Miền rừng - Bao giờ nước mắt thôi rơi?
Trên cáng cứu thương từ miền đất sạt lở là ánh mắt thất thần của những đứa trẻ quằn quại trong đau đớn tại Trà Leng, Nam Trà My, nơi vùng đầu nguồn của hàng chục thủy điện đang vận hành.
Trên những cáng thương được đưa ra từ vùng sạt lở Trà Leng là những gương mặt đớn đau của những phụ nữ, trẻ em do đất đá vùi lấp nhưng may mắn sống sót vừa được tìm thấy.
Cô bé Trần Thị Minh Châu (15 tuổi, thôn 1, xã Trà Leng), một trong những đứa trẻ may mắn sống sót sau trận lở núi kinh hoàng vùi lấp được lực lượng cứu nạn tìm thấy dưới đống bùn đất. Cô bé Châu cùng mẹ và các anh chị may mắn thoát chết. Nhưng ba của bé Châu bị đất vùi lấp chưa được tìm thấy.
Nước mắt của những đứa trẻ thơ đã không còn để đổ xuống nơi miền rừng oan nghiệt. Thay vào đó là những đớn đau từ những vết thương mà nếu ai chứng kiến cũng phải bật khóc.
Giữa bốn bề tang thương nơi miền rừng Trà Leng là tiếng gió hú từng cơn hun hút như gọi hồn giữa rừng thẳm. Những nấm mộ đắp vội cho người xấu số vừa tìm thấy. Những cáng thương từ vùng sạt lở lần lượt vượt núi là hình ảnh những đứa trẻ đớn đau tuyệt vọng. May mắn sống sót và đang được chăm sóc y tế, nhưng sự đau đớn hiện lên từng gương mặt bởi sau khi được cứu sống đã phải nằm trên cáng tải thương vượt hàng chục km đường rừng mới đưa đến bệnh viện.
Những đứa trẻ may mắn sống sót đang đau đớn vật vã đã khiến nhiều người rơi nước mắt trên đường tải thương vượt rừng. Nhưng đó còn may mắn, bởi hình ảnh người mẹ trẻ Trần Thị Diệu (29 tuổi), thoát chết nhưng đã không kịp cứu được 3 đứa con của mình trong đó có đứa con 10 tháng tuổi.
Còn người mẹ trẻ Hồ Thị Hòa (20 tuổi) đã khóc ngất lịm bên đống đổ nát khi đi làm từ Tam Kỳ chạy về tìm con giữa đống đất đá. Nơi góc rừng thẳm, người mẹ trẻ nhìn vô hồn nơi đống đất đá ngổn ngang là cả gia đình ba mẹ, em gái nhỏ 6 tuổi và đứa con trai nhỏ 4 tuổi của mình.
Nghe tiếng gọi con, gọi em gọi ba mẹ của người mẹ trẻ tên Hòa: “Mẹ mua sữa về rồi, con ở đâu” đã khiến nhiều người tìm kiếm có mặt nơi hiện trường đều bật khóc. Giữa đống đất đá ngổn ngang là những xác đồng bào, là những đứa trẻ bị vùi lấp. Nỗi đau tột cùng mà tất cả ai chứng kiến đều phải quặn đau.
Hình ảnh em Hồ Thị Điệp - học sinh lớp 11, Trường THPT Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vượt rừng về làng tìm ba mẹ khi đang trọng học tại trường nội trú huyện khiến ai cũng quặn đau ngồi khóc bên hai nấm mồ vừa phủ đất là ba mẹ mình vừa được tìm thấy được dân làng an táng nơi góc rừng theo phong tục.
Nước mắt rừng xanh, nước mắt những phận người, nước mắt của những đứa trẻ nơi miền rừng sạt lở may mắn thoát chết rồi đây sẽ mang nổi ám ảnh suốt đời bởi cơn lũ quét và sạt lở núi vùi lấp 53 người của 11 hộ dân nơi chân núi. May mắn trong cơn cuồng nộ của đất trời đã có 33 người may mắn được cứu sống. Trong đó có nhiều trẻ em.
Trà Leng đã tan hoang sau cơn lũ núi quét càn. Nước mắt tang thương không còn để rơi. Giữa lúc nguy nan khốn cùng, xin những tấm lòng của nghĩa đồng bào cứu lấy những đứa trẻ nơi miền rừng trong cơn lũ quét, sạt lở núi vùi lấp tiếp tục sống khi bỗng chốc trở thành những đứa trẻ mồ côi.
Xin hãy chung tay cứu giúp những đứa trẻ mồ côi, để nước mắt thôi rơi, để các em được sống trong vòng tay yêu thương của nghĩa đồng bào. Để nơi góc núi tang thương vơi đi nổi ám ảnh của những tiếng khóc than!
Có thể bạn quan tâm
Thảm nạn sạt lở liên tiếp xảy ra: Hay là cứ đổ hết cho trời?
11:18, 30/10/2020
Phải chi còn rừng...
06:53, 30/10/2020
Cơn cuồn nộ của rừng có làm con người thức tỉnh lương tri?
06:00, 30/10/2020
Đồng hành yêu thương: Kỳ 2 - Phận người mỏng manh trong lũ dữ
05:00, 30/10/2020
Xúc động tâm thư của thầy hiệu trưởng gửi đến học sinh vùng rốn lũ Quảng Bình
04:41, 30/10/2020
Những thảm họa mang tên "thủy điện"
11:00, 29/10/2020
“Đồng hành yêu thương”: Kỳ I - “Vết thương” vùng lũ
11:00, 28/10/2020