Đâu là con đường "Cái Quan" của ASEAN?
Ngay lúc này ASEAN gặp rất nhiều thách thức mang tính khách quan, đâu là con đường cái quan để khối vượt qua?
Khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có đoạn phát biểu đậm đặc hàm lượng thông điệp thời cuộc: “Chúng ta không có dịp gặp trực tiếp trong năm qua, nhưng trên các nền tảng kỹ thuật số hiện đại, chúng ta vẫn duy trì trao đổi và hợp tác, rút ngắn khoảng cách địa lý và không gian vật chất giữa các quốc gia”.
Tôi cho rằng, đây xứng đáng là một tóm tắt rất khúc chiết về tình hình mà toàn khối ASEAN cũng như thế giới đã chứng kiến trong hơn 1 năm qua. Rằng: Đại dịch COVID-19 làm vỡ vụn hiện trạng liên minh khu vực trên phương diện địa lý, hẳn sẽ để lại những hệ quả không nhỏ về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh.
Song, Thủ tướng cũng chỉ rõ cách để ASEAN vượt qua thách thức này, đó chính là nhờ công nghệ kỹ thuật số hiện đại. Một cách khách quan để nói, chính công nghệ mà phạm trù phổ quát là cách mạng 4.0 đóng vai trò là cánh cửa mới để các quốc gia, khu vực nhìn thấy nhau ở một trạng thái hoàn toàn khác.
Một ASEAN đoàn kết, thống nhất, chủ động thích ứng luôn là phương châm luôn đúng đắn trong mọi hoàn cảnh. Vì sao nói vậy?
Chúng ta thường nói đến khái niệm “các vấn đề mang tính toàn cầu”. Nhưng chỉ đến khi đại dịch COVID-19 xuất hiện thì toàn bộ hình hài của cái gọi là “vấn đề toàn cầu” mới được phơi bày rõ ràng cho hàng tỷ người trên thế giới, không phân biệt giới tính, tôn giáo, đẳng cấp, địa vị xã hội.
Đó là những vấn đề không của riêng ai và cần nỗ lực của tất cả mới có thể đầy lùi. ASEAN phải làm gì trước vấn nạn này? Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đưa sáng kiến, sẽ lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của ASEAN và Trung tâm khu vực ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh.
Nhưng trước một vấn đề toàn cầu có ảnh hưởng sâu sắc như COVID-19, ASEAN buộc phải chuyển đổi, bắt đầu từ những thành viên. Phải tính tới viễn cảnh khủng hoảng kinh tế, tài chính, bị chia rẽ bởi các cường quốc, phân mảnh trước các biến động “địa kinh tế-chính trị”.
Để đối phó với các nguy cơ trên, nên cần có các định chế chung như đồng tiền chung, thuế quan chung, luật pháp mậu dịch chung như Liên minh châu Âu từng có?
Liệu rằng, các thành viên sẽ bỏ qua lợi ích đại cục để theo đuổi lợi ích riêng rẽ? Làm sao để xây dựng khung khổ thống nhất hành động trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung rạn nứt trầm trọng? Đó là những vấn đề hết sức quan trọng với ASEAN lúc này.
Đang hiện hữu là vấn đề Biển Đông, chủ quyền biển đảo mà Trung Quốc tuyên bố có liên quan đến lợi ích sát sườn của 5 thành viên ASEAN, gồm Việt Nam, Brunei, Malaysia, Indonesia và Philippines.
Vũ khí tốt nhất mà các thành viên ASEAN sở hữu trong đối chọi với Trung Quốc tại Biển Đông là pháp lý: Đó chính là lý do để Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đến “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982” (UNCLOS 1982) và “Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông COC”.
Việt Nam luôn đưa ra quan điểm “mềm dẻo” nhưng cương quyết tại Biển Đông, trong khi đó chính sách của Philippines có biên độ dao động khá lớn; gần đây Thủ tướng Malaysia đã yêu cầu rà soát lại tất cả các dự án có vốn Trung Quốc; Với Indonesia - họ đã có thành công bước đầu trong tự chủ vốn liếng xây dựng hạ tầng, thu hút dòng vốn đầu tư đang thoát khỏi Trung Quốc.
Như vậy, chỉ riêng vài quốc gia ASEAN đã có sự lệch pha khá lớn về chính sách đối ngoại lãnh thổ. Nói cách khác, sự thiếu đồng bộ về tiếng nói là nguyên nhân không nhỏ để Trung Quốc ngày càng ngang ngược trên biển.
Nước Mỹ dưới thời Trump đẩy mạnh xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương, song song với “Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” cam kết mấy trụ cột là vốn đầu tư, quản trị và an ninh hàng hải.
Sự hiện diện của Mỹ và đồng minh ngay tại Biển Đông cũng đặt ra cho ASEAN đề bài lớn, đó là chọn lựa đứng về phía nào để cân bằng mối quan hệ, trên nền tảng bảo toàn lợi ích quốc gia cũng như toàn khối?
Joe Biden nhiều khả năng sẽ là Tổng thống Mỹ tiếp theo, cách thức tiếp cận với Trung Quốc, Biển Đông và toàn châu Á- Thái Bình Dương cũng sẽ khác D. Trump. Các nước Đông Nam Á nói chung và ASEAN nói riêng phải tìm cách thích nghi.
ASEAN muốn mạnh phải đoàn kết, tạo dựng cho mình đặc trưng lợi thế riêng. Ngoài yếu tố “địa chính trị”, ASEAN với các nền kinh tế trẻ, đầy đủ các loại hình từ dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hóa cao độ,…là điều kiện rất thuận lợi để đảm nhiệm một “khúc” khá dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
ASEAN góp phần tái định hình thế giới
10:34, 12/11/2020
Định vị chỗ đứng phù hợp cho ASEAN trong thế giới hậu COVID-19
09:48, 12/11/2020
Hội nghị Cấp cao ASEAN 37: Đoàn kết trong giai đoạn “gian nan thử sức”
05:05, 12/11/2020
VCCI sẽ chủ trì 02 Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh quan trọng bên Hội nghị Cấp cao ASEAN 37
03:16, 10/11/2020
Mục tiêu đến năm 2030 giáo dục nghề nghiệp đạt trình độ tiên tiến trong ASEAN
10:20, 09/11/2020