Tương lai cho tự chủ Đại học ở Việt Nam
Tự chủ Đại học là xu thế tất yếu đối với các trường Đại học. Một nút thắt khá quan trọng cần gỡ trong quá trình tự chủ ĐH đó là tiến tới việc giẩm vai trò của đơn vị chủ quản.
Như đã đề cập ở bài “Tự chủ đại học nhìn từ Đại học Tôn Đức Thắng”, vấn đề tự chủ giáo dục trong đại học (ĐH) Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực khi nhìn từ những điểm sáng của ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội.
Từ chỗ toàn thể hệ thống giáo dục ĐH ở Việt Nam như một trường ĐH lớn, chịu sự quản lý nhà nước chặt chẽ về mọi mặt thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), các trường ĐH đã dần được trao quyền tự chủ, thể hiện qua các văn bản pháp quy của Nhà nước.
Theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ về: Học thuật và hoạt động chuyên môn; tổ chức bộ máy và nhân sự; tài chính và tài sản.
Nhiều chuyên gia đánh giá, dù mới là bước đầu, nhưng tự chủ ĐH đã chứng minh tính đúng đắn và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục ĐH và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH.
Khách quan nhìn nhận, hiện các trường đã thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, nhất là khâu kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào – nguồn tuyển. Việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh của các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay là tất yếu, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi giúp các trường ĐH tiến gần hơn với thị trường lao động việc làm.
Lúc này trường ĐH là đơn vị sự nghiệp nhà nước nhưng hoạt động tương tự của doanh nghiệp. Đào tạo cái gì thì sau này tự quyết định thị trường, còn không đào tạo, đáp ứng theo kịp xu hướng, thị trường của nguồn nhân lực hoặc đào tạo ra nguồn nhân lực yếu kém, không cạnh tranh được với các trường khác thì ngẫu nhiên sẽ bị cơ chế thị trường đào thải.
Bước tiếp theo, các trường ĐH cần tự chủ được hoàn toàn về mặt tài chính, đầu tư, chi thường xuyên, nhân sự… được vậy thì quá tốt. Khi tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm đầu ra thì cũng phải được tự chủ về nhân sự, họ có quyền tuyển nhân sự giảng viên, nhiên viên phục vụ là ai, thậm chí người quản trị, người điều hành.
Tức là, khi đã có chủ trương giao cho một trường ĐH nào đó tự chủ thì phải để nơi đó tự chủ một cách thực sự thì sẽ mang lại hiệu quả. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì: “Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp hành chính vào hoạt động chuyên môn của nhà trường vì tự chủ về mặt chuyên môn, học thuật là hồn cốt của giáo dục ĐH. Giáo dục ĐH không chỉ nơi truyền bá kiến thức mà còn là nơi tạo ra tri thức, muốn vậy họ phải có tự chủ nhất định về nhân lực, bộ máy, tài chính để phục vụ tự chủ về chuyên môn”.
Nhìn rộng ra về vấn đề tự chủ ĐH, các trường ĐH lớn trên thế giới, ngoài kiểm tra thành tích học tập, còn đánh giá cao các hoạt động xã hội, thể thao, đóng góp cộng đồng mà học sinh tham gia. Ngoài ra, học sinh dự tuyển còn phải viết bài luận để tự trình bày suy nghĩ, cảm xúc, thiên hướng của mình.
Đối với sinh viên nước ngoài, thư giới thiệu của một nhà giáo, nhà khoa học có uy tín cũng là một lợi thế chắc suất để các đại học danh tiếng hàng đầu thế giới ở Anh, Mỹ, Pháp, Úc… tiếp nhận và cấp học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh để bảo đảm kéo được họ về trường mình. Việt Nam, tại sao không?
Đẩy mạnh tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu, trong đó, đối với 23 trường ĐH đã thực hiện thí điểm tự chủ, cần một cuộc rà soát tổng thể nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, Hội đồng trường và Hiệu trưởng đã được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục ĐH và các văn bản liên quan, nhưng trên thực tế đã phát huy đến đâu.
Đã có một sự chậm trễ trong quá trình thực hiện thí điểm đó có một phần xuất phát từ cơ chế quản lý. Dường như, xu thế chung là ĐH ở Việt Nam chỉ thích tự trị, chưa sẵn sàng tự chủ. Tự chủ ĐH là giáo dục khai phóng thì muôn vàn khó khăn, lại khó được chấp nhận, không mấy an toàn.
Một nút thắt khá quan trọng cần gỡ trong quá trình tự chủ ĐH đó là tiến tới việc không có vai trò của đơn vị chủ quản. Chủ trương tự chủ tiến tới bỏ bộ chủ quản là một chủ trương đúng đắn. Việc xóa bỏ này sẽ giúp các trường ĐH được tự do trong quản lí, tự chủ tài chính và học thuật.
Bởi vì trường ĐH tự chủ họ đào tạo theo yêu cầu của xã hội. Chỉ riêng một số trường đặc thù như trường của quân đội, công an liên quan đến an ninh - quốc phòng thì vừa thực hiện theo quy định quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT, vừa chịu trách nhiệm về chuyên môn của lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Điều này cũng có nghĩa, chúng ta làm việc này không mang tính chất cào bằng. Và chủ trương bỏ bộ chủ quản không có nghĩa là buông lỏng quản lý mà giao quyền bộ chủ quản đó cho chủ thể khác là Hội đồng trường. Nhưng để tự chủ hoàn toàn thì vai trò của các Hội đồng trường cần được nâng cao hơn nữa, không thể mãi “bù nhìn” như ở nhiều trường hiện nay.
Tuy nhiên, nói gì thì nói, việc thay đổi này cần có thời gian, có quy trình rõ ràng và thực hiện từng bước. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT cần mạnh dạn cởi bỏ vị trí chủ quản của Bộ trong 53 trường ĐH mà Bộ đang trực tiếp là cơ quan chủ quản để làm điển hình cho các cơ quan chủ quản ĐH khác.
Có thể nói, tự chủ ĐH là xu thế tất yếu, cần được ủng hộ theo đúng quy định của pháp luật. Chúng ta phải tạo điều kiện hết sức để các đơn vị tự chủ thể hiện tốt vai trò tự chủ theo Luật đã ban hành. Bộ chủ quản khi đó sẽ trở thành cơ quan giám sát kiểm tra việc thực hiện hành lang pháp lý đó. Nếu trường vi phạm thì sẽ bị xử lý.
Với những gì đang xảy ra, cá nhân tôi cũng tin tưởng, với lộ trình hiện nay, chỉ trong vài năm, các trường sẽ ổn định việc tự chủ. Dẫu vậy, có lẽ chúng ta vẫn đang thiếu một chữ “dũng” để tạo nên tâm thế sẵn sàng cho một nền ĐH tự chủ.
Có thể bạn quan tâm
"Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý"
15:00, 09/11/2020
“Nguồn” cho tự chủ đại học
11:00, 10/10/2019
Tự chủ đại học: "Cởi trói" cơ chế thì mới có tự chủ thực chất
07:23, 15/11/2018
Gỡ nút thắt “tự chủ đại học”
15:20, 06/11/2018
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tự chủ đại học phải đồng bộ với cơ chế đặt hàng
20:00, 18/07/2018