Mong chờ từ các Đại biểu của dân
Với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu phải làm tròn trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân.
Ngày 6/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe các báo cáo và tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây là phiên chất vấn cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Thời gian diễn ra trong 2,5 ngày (ngày 6/11, ngày 9/11 và sáng 10/11). Và bất kỳ Bộ trưởng nào cũng có thể lên “ghế nóng” trong phiên chất vấn.
Đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Trước đó, lần đầu tiên tiến hành là tại Kỳ họp thứ 6 – kỳ họp giữa nhiệm kỳ.
Lần này, việc đăng ký chất vấn và tranh luận của Đại biểu Quốc hội được thực hiện thông qua app Quốc hội. Chủ tọa điều hành theo hướng mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 đến 5 Đại biểu đặt câu hỏi; các vị đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá một phút và người trả lời chất vấn cũng không quá 3 phút đối với mỗi nội dung trong câu hỏi của Đại biểu. Thời gian tranh luận cho mỗi Đại biểu là 2 phút, mỗi Đại biểu tranh luận không quá 2 lần.
Dù thời gian bị giới hạn, nhưng cử tri vẫn mong muốn các Đại biểu sẽ làm việc một cách có tâm, có tầm để tạo một sức nóng nhất định lên nghị trường nhằm góp phần làm ra những chính sách có chất lượng nhất. Và các vấn đề phải phản ánh rõ bức xúc dân sinh đến các vấn đề bức thiết của kinh tế xã hội. Chứ không phải “gây sóng gió” bằng những phát biểu chẳng liên quan gì đến chuyện đại sự.
Kỳ thực, dư luận nói chung và cá nhân tôi đang khá ấn tượng với ý kiến của Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) khi thẳng thắn nhận định một số vấn đề trọng tâm của giáo dục: “Giáo dục là xây dựng con người. Nhưng một khi giáo dục bị biến tướng bởi sức mạnh đồng tiền và “sức khỏe” của lợi nhuận, thì lúc ấy đến cả con người cũng sẽ bị biến tướng…”.
Nữ Đại biểu tiếp tục: “Xây dựng con người hay trồng người, cần một nhận thức đúng đắn về hệ giá trị từ trong nhà trường đến xã hội, chi phí cho những điều này không phải bằng ngân sách, vốn đầu tư công, mà bằng sức mạnh của tư duy và lòng trắc ẩn đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc”.
Hoặc, khi đề cập đến vấn đề dân sinh, bão lũ vừa qua, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đau đáu trước ánh mắt của những đứa trẻ vùng lũ, trước những ánh mắt lo lắng như cụ non của những đứa trẻ sau một đêm mất nhà, mất bạn, mất cha mẹ, trường học ngập trong bùn.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu xót xa: “Đổ lỗi cho thiên tai đôi khi là cách lý giải dễ dàng nhất. Nhưng tại sao trận lụt nào cũng là “lịch sử”, dấu nước để lại trên tường nhà mỗi ngày một cao hơn?…".
“Việt Nam có thật nhiều những người thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn. Nhưng không thể dùng lòng tốt để khắc phục những hậu quả của bão lũ từ năm này sang năm khác. Cần một chiến lược ứng phó với thiên tai hiểu biết và nhân văn. Có vậy, người dân – nhất là những người yếu thế – cũng như những ngành chức năng (bộ đội, công an, y tế) mới tránh được những tổn thất hy sinh vô cùng đau xót” – Đại biểu Hiếu nói.
Rồi, chuyện Đại biểu Ksor H’Bơ Khắp (Gia Lai) đã tranh luận thẳng thắn với Bộ trưởng Công Thương: “Cái nhân dân đang cần đó là người đứng đầu ngành có phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời. Hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề này….
Thị xã Ayun Pa của tôi là lòng chảo, phải nói là nắng cực, mỗi một lần lên ti vi là thời tiết Ayun Pa 10h đêm vẫn 37 độ, bây giờ điện năng lượng là tràn lan.
Sau này pin đó dùng để làm gì? Dùng để nướng bò một nắng hay sao. Bởi vì lòng chảo chúng tôi có đặc sản là bò một nắng, những tấm pin đó sẽ xử lý vào đâu, đưa lên mặt trăng hay dùng để tiếp tục làm món đặc sản bò một nắng”- Đại biểu tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi.
Chắc chắn không thể trách dân, không thể trách những người phai nhạt niềm tin vào Đại biểu của mình vì không thể tuyệt đối hóa các Đại biểu đều xứng đáng với niềm tin của nhân dân. Vẫn có những cá nhân không xứng đáng, đi vào Quốc hội với mục đích cá nhân của họ, của bộ ngành họ, của tập đoàn họ… Đây là câu hỏi lớn với dư luận xã hội. Thực ra thì ở các nước cũng thế thôi, không ai có thể tuyệt đối hóa các Đại biểu được.
Thế nhưng, phải nói rằng, những tiếng nói ấy được người dân tâm đắc, chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội những ngày qua. Các bài phát biểu đều nói đúng, nói trúng tâm tư nguyện vọng của nhiều người, là tiếng nói trăn trở về tư duy đổi mới cần bắt đầu từ nền tảng giáo dục…
Có thể nói, với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, các Đại biểu phải làm tròn trách nhiệm đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích của nhân dân. Vì vậy, cử tri rất cần những đại biểu của dân, đồng cảm trước nhân dân, thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
Gần 500 đại biểu Quốc hội là Đại biểu của toàn dân chứ không phải chỉ là Đại biểu của nơi mình ứng cử. Vì thế, cử tri mong chờ các Đại biểu sẽ làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của mình khi có mặt ở Nghị trường.
Có thể bạn quan tâm
Dịch COVID-19 sẽ kéo dài đến bao giờ?
11:40, 06/11/2020
Bao giờ Bộ trưởng Giáo dục thực hiện lời hứa của mình?
11:07, 06/11/2020
Kinh phí thực hiện chương trình sách giáo dục được sử dụng ra sao?
10:40, 06/11/2020
Tại sao chất lượng rừng của Việt Nam thấp hơn các nước khác?
10:26, 06/11/2020