bắt buộc phương án “tiếp thị” giáo dục phải triển khai liên tục, rộng khắp. Hiển nhiên sẽ có những cái bắt tay giữa những trường đại học và trường THPT, cơ quan quản lý giáo dục để có thông tin của các em học sinh.
Phong trào “tiếp thị” giáo dục đã dần phổ biến trong thời gian qua, giáo dục cũng dần trở thành “món hàng” béo bở để kinh doanh khiến cho việc xét tuyển tại nhiều trường đại học không màng đến chất lượng giáo dục, tấm bằng đại học sẽ dần trở nên mất giá trị. Sinh viên cầm bằng đại học chưa chắc đã xin được việc.
Liệu nhà trường có chịu trách nhiệm với nguồn nhân lực mà mình đã đào tạo ra? Hay chia tay là xong nghĩa vụ?
“Món hàng” giáo dục đã khiến các vị đang vô trách nhiệm đối với các chủ nhân tương lai của đất nước?