"Giải mã" Israel: Bài 2 - Suy ngẫm
Có 3 câu chuyện ngẫm lại thấy khá hay và cũng phần nào liên quan đến chủ đề sắp bàn dưới đây.
Câu chuyện 1
Công việc đã xong, nhưng tôi chưa thể bay về được vì là ngày thứ 7 nên hãng hàng không Israel El Al không làm việc. Và, trong những ngày cuối tuần ở lại, tôi đã hiểu được thêm về kỳ nghỉ cuối tuần thứ 6, thứ 7 (lễ Sabbath, người Do Thái đi làm từ Chủ nhật đến hết Thứ 5) của người Do Thái.
Đi trên đường, đặc biệt ngày thứ 7, thấy đường phố vắng ngắt và gặp không ít đàn ông Do Thái chính thống (Jewish Orthodox) mặc bộ đồ đen, đầu cũng đội mũ đen rộng vành, đứng trên vỉa hè, hai tay cầm quyển Kinh thánh Do Thái đọc lẩm nhẩm hàng tiếng đồng hồ với động tác hết sức thành kính và giữa trời nắng chang chang, trong khi đầu gật tới gật lui. Điều này không chỉ gây cho tôi sự ngạc nhiên thích thú, mà còn gợi ra rất nhiều điều.
Câu chuyện 2
Trước đó, khi chia tay Đại sứ Dan Stav, người tháp tùng trong suốt chuyến đi, tôi có nói rằng “Khi tôi mới đến nơi, ông Đại sứ có nói Bộ Ngoại giao Israel có khoảng 1000 nhà ngoại giao. Giờ đây khi đã xong các cuộc tiếp xúc tôi chỉ đồng ý một nửa. Các ông không chỉ có 1000 nhà ngoại giao, mà đó còn là 1000 Giáo sư nữa”.
Quả thực, hiếm có nước nào, kể cả các cường quốc, lại có nhiều nhà ngoại giao nắm giữ các vị trí chủ chốt nhưng lại có trình độ khá đều tay, am hiểu sâu chuyên môn và có thể trình bày vấn đề mạch lạc như một giáo sư đại học. Không chỉ rành chuyên môn, họ còn thể hiện tác phong hết sức chuyên nghiệp, động tác mạnh mẽ, dứt khoát.
Câu chuyện 3
Khi vào phòng làm việc với Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc Phòng của họ, tôi hơi ngạc nhiên khi thấy phòng khách bày biện khá đơn giản, không rõ chỗ ngồi của chủ và khách. Bèn hỏi cô lễ tân là ngồi thế nào, cô để “Sếp” cô ngồi đâu. Câu trả lời là: Các ông ngồi thế nào thì tùy và chỉ cần để một chỗ cho ông ấy ngồi là OK. Sau này mới thấy rõ hơn, trừ một số cuộc gặp phải tuân thủ một số nghi lễ ngoại giao bắt buộc, việc ngồi tự do (free sitting) tạo không khí tháo luận thoải mái và bình đẳng giữa chủ và khách, càng và ngạc nhiên hơn khi đây cũng chính là cách người Israel ngồi khi thảo luận nội bộ!
Quay trở lại bài viết trước ("Giải mã" Israel: Bài 1 - Các câu hỏi), tôi thấy rằng các câu trả lời về nguyên nhân thành công của người Do Thái, sự cố kết của dân tộc này đều khởi nguồn từ 3 yếu tố chính: Một là, cuốn Kinh Do Thái (Jewish Bible). Hai là, cách thức duy trì Đạo, bản sắc và lối sống Do Thái; và ba là tiếng Hebrew. Các vấn đề khác như “gen” và tố chất thông minh của người Do Thái; tính hiếu học, ham hiểu biết và sáng tạo; cách duy trì và tổ chức cuộc sống, đời sông xã hội một cách văn minh, lành mạnh của họ đều bắt nguồn từ 3 yếu tố trên. Và cũng thật trớ trêu, đây lại là nguyên nhân chính khiến họ bị xua đuổi, miệt thị, truy sát trong hơn 20 thế kỷ qua. Tôi cũng nghiệm thấy rất ít dân tộc, quốc gia có thể học được theo họ, trừ phi anh cũng trở thành… người Do thái như họ!
Ta hãy đi từng vấn đề một:
1. Israel là đất nước duy nhất trên thế giới được định hình bởi 4 yếu tố mang đậm chất Do Thái: Dân tộc Do Thái; Đạo Do Thái; Văn hóa Do Thái; Đất nước Do Thái.
Trong các tôn giáo trên thế giới, Đạo Do Thái được ghi nhận là đạo có tuổi đời lâu thứ hai trên thế giới (ra đời cách đây khoảng 3000 năm), sau Đaọ Hindu (ra đời cách đây khoảng 4000 năm). Tuy nhiên, do Hindu là đạo đa thần, nên Do thái giáo có thể xem là đạo độc thần (Monotheistic) ra đời sớm nhất thế giới.
Đạo Độc thần là đạo chỉ thờ 1 vị chúa/thần/hoặc thánh duy nhất. Còn Đạo Do Thái chỉ thờ duy nhất là Chúa trời, nên trên bàn thờ trong nhà thờ Do Thái họ trang trí đơn giản, không thờ người hoặc động vật. Họ cho rằng, người là người, dứt khoát không thể là chúa hay thánh được và chỉ có một Đức Chúa trời duy nhất.
Phải chăng điều này làm cho người Do Thái cũng như sinh hoạt tôn giáo của họ “dân chủ” hơn do không bị phân tán, mất bớt quyền lực qua các nhân vật trung gian?
Một điều rất đặc biệt là trong cuốn Kinh Torah (gồm 5 tập, ghi lại các lời của Nhà tiên tri Moses) có ghi người Do Thái được Đức chúa trời chọn (the Chosen People) để truyền đạt thông điệp của Chúa cho các dân tộc khác, dẫn dắt và khai sáng các dân tộc khác.
Người Do Thái rất tin vào điều này, tin vào “sứ mạng” được Chúa giao phó. Đây có lẽ là động lực lớn nhất khiến người Do Thái luôn tím cách đạt đến đỉnh cao của khoa học, phấn đấu đủ tầm trí tuệ “dẫn dắt” nhân loại như họ nghĩ đã được “Chúa lựa chọn”.
Do đó, điểm nổi bật nhất ở người Do Thái là họ thấy mục đích cao nhất của cuộc sống là sáng tạo, chứ không chỉ là kiếm tiền và kiếm tiền cũng như sự giàu có của họ thực ra là hệ quả, chứ không phải mục đich mà họ theo đuổi, của các lao động sáng tạo.
2. Trong bất kỳ tôn giáo nào, tính “Giáo điều” đều tồn tại, duy chỉ khác nhau về mức độ.
“Giáo điều” là những điều được ghi trong kinh/kinh thánh hoặc được các Bề trên giảng và được coi mặc nhiên đúng, không bàn cãi. Tuy nhiên, bản kinh Torah của người Do Thái lại rất gợi mở để mọi người suy nghĩ, khám phá.
Trong 5 cuốn Kinh Torah thì có đến 4 cuốn nói về luật và 1 cuốn về các vấn đề trong cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Torah ghi các vấn đề trong cuộc sống, đặt ra các câu hỏi, gợi mở để suy nghĩ, nhưng lại không chỉ có một câu trả lời, mà có nhiều câu trả lời tùy thuộc bối cảnh khác nhau, và thậm chí còn để khoảng trống để mọi người cho trí tưởng tượng bay bổng với các hỏi và câu trả lời.
Trong bữa com gia đình cuối ngày, hoặc trong ngày Sabbath, các thành viên trong gia đình, trong cộng đồng đọc và tranh luận các điều ghi trong kinh thánh, và có thể chính điều này làm tăng thêm năng lực trí tuệ, làm cho họ rất giỏi về luật.
3. Các bạn Israel cho biết, cuốn Kinh Torah giống như một cuốn sách khoa học hơn là một cuốn với các “Giáo điều”.
Chẳng hạn, trong Kinh Torah ghi rõ ngày thứ 7 là ngày Chúa nghỉ ngơi, nên tất cả mọi người Israel, kể cả các nô lệ và súc vật không được làm việc trong những ngày này.
Ngày lễ thứ 7 của họ gọi là ngày lễ Do Thái (Sabbath) được xem là ngày “nghỉ tuyệt đối”, theo đó Chúa khuyên các thành viên trong gia đình dành thời gian này bên nhau, cùng trò chuyện, đi chơi, vợ chồng “yêu" nhau, gia đình cùng nhau đi đến nhà thờ (Synagogue).
Trong ngày này, mọi người không được bật lửa (vì thời xa xưa, bật lửa có nghĩa là phải vào bếp nấu nướng, tức vẫn “đi làm”) và ăn đồ ăn được chuẩn bị từ hôm trước. Thậm chí thang máy trong các cao ốc cũng để “chế độ Sabath”, tức người Do Thái không dùng tay bấm nút (biểu hiện của “làm việc”), mà để thang tự chạy automatic và mở cửa trước từng tầng một từ tầng thấp nhất đến tầng cao nhất của tòa nhà.
Ngày Chủ nhật là ngày làm việc đầu tiên của họ, và điều ngạc nhiên là theo cách gọi trong Kinh thánh Do Thái các ngày làm việc trong tuần theo tuần tự là các ngày “sáng tạo”, chứ không phải ngày “đi làm”.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng gợi ra một số điều thú vị: (i) Ngày thứ 7 nghỉ tuyệt đối để lấy sức lao động cho các ngày khác trong tuần và đây có thể là nguồn cảm hứng cho việc đầu tranh đòi quyền của người lao động sau này; (ii) Lễ Sabbath tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình (khi cả nhà cùng ngồi ăn quay quần bên nhau), và giữa các thành viên trong cộng đồng (khi hàng xóm cùng kéo nhau đến nhà thờ); (iii) là cơ sở của việc đấu tranh giành quyền bình đẳng phụ nữ (không lao động trong ngày Sabbath) sau này, cũng như quyền của động vật; (iv) Vợ chồng “sản xuất” em bé trong ngày nghỉ khi tinh thần thoải mái thì đứa trẻ sau này cũng sẽ thông tuệ hơn.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
"Giải mã" Israel: Bài 1 - Các câu hỏi
10:03, 26/09/2020
TP.HCM 'bắt tay' với Israel để tăng tốc phát triển cho các startup
04:38, 12/09/2020
9X bỏ phố lên rừng khởi nghiệp theo mô hình Israel
04:05, 04/05/2020
Công nghệ thực tế ảo đưa Tổng thống Israel tới nhà từng người dân
13:19, 27/04/2020
Doanh nghiệp Israel tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam thay thế Trung Quốc
20:12, 12/03/2020
Việt Nam cần học Israel về khởi nghiệp, sáng tạo
06:39, 31/01/2020