Chuyện mua bằng giả để làm tiến sĩ
Báo chí thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện Việt Nam có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại không có vị trí, chỗ đứng trên bản đồ khoa học quốc tế.
Điều này không khỏi làm cho xã hội hoài nghi về chất lượng của các loại bằng cấp và học hàm, học vị, mất lòng tin vào những giá trị đích thực.
Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an vừa thông báo kết luận điều tra vụ án "Giả mạo trong công tác” tại trường ĐH Đông Đô, đề nghị truy tố các bị can: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Đô; Trần Kim Oanh, nguyên Phó Hiệu trưởng; Lê Ngọc Hà, Phó Hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, Phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy, cán bộ nhà trường, cùng 5 người khác.
Đáng chú ý có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, 1 trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp thi tuyển công chức, 2 trường hợp kê khai vào hồ sơ cán bộ...
Nói về năng lực, trình độ công chức, thông thường được đánh giá dựa trên bốn năng lực cơ bản: Năng lực tư duy; năng lực hành động (khả năng tổ chức thực hiện công việc hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ trong điều kiện thực tiễn phức tạp); năng lực quan hệ, giao tiếp, thuyết phục, lãnh đạo, làm việc với người khác; năng lực học tập, tiếp thu, đổi mới, sáng tạo, phát triển.
Bồi dưỡng kiến thức, nâng cao tay nghề cho công chức là một việc làm cấp thiết hiện nay để duy trì công việc một cách hiệu quả. Tiến sĩ là nghiên cứu, là công bố những đề tài thật sự ích nước, lợi dân, bước đào tạo đó được thực hiện trong các viện nghiên cứu, các trường đại học, các trung tâm giáo dục cao cấp.
Cán bộ công chức ở các ban, ngành là người thực thi công việc một cách cụ thể nhằm phục vụ cho công chúng. Không thể có một quy trình tuyển dụng cán bộ làm việc rồi lại đào tạo cho họ đi học tiến sĩ về để lên lương, đề bạt, làm lãnh đạo. Chưa có nước nào làm như vậy.
Thật ra, 55 vẫn là con số nhỏ so với rất nhiều tiến sĩ ở nước ta kể cả làm tiến sĩ ở nước ngoài về (nhiều người là tiến sĩ giả). Thế mới nói tiến sĩ ở Việt Nam số lượng gấp nhiều lần tiến sĩ ở nhiều quốc gia Đông Nam Á (Thái Lan, Singapore…) nhưng phát minh sáng chế thì thua xa họ.
Chúng ta vẫn không hiểu nổi, tại sao những công chức Việt Nam lại cố tìm cách lấy cho được bằng tiến sĩ (hoặc thạc sĩ nước ngoài) một cách nhanh nhất, ít nghiên cứu nhất, dễ dàng nhất cho dù tốn hàng chục ngàn USD. Phải chăng, chúng ta phấn đấu quá nhiều cho mục tiêu tiến sĩ?
Cách đây không lâu, dư luận đã hoài nghi tính khả thi khi Hà Nội công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ.
Theo đó, 100% cán bộ diện UBND TP quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học.
Thực tiễn và tư duy này phần nào cho thấy, chúng ta quan tâm đến bằng cấp nhưng lại không chú ý đến năng lực làm việc và cống hiến. Nếu xét bằng cấp, chúng ta thừa, thậm chí “lạm phát” trong khi kỹ năng điều hành, hiệu quả quản lý và năng lực của cán bộ lại quá kém.
Điều này được xác nhận bởi trong thời gian gần đây, cán bộ, công chức đua nhau “đi làm” thạc sĩ nhưng trình độ chuyên môn không đạt yêu cầu, công việc đem lại không xứng tầm với bằng cấp đã vinh danh.
Đó là hậu quả của lối đào tạo khoa bảng, hư danh, không thực chất. Đó cũng là bệnh thành tích, thích khoe khoang của những người không có lòng tự trọng.
Đó là, ngoài lỗ hổng về quản lý, mấu chốt còn ở việc sử dụng bằng cấp, sử dụng con người. Người ta sẽ rất muốn trở thành giáo sư, tiến sĩ khi một giờ giảng của tiến sĩ được trả cao hơn một giờ giảng của thạc sĩ và giảng viên thường. Giảng viên là giáo sư được kéo dài thời gian làm việc tối đa là 10 năm..v..v. Chính những người chỉ chạy theo danh xưng giáo sư, tiến sĩ thì cơ chế, đãi ngộ ấy đã đẩy họ vào cuộc chạy đua bất chấp đạo đức và luật pháp.
Tốt nhất cán bộ không đủ chuẩn thì loại, chứ việc gì phải lấy tiền ngân sách cho học nâng cao. Học hành gì toàn đối phó tìm cách cho có được cái bằng. Giáo viên cũng vậy liên thông cho đủ chuẩn cuối cùng vừa dạy vừa học chất lượng ở đâu ra. Trong khi người tốt nghiệp chính quy đầy ra đó không được nhận (tiền đâu chi, quen biết ai).
Có nhiều người cho rằng: “Những kẻ không có đủ tư cách và lòng trung thực ấy mà lại tham gia vào “nghiên cứu khoa học” để trở thành tiến sĩ rồi từng bước leo cao, tiến xa trên con đường quan trường thì thực sự nguy hại cho xã hội”.
Nực cười ở chỗ, cái thứ danh hiệu tiến sĩ, giáo sư… kiểu như vậy lại được rêu rao và vinh danh một các vô tội vạ ở các hội nghị, cuộc họp. Người ta xúm xít vỗ tay tán thưởng trong ảo ảnh, trong hư danh để rồi đề bạt lên một chức vụ cao hơn nữa.
Không biết, những người như thế họ có bao giờ cảm thấy hổ thẹn khi đưa tay nhận lấy tấm bằng chứng nhận về học vấn với một trình độ chưa xứng đáng, không có công trình gì giúp ích gì cho đất nước, lợi cho quốc dân.
Thế nên, trong trương hợp này cần công khai dánh tính những người đã được cấp bằng giả và cần loại bỏ những người này khỏi các chức vụ tương xứng. Đồng thời, đưa vào xử lý hình sự thì mới góp phần ngăn chặn được việc người ta cố tình sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để làm việc, hành nghề.
Còn không thì cứ nhờn mãi mà thôi!
Có thể bạn quan tâm
Bằng giả: Hệ quả của nền giáo dục khoa cử!
06:05, 08/10/2019
Triệt phá 1 tấn bằng giả: Có cầu ắt có cung...
05:00, 04/05/2019
Đầu tư giáo dục: Chặng đua đường dài
11:01, 20/11/2020
Giáo dục đáp ứng nhu cầu xã hội: Hướng tới nhu cầu tương lai
11:00, 20/11/2020
Giáo dục đáp ứng nhu cầu: Chuyện... tư duy FPT
11:30, 20/11/2020
Không thể thỏa hiệp trong lĩnh vực giáo dục
05:00, 12/11/2020