Tự chủ đại học nhìn từ Đại học Tôn Đức Thắng
Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ của Trường Đại học (ĐH) Tôn Đức Thắng (TDTU). Đây là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục ĐH và tự chủ ĐH.
Dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, TDTU là một mô hình tốt, là một điểm sáng của giáo dục của tự chủ ĐH. Việc xử lý cán bộ sai phạm phải theo các quy định của Đảng và pháp luật.
Chủ trương bỏ cơ quan chủ quản, thực hiện tự chủ ĐH với trường ĐH công lập đã được đặt ra từ lâu. Đó là chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Vì tự chủ không chỉ giảm gánh nặng ngân sách nhà nước mà quan trọng hơn là tạo cơ hội để các trường ĐH phát triển, hội nhập quốc tế.
Có điều, đến thời điểm này vẫn chỉ có một trường công duy nhất xóa bỏ cơ quan chủ quản là ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội. Còn tất cả các trường ĐH công lập đến nay vẫn chưa thể “thoát ly” khỏi cơ quan chủ quản.
Thực tế, lịch sử “thoát ly” cơ quan chủ quản của Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội theo chia sẻ của lãnh đạo trường không phải xuất phát từ một chủ trương được nuôi lớn từ trước, mà đặt trong tình thế “không thể khác”.
Trường ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội trước đây thuộc chủ quản của Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, năm 2015 Tập đoàn cổ phần hóa. Theo luật, khi đó Tập đoàn không thể là cơ quan chủ quản của một trường ĐH công lập được nữa. Trong khi đó, nhu cầu nhân lực của ngành rất lớn, đòi hỏi đào tạo cấp bách vì nhân lực đang thiếu hụt trầm trọng. Trước bối cảnh đó, trường được Thủ tướng cho phép thí điểm trở thành trường ĐH công lập đầu tiên không có cơ quan chủ quản.
Trở lại với vụ việc đã, đang xảy ra tại trường TDTU (với việc ông Lê Vinh Danh bị kỷ luật) gần đây, một chủ đề khiến cho vấn đề tự chủ ĐH lại được xới lên. Rõ ràng, ngành giáo dục cần phải đánh giá mô hình tự chủ ĐH, nhất là làm rõ vai trò hội đồng trường và cơ quan chủ quản.
Thực tế, tự chủ ĐH tạo ra động lực tự thân của từng trường, tạo ra sự năng động giữa các trường, tránh sự trì trệ. Đồng thời, tự chủ ĐH cũng khiến trách nhiệm của các trường cao hơn, tự lo lắng những điều trước đây Nhà nước phải bao cấp.
Và bản thân TDTU đã hoạt động theo mô hình tự chủ từ nhiều năm nay và đạt được nhiều thành quả rất quan trọng giúp cho TDTU trở thành trường ĐH có tên tuổi. Sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, TDTU đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo đáng trân trọng. Chẳng hạn:
Trường được Green Metric xếp trường hạng 142 trong TOP 750 ĐH phát triển bền vững nhất thế giới; trở thành thành viên Mạng lưới bảo đảm chất lượng giáo dục ASEAN; được QS Châu Á xếp hạng TOP 291-300 trong hơn 500 ĐH tốt nhất Châu Á.
Đặc biệt, năm 2019, nhà trường được bình chọn TOP 25 đại học/cơ sở nghiên cứu hàng đầu khu vực ASEAN theo thống kê của Web of Science (ISI); được tổ chức Time Higher Education THE xếp TOP 200 ĐH có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội nhất thế giới.
Vào tháng 8/2019, TDTU là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được hệ thống xếp hạng ĐH Academic Ranking for World Universities (ARWU) xếp hạng số 1 Việt Nam và thuộc TOP 1.000 ĐH tốt nhất thế giới năm 2019. Trong nước, Trường được Hiệp hội Đại học và Cao đẳng Việt Nam xem là điển hình thành công nhất về tự chủ ĐH.
Điều này cho thấy rằng việc tự chủ đã phát huy giá trị rất tốt ở TDTU. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “TDTU là một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục ĐH và tự chủ ĐH, trong đó có sự đóng góp của Đảng, Nhà nước, chính quyền TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tập thể cán bộ, giáo viên và Ban lãnh đạo nhà trường, trong đó có Hiệu trưởng là rất đáng trân trọng, còn việc xử lý cán bộ thì phải tuân theo các quy định của Đảng, pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức”.
Vấn đề ở chỗ, mối quan hệ giữa Bộ chủ quản và trường ĐH luôn có những cơn sóng ngầm, mà xung đột giữa TDTU và cơ quan chủ quản là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam kéo dài suốt hơn hai năm qua là một ví dụ điển hình.
Nó cho thấy, trao quyền tự chủ cho trường thì phải khẳng định quyền đang nằm trong tay ai và ai là người trao quyền đó? Ai là người nhận quyền đó? Nếu cơ quan chủ quản vẫn khư khư muốn ôm, lúc nào cũng muốn phải xin ý kiến và ban phát cho quyền này, quyền kia thì đó không phải tự chủ.
Nói cách khác, Bộ chủ quản không nên can thiệp sâu vào công việc của các trường ĐH. “Chúng ta cần nhìn nhận bình tĩnh để nhận thấy rằng tự chủ được như TDTU cũng chưa ăn thua gì so với tự chủ ĐH đúng nghĩa…. Chúng ta sẽ ủng hộ việc tự chủ theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp vào hoạt động hành chính, chuyên môn của trường ĐH” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết.
Điều này cũng có nghĩa, TDTU vẫn một mô hình tốt, là điểm sáng của giáo dục ĐH và tự chủ ĐH. Các trường cần phải bỏ bớt đi “cái tôi”, tăng thêm trách nhiệm của bản thân, nỗ lực vì một nền giáo dục Việt Nam phát triển thì mới gỡ được nút thắt của vấn đề tự chủ ĐH.
Có thể bạn quan tâm
"Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý"
15:00, 09/11/2020
“Nguồn” cho tự chủ đại học
11:00, 10/10/2019
Tự chủ đại học: "Cởi trói" cơ chế thì mới có tự chủ thực chất
07:23, 15/11/2018
Gỡ nút thắt “tự chủ đại học”
15:20, 06/11/2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học phải đồng bộ với cơ chế đặt hàng
20:00, 18/07/2018