Rác viễn thông vẫn “tấn công” người dùng di động?
Sau khi Nghị định 91/2020/NĐ-CP có hiệu lực, liệu vấn nạn tin nhắn rác, cuộc gọi rác có còn "tấn công" người dùng di động?
Từ ngày 1/10/2020, Nghị định 91/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 91) về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác đã có hiệu lực với những biện pháp chế tài được đánh giá là khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, vấn nạn rác viễn thông vẫn đang gây khá nhiều phiền phức cho người dùng di động.
Xuất phát từ thực tế, các doanh nghiệp bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng... khẳng định telesale (bán hàng qua điện thoại) vẫn là cách hiệu quả nhất để bán hàng nên tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác chắc chắn khó xử lý dứt điểm. Việc không kiểm soát dẫn đến việc bị lạm dụng khiến khách hàng cảm thấy bị làm phiền và rất khó chịu, thậm chí ác cảm. Đây là điều không nên có và cần phải có sự thay đổi.
Chính ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam xác nhận với báo chí rằng: “Không chỉ môi giới bất động sản mà những ngành khác cũng cần chuyên nghiệp hơn trong tiếp cận khách hàng thay vì spam. Ngày càng có nhiều kênh truyền thông mới để môi giới có thể ứng dụng mà không nhất thiết phải thực hiện hàng trăm cuộc gọi mỗi ngày như vậy”.
Vì thế, chặn cuộc gọi rác là chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin & Truyền thông nhằm làm trong sạch hóa thị trường viễn thông, giảm những phiền hà, khó chịu cho người sử dụng.
Cục Viễn thông và các nhà mạng đã thống nhất 5 tiêu chí để xác định “cuộc gọi rác” gồm: tần suất thực hiện cuộc gọi, tỉ lệ cuộc gọi có thời gian liên lạc ngắn, tỉ lệ cuộc gọi có thời gian giữa các cuộc gọi ngắn, tỉ lệ gọi đi cho các thuê bao không có mối quan hệ và đặc điểm hành vi sử dụng.
Các nhà mạng sẽ sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (big data) và thuật toán trí tuệ nhân tạo ở mức độ máy học (machine learning) để nhận diện thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác. Cục Viễn thông cũng hướng dẫn cách để nhà mạng xử lý các cuộc gọi rác, đồng thời nêu rõ nhà mạng sẽ bị xử phạt theo các quy định nếu không có động thái xử lý cuộc gọi rác.
Một số biện pháp được đưa ra và thực hiện như: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông yêu cầu đưa ra những biện pháp mạnh tay chặn cuộc gọi rác; Thuê bao thực hiện hành vi phát tán cuộc gọi rác sẽ bị khóa chiều gọi đi đối với thuê bao nội mạng và khóa chiều gọi đến đối với thuê bao liên mạng…
Theo một báo cáo của Cục Viễn thông - Bộ Thông tin và Truyền thông từ thống kê của các nhà mạng di động, trong hai tháng 7 và 8/2020, có khoảng 18.329 thuê bao di động phát tán cuộc gọi rác đã bị hệ thống kỹ thuật nhận diện và ngăn chặn.
So sánh giữa các nhà mạng, Viettel đang tỏ ra mạnh tay nhất khi đã phát hiện và ngăn chặn 16.399 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, chiếm đến 90% tổng số thuê bao thực hiện cuộc gọi rác đã bị chặn bởi ba nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone.
Điều đáng nói là tất cả cuộc gọi phát sinh đều tạo doanh thu cho nhà mạng. Nên không ai ngây thơ tới mức tin rằng sẽ có thể sạch bóng rác viễn thông. Dẫu vậy, chúng phải giảm đáng kể và hễ phát hiện là phải xử lý triệt để, không thể tiếp tục để diễn ra tình trạng đánh trống bỏ dùi, năm nào cũng cứ phải lặp lại điệp khúc khách hàng than phiền bị quấy rối bởi rác viễn thông như bấy lâu nay.
Và để hạn chế việc này, Nhà nước cũng cần có những quy định, chế tài cho phép khách hàng kiện nhà mạng và yêu cầu bồi thường nếu nhà mạng để cuộc gọi rác quấy rối. Chỉ có quy định rõ ràng, xử phạt và đền bù thỏa đáng cho khách hàng thì nhà mạng sẽ chủ động chặn các cuộc gọi rác.
Nói thẳng ra, cần phải có chế tài đủ mạnh với các nhà mạng trong việc ngăn chặn sim rác, cuộc gọi rác, tin nhắn rác, mới chấm dứt sự quấy nhiễu người dùng. Hiện tại, chưa có luật khách hàng có thể kiện nhà mạng nếu liên tục bị quấy rầy bởi…rác viễn thông.
Với rác viễn thông, chúng ta rõ ràng không thiếu luật lệ, quy định, cũng như không thiếu công nghệ mà chỉ thiếu quyết tâm. Người tiêu dùng viễn thông cần phải được bảo vệ và phục vụ một cách tốt nhất.
Hy vọng năm 2020 sẽ là năm làm trong sạch thị trường viễn thông ở Việt Nam, sau sim rác, cuộc gọi rác sẽ tới tin rác bị quét.
Có thể bạn quan tâm
Tin nhắn rác và phần mềm độc hại sắp hết “đất sống”
05:00, 14/04/2020
Gửi tin nhắn rác bị phạt tới 80 triệu đồng
16:00, 09/03/2020
Nhà mạng nào ngăn chặn tin nhắn rác hiệu quả nhất?
13:06, 04/10/2017
Nhà mạng nào có số lượng tin nhắn rác ít nhất?
11:00, 03/10/2017
Gmail thêm tính năng chặn tin nhắn rác
08:41, 27/09/2015
Phát tán tin nhắn rác, 3 doanh nghiệp bị phạt 165 triệu đồng
14:41, 24/09/2015