Làm giáo dục sao lại dùng truyền thông “bẩn”?
Việc dùng truyền thông “bẩn” để kéo sinh viên không chỉ ảnh hưởng đến danh dự nhà trường mà còn ảnh hưởng đến ngành giáo dục nói chung.
Vừa qua, tại Đà Nẵng nổi cộm lên việc trường đại học Duy Tân dùng 900 lá thư thư nặc danh gửi đến gia đình các em học sinh, giáo viên các tỉnh miền Trung để “đánh giá” thực lực các trường đại học khác trên địa bàn. Trong bức thư ấy chứa các nội dung bình luận về điểm cộng, điểm trừ của tất cả các trường và hiển nhiên, các trường đều có nhiều điểm trừ hơn là cộng. Còn lại, các điểm tốt hầu hết dành về phía trường Đại học Duy Tân.
Các lá thư nặc danh ấy đã bôi xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của các trường đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chỉ với mục đích thu hút lượng thí sinh đến đăng ký tại trường Đại học Duy Tân. Và vô hình chung, vì điều đó mà Đà Nẵng lại là một địa phương có nhiều trường đại học sở hữu nhiều điểm trừ đến vậy.
Sự việc vỡ lẽ, hai cá nhân trong hệ thống tuyển sinh của trường Đại học Duy Tân bị đưa ra khiển trách, chỉ bị xử lý hành chính và nhà trường bị đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong khi đó, các cá nhân này không thể tự ý hành động như vậy, chí ít cũng phải có sự đồng thuận từ các lãnh đạo trường. Nhưng các vị ở trên vẫn an toàn, đơn vị nhà trường chỉ bị yêu cầu rút kinh nghiệm.
Liệu “sợi dây kinh nghiệm” có được rút hết? Trong khi trước đó vào 2018, trường này cũng đã bị chính sinh viên tố “treo đầu dê bán thịt chó” trong quá trình dạy học và cấp chứng chỉ tốt nghiệp.
Sở dĩ, câu chuyện các trường đại học sử dụng các phương thức truyền thông để tuyển sinh không còn mới mà còn đang dần được biến đổi qua từng năm. Đặc biệt, tại các trường đại học tư lập việc tuyển sinh còn diễn ra ồ ạt hơn, truyền thông mạnh mẽ hơn để giành thí sinh về trường của mình.
Cơ chế thị trường đã tạo nên các trường đại học giáo dục kiểu nửa vời, đặc biệt là các trường đại học tư lập. Tại đây, các trường đại học tư lập phải ra sức chiêu mộ thí sinh về nhập học để tăng nguồn thu đầu vào. Nguồn thu chính là “máu” giúp các trường sống sót, hoạt động. Do vậy, bắt buộc các trường đại học này phải tổ chức truyền thông mạnh, thể hiện sức mạnh cạnh tranh, lợi thế đối với các điểm trường khác để thí sinh hình dung được và lựa chọn.
Nhìn chung, việc chạy truyền thông để thể hiện năng lực cạnh tranh giữa các trường đại học là một phương án hữu hiệu. Bởi các thí sinh dễ dàng nắm bắt các thông tin mà mình cần, tiếp thu các yếu tố cần thiết để chuẩn bị có năm học mới cũng như lựa chọn nơi mà mình sẽ theo học trong những năm tháng mang nhãn sinh viên. Nhưng đó phải là sự cạnh tranh lành mạnh, sòng phẳng với nhau để đạt được mục đích thực sự, tuyển sinh song phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Như thế, việc tư vấn tuyển sinh và công tác truyền thông mới hiệu quả.
Nhưng ở đây, chính những người làm công tác giáo dục lại dùng phương án truyền thông “bẩn” khiến cho mọi việc đi quá xa. Họ sẵn sàng tự cho quyền đánh giá thấp, hạ bệ chất lượng giáo dục của các trường khác để tôn hệ thống giáo dục của trường mình lên. Đó cũng chính là tự hại mình. Làm như thế khác nào bôi nhọ hệ thống giáo dục của một thành phố khi mà các ngôi trường trên địa bàn đều có những điểm trừ.
Thực tế, chính vì việc này đã khiến các thí sinh sắp đăng ký nhập học cùng với các sinh viên đang theo học cảm thấy nghi ngờ về chính ngôi trường mà mình sắp và đang theo học. Chính những người công tác trong hệ thống giáo dục trong trường học đã làm mất đi uy tín của mình, của trường. Liệu một hệ thống như thế có đảm bảo được chất lượng giáo dục cho sinh viên hay không, hay cũng chỉ xem sinh viên là một đối tác thương mại để kiếm lời từ món hàng giáo dục?
Việc bôi xấu, hạ bệ sẽ rất dễ thành xu hướng truyền thông nếu như hệ thống pháp lý không cứng rắn xử lý. Nếu tứ tiếp diễn, các điểm trừ sẽ xuất hiện ngày một nhiều và dần dần những tấm bằng cử nhân ấy sau khi được trao cũng chẳng còn mấy giá trị bởi được tạo ra từ một hệ thống giáo dục thiếu uy tín, danh dự.
Giáo dục bậc cao đang ngày càng biến tướng, thiếu quy hoạch trong giai đoạn hiện tại và công tác truyền thông cũng đang dần biến chất. Nếu như không đảm bảo được chất lượng giáo dục và công tác tuyển sinh lành mạnh, các trường ắt sẽ bị tự hủy, ngành giáo dục ắt sẽ “lao đao”.
Có thể bạn quan tâm
Khi kinh doanh giáo dục lên ngôi
06:06, 17/09/2020
Giáo dục đại học và thị trường nửa vời
06:20, 16/09/2020
Hạ chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10: Giáo dục đừng loại nhầm học sinh!
05:30, 11/09/2020
“Kinh doanh” giáo dục và câu chuyện lợi ích nhóm
11:00, 10/09/2020
Giáo dục là hành trình "thắp lửa"
08:50, 05/09/2020