Xuất hiện ca nghi nhiễm COVID-19 tại Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm?
Sau 34 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng, mới đây thông tin xuất hiện 1 ca nghi nhiễm COVID-19 ở Hải Phòng khiến nhiều người dân Việt Nam hoang mang, lo lắng.
Ca nghi nhiễm COVID-19 mới đây tại Hải Phòng đang gây hoang mang dư luận là anh T.K. (SN 1987, quốc tịch Nhật Bản) làm việc tại Công ty K.C.V.N., có địa chỉ tại huyện Thủy Nguyên; hiện anh T.K. đang sinh sống tại quận Lê Chân, TP Hải Phòng.
Anh T.K. sang Việt Nam làm việc từ ngày 26/6/2018, đến ngày 5/10/2020 bay trở về Nhật Bản trên chuyến bay Asianna Airline OZ 112, hạ cánh đến Osaka Nhật Bản lúc 10 giờ 10 cùng ngày.
Theo điều tra dịch tễ, từ khi sang Việt Nam làm việc đến nay, anh T.K. chưa về nước lần nào. Đợt này, anh T.K. không đi đâu khỏi Hải Phòng, hàng ngày anh đi xe bus cùng với 13 người và lái xe của Công ty T.T. từ nơi ở đến nơi làm việc.
Trước khi về Nhật Bản, anh T.K. đã tổ chức buổi liên hoan chia tay với các đồng nghiệp. Theo thông tin trên các trang báo chính thống, sau khi hạ cánh xuống sân bay Osaka, anh T.K. được xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cho kết quả dương tính với với COVID-19.
Đến nay đã 34 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc ở cộng đồng. Việt Nam đã chữa khỏi 1.022 bệnh nhân mắc COVID-19.
Mặc dù sau khi nhận được thông tin, Sở Y tế Hải Phòng đã thực hiện ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, xác định các trường hợp F1, rà soát các trường F2, lấy mẫu máu để xét nghiệm COVID-19.
Cùng với đó, Sở Y tế Hải Phòng cũng chỉ đạo phun khử khuẩn nơi làm việc và nơi cư trú của anh T.K, đồng thời tiến hành phong tỏa toàn bộ tầng 5 khách sạn R.P. (thuộc quận Lê Chân) gồm 13 phòng, phun thuốc khử trùng tiêu độc tại tầng 5 và khu vực lễ tân của khách sạn…
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra lúc này đó là vì sao Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng đã rất quyết liệt trong phòng chống COVID-19, cố gắng bằng mọi cách hạn chế sự lây lan ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, mà giờ đây lại xuất hiện ca nghi nhiễm tại Hải Phòng. Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu anh T.K thực sự nhiễm COVID-19?
Theo thông tin đăng tải trên nhiều tờ báo, anh T.K. đã được xét nghiệm bằng phương pháp PCR và cho ra kết quả dương tính COVID. Dù còn phải qua vài lần xét nghiệm nữa mới xác định được anh T.K có thực sự mắc COVID-19 hay không, hay chỉ là dương tính giả như một số trường hợp trước đó cũng đã xét nghiệm dương tính, sau đó lại cho kết quả âm tính; nhưng thông tin này vẫn khiến người dân Việt Nam hoang mang, lo lắng.
Không lo lắng sao được bởi nếu anh T.K. bị nhiễm COVID-19, Việt Nam sẽ lại bắt đầu cuộc chiến COVID-19 đầy cam go, khốc liệt và tốn kém. Và, điều quan trọng hơn, chúng ta sẽ phát triển kinh tế đất nước như thế nào nếu Việt Nam không còn là điểm đến an toàn của các quốc gia.
Còn nhớ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, hai đợt bùng phát dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội nhưng chúng ta đã kiểm soát thành công và thực hiện "mục tiêu kép" thắng lợi.
Đúng vậy, chúng ta được cho là kiểm soát COVID-19 thành công khi đã 34 ngày trôi qua không có ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Cũng vì sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn dân, Việt Nam đã thực hiện "mục tiêu kép" thắng lợi.
Trong quý III, các khu vực kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn quý II và là động lực cho tăng trưởng kinh tế chung của đất nước. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng dương 2,93%; công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; dịch vụ tăng 2,75%.
Đặc biệt, lạm phát đang được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2020 tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 0,01% so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Bình quân 9 tháng năm 2020, CPI tăng 3,85% so với cùng kỳ năm trước.
Và, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương. Chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam (do Nikkei đánh giá) đã tăng lên 52,2 điểm trong tháng 9, cao nhất ASEAN và so với 45,7 điểm tháng 8, thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế Việt Nam...
Dẫn lại vài con số trên để cho thấy Việt Nam chúng ta đã rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì "Việt Nam là nước kinh tế tăng trưởng dương duy nhất ở khu vực ASEAN, nằm trong số ít nước tăng trưởng dương trên thế giới. Điều này cho thấy, công tác chỉ đạo, điều hành đã đi đúng hướng. Bên cạnh công tác bảo đảm sức khỏe cho nhân dân thì đẩy mạnh phát triển kinh tế là hướng đi cần thiết".
Đúng vậy! Chúng ta lạc quan với tình hình dịch bệnh được khống chế, nhưng tuyệt đối không được chủ quan bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, và khi mở cửa đường bay quốc tế, khả năng xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mới là không thể tránh khỏi.
Việc để một ca nghi nhiễm COVID-19 như anh T.K. đi lại, di chuyển, hoạt động cả một thời gian dài tại Việt Nam, sau đó về Nhật mới được phát hiện dương tính COVID-19 là một điều khó chấp nhận.
Được biết, để phòng tránh những tình huống xấu xảy ra, Sở Y tế Hải Phòng đã đề nghị Công ty K.C.V.N. tiếp tục trao đổi với anh T.K. ở Nhật Bản để có thông tin về kết quả xét nghiệm những lần tiếp theo; Sở này cũng đang tiếp tục truy vết các trường hợp tiếp xúc gần và người tiếp xúc với người tiếp xúc gần bệnh nhân (F1, F2) để lấy mẫu, thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe, cách ly y tế phù hợp; chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với tình hình diễn biến thực tế.
Cùng với đó, UBND TP Hải Phòng cũng yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ động liên hệ, nắm bắt kết quả xét nghiệm của ca nghi nhiễm và thông báo ngay cho các cơ quan, đơn vị liên quan khi có kết quả; yêu cầu các Công ty trong Khu Công nghiệp liên quan lập danh sách nhân viên có lịch trình tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm, gửi UBND huyện Thủy Nguyên để quản lý, hướng dẫn thực hiện các biện pháp cách ly y tế, xét nghiệm theo quy định. Công an TP Hải Phòng cũng đã vào cuộc, chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác truy vết và quản lý cách ly y tế; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi chống đối, không họp tác với các cơ quan chức năng theo quy định...
Như đã nói, T.K. là trường hợp thứ 10 khởi hành từ Hà Nội có kết quả test nhanh dương tính khi tới Nhật Bản. Trước đó, cũng đã có 9 trường hợp như vậy, nhưng sau đó cho kết quả âm tính khi xét nghiệm lại qua PR-PCR. Hy vọng, cũng như 9 trường hợp trước, người dân Việt Nam tới đây có thể "thở phào" nhẹ nhõm với thông tin "dương tính giả" của anh T.K.
Nhưng, cho dù điều may mắn đó xảy ra, chúng ta cũng tuyệt đối không được chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh COVID-19. Mỗi cá nhân người dân Việt Nam hãy cùng với địa phương, các bộ ngành, hệ thống chính trị thực hiện trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch bệnh. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng kêu gọi: “Việc chống dịch là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong giai đoạn hiện nay…huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vươt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống”.
Câu chuyện anh T.K. nghi nhiễm COVID-19 thêm một lần nữa gióng lên một hồi chuông cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Xin hãy nhớ, chuyện gì cũng có thể xảy ra nếu chúng ta lơ là, chủ quan!
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Khoanh vùng ổ dịch liên quan đến 1 chuyên gia Nhật Bản nghi nhiễm COVID-19
14:50, 06/10/2020
Giao dịch liên kết (kỳ III): Tác động của COVID-19 tới tái cấu trúc doanh nghiệp
05:00, 05/10/2020
Kết nối cung cầu nội địa: Giải pháp vượt bão COVID-19 của doanh nghiệp Việt
12:00, 02/10/2020
Vắc xin COVID-19 "made in Vietnam": Bao giờ thử nghiệm trên người?
03:00, 01/10/2020
Hạnh phúc và sáng tạo đích thực thời COVID-19
11:00, 30/09/2020
Tác động của COVID-19 đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hàm ý đối với Việt Nam
11:00, 30/09/2020