Giáo dục và câu chuyện “lạm thu”

SÔNG HÀN 02/10/2020 05:30

Lạm thu đe dọa phá vỡ hình ảnh tốt đẹp, làm rối loạn chức năng của hệ thống trường phổ thông công lập. Vì thế, các khoản đóng góp tự nguyện cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Đó là nhận định mới đây của TS. Nguyễn Văn Đáng - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khi nói về tình trạng lạm thu đầu năm học, một vấn đề nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận.

Danh sách các khoản thu của trường THCS Tiến Lộc

Danh sách các khoản thu của trường THCS Tiến Lộc

Năm nào Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng kiên quyết chống lạm thu nhưng nói thì nói, lạm thu vẫn gây đủ chuyện rùm beng từ Bắc chí Nam. Và chúng ta không khó để tìm ra những khoản “lạm thu” gây ấm ức cho phụ huynh học sinh thời gian qua.

Theo thông tin báo chí, đầu năm học 2020-2021, một số khoản thu tại một số trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, và Bình Thuận đã bị phụ huynh phản đối công khai. Nguyên nhân trực tiếp của sự phản đối là bởi có những khoản thu cho những mục chi không thực sự cần thiết, năm nào cũng thu, hoặc sử dụng nguồn kinh phí không hiệu quả, gây lãng phí.

Lạm thu (cũng như nạn dạy thêm, học thêm) là hai trong những căn bệnh mạn tính của ngành giáo dục nước ta tồn tại nhiều năm qua. Một số cán bộ quản lý trường học cho rằng nếu không lạm thu, nhà trường sẽ không có tiền để hoạt động. Ý kiến này có đúng hay không là một vấn đề cần xem xét nhưng dù bất kể lý do gì, lạm thu chẳng khác nào “móc túi” phụ huynh.

Một điểm đáng quan tâm nữa, nước ta được cho là nằm trong số các quốc gia có tổng chi cho giáo dục rất cao, bằng 20% ngân sách quốc gia, bằng 5% GDP. Vậy tại sao vẫn xảy ra lạm thu, thậm chí lạm thu rất lớn?

Có thể nhận thấy một số nguyên nhân căn bản như: Do nôn nóng, chủ quan, lãnh đạo một số trường thông qua giáo viên chủ nhiệm lớp thông báo đến phụ huynh các khoản thu, có khoản bắt buộc (theo quy định), có khoản gọi là “đóng góp tự nguyện”.

Giáo viên chủ nhiệm vì nhiều lý do, máy móc triển khai trong cuộc họp toàn thể phụ huynh của lớp, thậm chí là thông báo, nhắc nhở, nhắn tin qua điện thoại di động. Những khoản thu quá mức gây bức xúc, ấm ức, đàm tiếu, xung đột, kể cả có đơn thư tố cáo.

Ngành giáo dục mở nhiều trường công, dẫn đến chi ngân sách bị dàn trải, càng không đảm bảo các điều kiện dạy học, càng khó cải thiện lương giáo viên. Quy định mức học phí hiện nay không đủ để các trường công lập chi cho hoạt động giáo dục...

Quá nhiều vấn đề nổi lên nhưng vẫn chưa được giải quyết, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa lên tiếng.

Quá nhiều vấn đề bất cập của ngành giáo dục ngay trong dịp đầu năm học mới.

Thực tế trên cho thấy, Bộ GD-ĐT đều có quy định cả, nhưng lách được thì người ta vẫn lách. Suy cho cùng Bộ cũng chỉ là nơi ban hành chính sách, còn thực hiện thì phải là các địa phương. Đầu năm học nào ai cũng thấy nghiêm cấm cái nọ, nghiêm cấm cái kia. Nhưng những cái “tự nguyện” là những cái chỉ nói mồm với nhau, mà nói mồm thì ai cấm được! 

Khách quan mà nói, các khoản đóng góp hiếm khi là vấn đề gây bức bối với hệ thống trường học tư thục. Bởi khi cho con em học tập tại các trường tư, phụ huynh đã tìm hiểu kỹ cơ chế vận hành của nhà trường. Họ ý thức đầy đủ và sẵn sàng về mức độ đóng góp, và cơ hội con em mình được thụ hưởng sản phẩm giáo dục dựa trên cơ chế thị trường.

Còn hệ thống trường công lập được Nhà nước lập ra để đáp ứng nhu cầu học tập của đa số người dân. Những khoản thu “tự nguyện bởi không thể từ chối” đã gây ra những hệ lụy không đáng có với môi trường giáo dục công lập. Đó là sự khắc sâu thêm xu hướng phân hóa xã hội về thu nhập và mức sống giữa các hộ gia đình, đẩy nhiều gia đình vào tình thế khó xử, tạo ra những cảm xúc tiêu cực về cô giáo và nhà trường trong một bộ phận phụ huynh và học sinh…

Nhưng dù sao đi nữa, khi đặt ra các khoản thu ngoài quy định, lãnh đạo nhà trường cần bám sát các văn bản hướng dẫn hiện hành, và thực hiện thu chi công khai, minh bạch. Và để xảy ra lạm thu, trước hết, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Đã đến lúc nên thay đổi hình thức vận động các khoản tự nguyện như hiện nay. Chẳng hạn, những khoản cần xã hội hóa thì nhà trường nên công khai và kêu gọi ủng hộ trên tinh thần tự nguyện đúng nghĩa, chứ không nên qua hình thức nói miệng với ban phụ huynh. Qua đó, những phụ huynh có điều kiện có thể ủng hộ cho nhà trường, còn những phụ huynh không mấy khá giả cũng có thể cảm thấy thoải mái nếu không đóng góp.

Đồng thời, cần thúc đẩy xã hội hóa phát triển hệ thống trường tư, Nhà nước giảm số trường công và tập trung điều kiện đầu tư cho các trường đó theo một chiến lược giáo dục.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngành giáo dục mang nhiều nhức nhói: Bộ trưởng đang nơi đâu?

    05:30, 28/09/2020

  • Thị trường hóa giáo dục, hiểu và làm sao cho đúng (Bài 2)

    08:00, 25/09/2020

  • Nỗi buồn của ngành giáo dục

    05:00, 25/09/2020

  • Thị trường hóa giáo dục, hiểu và làm sao cho đúng? (Bài 1)

    05:30, 24/09/2020

  • Làm giáo dục sao lại dùng truyền thông “bẩn”?

    06:31, 23/09/2020

  • Khi kinh doanh giáo dục lên ngôi

    06:06, 17/09/2020

  • Giáo dục đại học và thị trường nửa vời

    06:20, 16/09/2020

SÔNG HÀN