Xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia: Có phạt được không?
câu chuyện xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia thật khó áp dụng vào thực tiễn bởi nhiều lý do.
Nghị định 117/2020 về Quy định xử phạt hành vi ép buộc người khác uống rượu bia, sẽ có tác dụng giảm bớt tác hại của rượu bia, bởi nó đảm bảo quyền từ chối của người không uống rượu bia và định hướng thói quen tiêu dùng rượu bia văn minh, tự nguyện.
Quy định mới này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận vì khoảng cách từ quy định của pháp luật đến đời sống thực tiễn nhiều khi là một quãng đường rất xa. Nhất là khi vấn đề rượu bia ở Việt Nam dường như đã trở thành văn hóa.
Theo đó, từ ngày 15/11, Nghị định 117/2020 chính thức có hiệu lực. Nó đặt ra các hướng dẫn thi hành xử phạt cho những hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia được nghiêm cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia 2019.
Đáng chú ý là theo quy định mới, tại Điều 30 và Điều 31 Nghị định 117/2020, người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Riêng việc ép buộc người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng.
Tuy nhiên, để áp dụng mức xử phạt quả thật không dễ khi bia rượu ở Việt Nam (như đã nói ở trên) đã thành văn hóa. Và người dân cần có những giải thích cụ thể thế nào là kích động, xúi giục; là lôi kéo; là ép buộc uống rượu, bia. Từ đó mới có căn cứ xử lý các hành vi vi phạm.
Thực tiễn, thói quen tiêu dùng rượu bia ở Việt Nam đã trở thành phổ biến, hằng ngày chúng ta dễ dàng bắt gặp trong các cuộc vui, cuộc nhậu tình trạng nhiều người không muốn hoặc không uống được rượu bia, nhưng vẫn bị người khác lôi kéo, ép buộc. Có những câu nói như: “Anh không uống là không nể mặt tôi” đã trở thành quen thuộc.
Cũng không khó đã bất gặp những âm thanh “1…2…3… zô” vang trời, ầm ĩ từ nhà riêng đến quán nhậu. Quan niệm chỉ uống 3 chén và mời nhau 3 chén đã bỏ lại từ lâu. Trên những bàn nhậu hiện nay, người ta có thể mời nhau đến hàng chục chén, thậm chí hơn với đủ mọi lý do, mọi hình phạt.
Rồi những quán nhậu mọc lên như nấm sau mưa, ở mọi ngóc ngách, mọi ngả đường, từ thành thị đến nông thôn. Và những “thượng đế” cũng có thể nhậu nhẹt vì mọi lý do: từ ma chay, hiếu hỉ đến thăng quan tiến chức, sinh nhật, nâng ly vì có con trai, vì sinh con gái, vì mừng dự án thành công đến không thành công, vì cuối tuần, vì đầu tháng. Đến cả những lý do như “ngẫu hứng”, “thích thì uống thôi” cũng đều được cho là “chính đáng” cả.
Tất yếu, sau những cuộc nhậu như thế, niềm vui cũng có nhưng hệ quả cũng nhiều. Không ít án mạng, đâm chém, cãi vã đã xảy ra trên bàn nhậu. Và cũng vô vàn những vụ va chạm, tai nạn giao thông cũng từ men rượu mà ra.
Và một vạn lý do vì sao phải nhậu đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước “nhậu khủng” nhất thế giới. Nghiên cứu được công bố trên The Lancet năm 2019 cho biết Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản là ba quốc gia có lượng rượu bia tiêu thụ tăng nhanh nhất trong giai đoạn 2010-2017.
Một vấn đề đặt ra ở đây là: Phạt được không, ai phạt và phạt như thế nào? Như nghị định 100, thời gian đầu cơ quan chức năng làm rất tốt, xong đâu lại vào đấy. Rồi, quy định phạt người hút thuốc lá nơi công cộng ra đời chắc cũng phải được 20 năm rồi mà đã phạt được ai đâu?
Dưới góc nhìn pháp luật, thì nhiều chuyên gia cho rằng mức phạt hành chính như vậy là hợp lý. “Mức phạt 500.000 đến một triệu đồng nếu xúi giục, lôi kéo, kích động người khác uống rượu bia là số tiền chấp nhận được với đa số người dân. Còn việc ép buộc bị phạt nặng hơn để đảm bảo răn đe người vi phạm lần sau không tái phạm” - Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) nói.
Còn ở góc độ văn hóa, câu chuyện xử phạt này thật sự khó áp dụng vào thực tiễn. Vì người Việt có thói quen sử dụng rượu, bia từ lâu đời. Nếu như “miếng trầu là đầu câu chuyện” thì chén rượu là đầu cuộc vui. Nên việc mời rượu trong một bữa tiệc, một cuộc họp mặt được hiểu là cùng chung vui.
Tuy vậy, không có nghĩa chúng ta bó tay với nạn bia rượu một khi chúng ta có ý thức, nhìn nhận đúng tác hại của rượu bia. Nói như nhà nghiên cứu văn hóa Trần Hữu Sơn thì “trong văn hóa của người Việt Nam, số 3 rất quan trọng. Người xưa nói cơm 3 bát, áo 3 manh, và ai giỏi lắm thì uống 3 chén rượu. Ép bia, ép rượu chỉ nảy sinh ở xã hội hiện đại”.
Có thể thấy, bất cứ quy định pháp luật nào trước khi ban hành cũng đặt ra vấn đề về tính khả thi, chỉ là khả thi nhiều hay ít. Quy định xử phạt người ép rượu, bia là một quy định tiến bộ. Tuy nhiên, cần có giải thích rõ về mặt từ ngữ để phân định ranh giới giữa mời rượu và ép rượu. Nhất là thực trạng 80% dân số sử dụng rượu bia như hiện nay, thì tính khả thi của những quy định trên cần có thời gian.
Hơn nữa, hãy nhớ quy định pháp luật ban hành trước hết để định hướng, chứ không chỉ nhằm mục đích xử phạt. Làm sao thanh lọc được quan niệm “phải nhậu nhẹt mới thành công” thì đất nước mới mong đổi khác. Xã hội mới bớt được mấy “bợm nhậu” làm khổ nhiều gia đình và trí tuệ Việt mới bay cao được.
Có thể bạn quan tâm
Nghị định 100 tác động thế nào tới các ngành phụ trợ đi kèm rượu bia?
06:50, 20/07/2020
Doanh nghiệp rượu bia đề xuất sửa mức phạt nồng độ cồn
15:46, 24/03/2020
Lạm dụng rượu bia - đừng “ngụy biện” là… “văn hóa”!
12:52, 03/01/2020