Đồng hành yêu thương: Kỳ cuối - Chung sống với thiên tai

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 02/11/2020 05:05

Khí hậu biến đổi, Việt Nam bắt đầu nếm mùi. Vậy nên, chung sống với thiên tai phải là nội dung không thể thiếu trong các chương trình nghị sự.

Thủy điện có thể điều tiết lũ cũng có thể gây lũ

Thủy điện có thể điều tiết lũ, cũng có thể gây lũ

Hơn 20 ngày mưa lũ, bão ở Quảng Trị, rất nhiều người nói với tôi rằng, tình trạng này sẽ dẫn đến đói kém. Trừ một số ít là cán bộ, công chức có đồng lương ổn định, số đông còn lại làm nghề tự do như thợ xây, buôn bán nhỏ, kinh doanh dịch vụ, hàng rong,…họ đang rất lo!

Chị Mến, ở Gio Quang, Gio Linh (Quảng Trị) hơn nữa tháng nay không thu nhập được đồng nào, nhờ cơn lũ mà chồng chị đánh lưới có con tôm con cá làm thức ăn, còn lương thực, dầu ăn, mắm muối và một tiền mặt may mắn được các đoàn cứu trợ kịp thời mang đến.

Ở Quảng Trị, kể từ cơn lũ lịch sử năm 1999 đến nay 21 năm mới có trận lũ liên hoàn kéo dài. Nhưng nói về các loại hình thiên tai khác như bão mỗi năm thường “ghé thăm” 3, 4 đợt.

Đặc biệt, nắng nóng cực đoan nhiệt độ vượt mốc chịu đựng của con người thường xuất hiện đều đặn, mùa hè dài hơn, mùa đông mưa ít, cảm giác 4 mùa xuân, hạ, thu, đông khá nhạt nhòa.

Ở tầng nấc toàn cầu, Việt Nam đang ghánh chịu hậu quả của biến đổi khí hậu, vấn đề này vốn rất nóng trong các chương trình nghị sự của G7, G8, G20, Liên Hợp Quốc,…

Ở cấp độ vi mô, từng quốc gia, vùng miền buộc phải chuyển đổi trạng thái sống, cụ thể ở đây là thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh. Nếu là nông nghiệp, nông thôn cần có chiến lược bài bản, hiệu quả để ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan.

Xin dẫn lại câu chuyện quen thuộc, Israel có thể nuôi cá trên sa mạc bằng các hồ nhỏ, dư dùng trong nước, xuất khẩu mang về hàng tỷ USD, họ tạo ra giống khoai tây có thể tưới nước mặn để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt.

Công nghệ nuôi cá trên sa mạc tại Israel

Công nghệ nuôi cá trên sa mạc tại Israel

Ngay tại Đông Nam Á, đảo Luzon (Philippines) được mệnh danh là mắt bão toàn cầu, tất cả những cơn bão khi vào Biển Đông và suy yếu đều càn quét qua đảo này. Nhưng hòn đảo lớn thứ 15 thế giới này là trung tâm kinh tế, chính trị lớn bậc nhất Philippines, nơi đặt thủ đô Manila.

Với thiên tai, trước tiên phải rõ ràng quan điểm bản lề là “phòng” quan trọng hơn “chống”. Ngoài những đợt thiên đặc biệt thì phải di dời dân, còn lại phải sống chung, muốn sống chung phải đầy đủ trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Nhiều địa phương tại Quảng Trị không đủ nhân lực, vật lực để phòng thiên tai, ví dụ như thuyền bè, áo phao, dẫn đến tình trạng “cả huyện chỉ có 2 chiếc cano”, lực lượng túc trực ở các trụ sở UBND xã chỉ lèo tèo vài người.

Tại sao mỗi huyện, xã ở vùng trũng không có kho dự trữ chiến lược các thiết bị ấy? Đáng buồn là những năm qua nguồn kinh phí dùng cho tượng đài, quảng trường, các công trình chưa thực sự thiết yếu quá nhiều. Tốt biết mấy nếu như nguồn lực này được đầu tư phòng thiên tai.

Câu chuyện này có liên quan đến tư duy quản lý. Phải chăng vì 21 năm Quảng Trị không có lũ lớn nên chủ quan? Thông thường, trang bị lực lượng cho trường hợp khẩn cấp giống như “nuôi quân ba năm dụng một giờ”, chấp nhận duy trì, chấp nhận tốn kém.

Đất nước Hà Lan thấp hơn mực nước biển trung bình 1m, thế nhưng họ đã giải quyết triệt để vấn đề ngập úng bằng hệ thống đê, tường ngăn nước cơ động. Vấn đề ở đây không phải là Hà Lan có công nghệ, vốn liếng mà là tư duy quản lý, cách thức đối mặt với thiên nhiên.

Hệ thống đê biển đồ sộ nhất thế giới tại Hà Lan

Hệ thống đê biển đồ sộ nhất thế giới tại Hà Lan

Tính đầy đủ, Quảng Trị phải trải qua 5 đợt lũ. Đợt lũ thứ 4 các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh vượt mốc lịch sử 1983 mặc dù rất gần biển! Là bởi các hồ thủy điện, thủy lợi ào ạt xả cùng lúc. Mấy hôm nay mạng xã hội cũng như báo chính thống tranh cãi quyết liệt giữa hai luồng ý kiến: thủy điện phá rừng, gây lũ và thủy điện giúp hạn chế lũ.

Thật ra, cả hai ý kiến này đều cơ sở khoa học, xin không bàn thêm. Song, các chức năng trên của thủy điện còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức vận hành, cụ thể ở đây là khả năng dự báo để đưa ra thời điểm xả hợp lý.

Tại sao các chủ hồ không tính toán lượng mưa để xả trước khi mưa lớn? Trong khi dự báo thời tiết ngày nay có thể ước lượng chính xác lượng mưa bao nhiêu mm.

Điển hình là đợt lũ thứ 5, hoàn lưu bão số 9 không gây mưa quá lớn tại Quảng Trị nhưng đập Rào Quán vẫn xả lưu lượng lớn khiến một số vùng ven sông Thạch Hãn nước dâng rất nhanh. May mắn là vùng mưa đã dịch chuyển về phía Bắc, nếu không hậu quả khó đo đếm.

Ngập lụt tại Quảng Bình

Ngập lụt tại Quảng Bình

Sông Danube dài gần 3.000km, chảy xuyên qua châu Âu, mình nó cõng hàng ngàn thủy điện, cứ 15km lại bị cắt khúc, nhưng 10 quốc gia hai bên bờ nó chưa bao giờ có ngập úng quy mô lớn.

Có 14 quốc gia cùng hợp tác để thành lập Tổ chức bảo vệ sông Danube và các chi lưu để điều phối việc quản lý nguồn nước một cách cân bằng và bền vững, bao gồm bảo tồn, cải thiện và sử dụng hợp lý tài nguyên nước và thực hiện chỉ thị khung về nước của EU.

Vì sao ở Việt Nam, 1 con sông dài chưa tới 100km lại rất khó quản lý? Và đôi lúc, người dân địa phương sống hai bên bờ còn không biết rõ các tổ chức và cá nhân có quyền, tiền định làm gì với dòng sông. Nghịch lý!

Dù muốn hay không, các địa phương tại Miền Trung phải xây dựng nhà chống lũ, bão chiến lược, đó là một cơ chế có thể hoạt động bất cứ lúc nào chứ không phải là trường học, trụ sở ủy ban, những nơi được xem là kiên cố.

Chân thành cảm ơn tấm lòng, tình cảm của các nhà hảo tâm, quý doanh nghiệp 
chung tay đồng hành cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp:

- VCCI chi nhánh Thanh Hóa
- Tập đoàn Kangaroo
- Bee Logistics
- Tổng công ty May 10 
- Tổng công ty CP Bưu chính Viettel
- Công ty CP Thiết bị Viễn Đông
- Công ty TNHH Miwon Việt Nam
- Tập đoàn Phú Thái
- Công ty CP May Hồ Gươm
- Công ty Cổ phần Eurowindow
- Công ty TNHH Công nghệ, công nghiệp Phú Sơn 
- Công ty TNHH Sơn Koto Việt Nam
- Công ty CP Cơ kim khí Việt Mỹ
- Làng nghề Tiến Lộc
- Ngân hàng Vietinbank Sầm Sơn
- Công ty TNHH XD và TM Lam Sơn
- Công ty TNHH liên doanh Vinastone
- Công ty TNHH Dược Phẩm Hàm Rồng
- Tập đoàn Việt Hưng
- Công ty CP Cấp nước Thanh Hoá
- Công ty CP XNK Hoàng Long
- Công ty TNHH SX và TM Bamboo Vina
- Công ty Môi trường, Sàn Bất động Phong Thủy
- Công ty cổ phần Vilaconic
- Công ty Uniben (Mỳ ba miền)
- Xe khách Đất Cảng
- Vận tải Phong Vũ
- Nhà khách tỉnh ủy Quảng Trị - Khách sạn Đông Trường Sơn
- Câu lạc bộ dưỡng sinh thái cực quyền
- Câu lạc bộ Gà Nòi đất Cảng
- Naris Hải Phòng
- Tòa nhà Cát Bi Plaza thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng
- Hội Phụ nữ và sứ mệnh Bếp của Quỳnh Anh
- Tập thể giáo viên môn địa và các doanh nghiệp, mạnh thường quân tình nguyện viên khác... 

Có thể bạn quan tâm

  • “Đồng hành yêu thương”: Kỳ I - “Vết thương” vùng lũ

    “Đồng hành yêu thương”: Kỳ I - “Vết thương” vùng lũ

    11:00, 28/10/2020

  • Đồng hành yêu thương: Kỳ 2 - Phận người mỏng manh trong lũ dữ

    Đồng hành yêu thương: Kỳ 2 - Phận người mỏng manh trong lũ dữ

    05:00, 30/10/2020

  • ĐỒNG HÀNH YÊU THƯƠNG cùng Diễn đàn Doanh nghiệp

    ĐỒNG HÀNH YÊU THƯƠNG cùng Diễn đàn Doanh nghiệp

    16:00, 19/10/2020

  • Lũ lụt miền Trung: Năng lực dự báo... “có vấn đề”

    Lũ lụt miền Trung: Năng lực dự báo... “có vấn đề”

    06:00, 25/10/2020

  • Lũ lụt miền Trung: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt...

    Lũ lụt miền Trung: Ăn của rừng rưng rưng nước mắt...

    11:00, 23/10/2020

TRƯƠNG KHẮC TRÀ