Mùa lũ nói chuyện rừng và thủy điện

SÔNG HÀN 23/10/2020 05:30

Cứ vào mùa mưa là có nhiều ý kiến về chuyện xây hồ thủy điện, chuyện xả lũ, phá rừng ở nước ta. Vậy chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này như thế nào cho đúng?

Người dân miền Trung vốn dĩ luôn phải sống trong cảnh nghèo khó, nay lại đang oằn mình chống chọi với sự tàn phá của trận đại hồng thủy, từng cơn lũ dữ đã xóa đi nhiều thứ. Không chỉ mất mát người thân, mất nhà cửa, đói rét, không lương thực, dịch bệnh. Nhiều phận người đang phải vật lộn để giữ lấy mạng sống cho chính bản thân và gia đình họ.

Rất nhiều sự đồng cảm, xót thương, và từ trong đau thương, hình ảnh những đoàn từ thiện hối hả tới người dân vùng lũ bằng những món quà: chai nước hoặc miếng lương khô, mỳ tôm… để giúp người dân cầm hơi chờ nước rút.

Nhưng cũng có một số ngòi bút quay lại đặt vấn đề rằng lũ lụt hoành hành cũng một phần do con người mà ra, cụ thể là do thủy điện và phá rừng. Người viết cũng xin góp một góc nhìn.

Rừng tự nhiên bị chặt phá tràn lan. Ảnh: TTXVN

Rừng tự nhiên bị chặt phá tràn lan. Ảnh: TTXVN

Về rừng

Hẳn ai cũng hiểu rõ vai trò của rừng. Rừng điều tiết nước, phòng chống lũ lụt, xói mòn. Rừng có vai trò điều hòa nguồn nước giảm dòng chảy bề mặt chuyển nó vào lượng nước ngấm xuống đất và vào tầng nước ngầm. Rừng khắc phục được xói mòn đất, hạn chế lắng đọng lòng sông, lòng hồ, điều hòa được dòng chảy của các con sông, con suối (tăng lượng nước sông, nước suối vào mùa khô, giảm lượng nước sông suối vào mùa mưa).

Đặc biệt, khi có mưa, rừng tự nhiên thì 90% nước rơi xuống không chảy tràn trên mặt. Nếu một cơn mưa bình thường kéo dài 1-2h với lượng mưa khoảng 100mm thì không có nước chảy tràn trên mặt, hết cơn mưa là mặt đất không có nước. Toàn bộ lượng nước trở thành nước ngầm.

Rừng tự nhiên tốt như thế vì nó tán cây, các lớp cây khác nhau, có thảm mục, hệ rễ sâu 20-30m (chiều cao cây như nào rễ sâu như thế). Nếu vẽ hệ thống nước ngầm sẽ thấy rất chằng chịt, đào giếng bất kỳ chỗ nào cũng có nước, chứng tỏ là hệ thống nước ngầm rất đều. Dù hết mưa, nắng tháng này qua tháng khác thì hệ thống nước ngầm vẫn đủ cung cấp.

Trong khi đó, rừng trồng và đất trống đồi trọc chỉ có tác dụng bằng 1/5 rừng tự nhiên. Khi mưa xuống có tới 95 % chảy tràn trên mặt, chỉ có 5% thấm một lớp mỏng vào đất. Lượng nước chảy tràn trên mặt gọi là lũ, như lũ ống, lũ quét…

“Trong khi thế giới ra sức bảo vệ rừng tự nhiên thì chúng ta lại phá rừng tự nhiên để làm kinh tế. Rừng tự nhiên dù có nghèo kiệt thế nào chăng nữa thì về đa dạng sinh học cũng gấp nhiều lần rừng trồng. Vì thế, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo rằng thà giữ 1ha rừng tự nhiên còn hơn phát triển 5 -10 ha rừng trồng” - GS Nguyễn Ngọc Lung,  Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, khuyến cáo.

Tức là, khi rừng đầu nguồn, rừng tự nhiên bị chặt phá sẽ khiến diện tích rừng bị suy giảm trầm trọng, khiến lũ lụt xảy ra liên miên. Làm xói mòn đất khiến người dân mất của thậm chí là ảnh hưởng tới tính mạng con người.

Thật đau buồn về một câu chuyện hết năm này sang năm khác: Núi rừng dường như chưa bao giờ ngừng tiếng kêu than về sự tàn phá, động vật bị săn bắt vô tội vạ. Không hiểu vì sao như vậy? Ý thức về tầm quan trọng của rừng đến thế kỷ này sao còn phải tuyên truyền.

Về thủy điện

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nhu cầu sử dụng điện tăng trung bình hơn 10%/năm. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ cho sinh hoạt và lao động, nhà nước đã triển khai và phát triển thủy điện.

Và chúng ta đang chia làm hai cấp quản lý thủy điện. Nhà máy có công suất trên 10 MW thuộc nhà nước (Bộ TNMT thẩm định phê duyệt). Nhà máy công suất dưới 10  MW do cấp tỉnh phê duyệt.

Nhiều tỉnh miền Trung ngập trong mưa lũ. Ảnh: Khắc Trà

Có ý kiến cho rằng, đập thủy điện không làm tăng rủi ro lũ. Bởi nước là tiền nên các nhà quản lý thủy điện không “xả lấy xả để” đâu. Hơn nữa, các thủy điện nhỏ không có chức năng điều tiết lũ nên nó xả nhiều nhất đúng bằng lượng nước vào hồ thôi. Hoàn toàn không có lý do để xả thêm.

Tuy vậy, thực tế là khi xây dựng nhà máy thủy điện với mật độ dày là ta đang phá vỡ quy hoạch của cả con sông. Dù là nhà máy thủy điện công suất nhỏ 5-10 MW cũng đã mất bao nhiêu diện tích rừng chuyển đổi mục đích sử dụng. Doanh nghiệp làm thủy điện trốn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Nói thẳng ra, rất ít chủ đầu tư có phương án trồng rừng thay thế khi rừng tự nhiên bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Hậu quả là rừng tự nhiên mất đi, rừng trồng không bù nổi diện tích đã mất mà chưa tính đến hiệu quả giữ nước, giữ đất, giữ môi trường của hai loại rừng.

Như vậy, lỗi không hẳn ở thủy điện mà là cách thức sử dụng, cách thức quản lý, điều tiết điều phối nó như thế nào.

Ví dụ về thủy điện Rào Trăng là minh chứng sinh động nhất, khi để thực hiện nó thì 200 ha rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền, thuộc vùng lõi và khu vực cần phục hồi sinh thái, đã phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thuỷ điện.

Hệ quả là, mưa nhiều, lũ đến, thì thuỷ điện lại xả lũ, hàng loạt của cải mạng người bập bềnh trong nước. Và rồi đất lở, núi sụt, những người lính, người dân đã phải “ra đi” bởi cái gọi là thuỷ điện.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Vũ Thanh Ca - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam) từng nói rằng: “Tôi không ủng hộ thủy điện và nếu được chọn, tôi sẽ theo mô hình Mỹ, phá thủy điện cũ đi, không xây thêm thủy điện mới mà chỉ phát triển nhiệt điện và các dạng năng lượng khác”.

Có thể thấy, năm 2020 là một năm đầy thách thức với thế giới, đặc biệt là với Việt Nam ta. Cơn đại dịch COVID-19 chưa qua, chúng ta lại phải đương đầu với lũ lụt tàn phá miền Trung ở mức kỷ lục. Và rốn lũ miền Trung, những ngày này mưa lũ dồn dập, nhiều vùng quê chìm trong biển nước. Người dân không chỉ đối mặt với cảnh khốn khó, thiếu thốn đủ đường mà cả tính mạng cũng rất mong manh.

Chung quy lại, nguyên nhân đúc kết lại ở tại cả hai: Sự bất lực trong quản lý và lòng tham. Bất lực trong quản lý là sao? Là từ sự yếu kém trong nhận thức trách nhiệm của nhiều cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển thủy điện… chưa đầy đủ là do chưa phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương.

Còn tham lam là sao? Là do lòng tham dẫn đến sự thờ ơ, lãnh đạm với của cải tài nguyên quốc gia, là do lợi ích kinh tế trước mắt quá lớn người ta không vượt qua nổi; là do sự thiếu thống nhất mạnh quyền ai người ấy làm từ trên xuống dưới dẫn đến chẳng cần coi trọng phát triển bền vững rừng. Người ta đã chấp nhận cái gọi là đánh đổi môi trường đổi lấy sự phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Ấm tình người trong cơn hoạn nạn

    05:00, 22/10/2020

  • Chuyện từ vùng lũ!

    06:30, 21/10/2020

  • Miền Trung lũ chồng lũ: Thiên tai hay Nhân tai?

    09:25, 20/10/2020

  • Thơm thảo tấm lòng đồng bào hướng về miền Trung

    05:17, 19/10/2020

  • Đừng đùa với thiên nhiên!

    05:30, 17/10/2020

  • Nước mắt của lũ…

    05:00, 17/10/2020

  • Quặn thắt “khúc ruột miền Trung”

    05:04, 16/10/2020

SÔNG HÀN