Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sắp kết thúc "sứ mệnh lịch sử" sau 27 năm?

SÔNG HÀN 02/12/2020 03:00

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Nhưng bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là không cần trang bị kiến thức.

Tại buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn (Bình Định) sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 vừa qua Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ đã thông tin về lộ trình bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay đã làm việc với Bộ Nội vụ để thống nhất việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với giáo viên. Dự kiến tháng 12./2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.

T

Thị trường cung cấp dịch vụ, mua bán chứng chỉ hoạt động công khai.

Ngay sau khi thông tin này được phát đi, hầu hết giáo viên bày tỏ sự đồng tình và vui mừng trước thay đổi này. Giáo viên cho rằng, năng lực ngoại ngữ và tin học là cần thiết khi thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy. Nhưng cách quy định như thời gian qua vô hình chung khiến việc bổ túc chứng chỉ mang tình hình thức chứ không có giá trị về nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C ra đời từ năm 1993 (Quyết định số 177/QĐ-TCBT ngày 30.1.1993 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành Chương trình tiếng Anh thực hành A, B, C) dùng để đánh giá trình độ Anh ngữ của người học tiếng Anh tại Việt Nam.

Qua đó, những năm 90-95 của thế kỉ trước, trong các tiêu chí tuyển dụng của các cơ quan ở Việt Nam, ngoài bằng cấp chuyên môn bao giờ cũng kèm theo yêu cầu phải có một chứng chỉ ngoại ngữ Anh, Nga, Pháp tùy cấp độ và chứng chỉ tin học văn phòng.

Sau này, dù có nhiều quy định mới về đánh giá năng lực ngoại ngữ tin học nhưng loại chứng chỉ A, B, C vẫn tồn tại một cách không cần thiết. Những người đi thi lấy loại chứng chỉ A, B, C này đa phần là giáo viên, hoặc đối tượng chuẩn bị thi công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, viên chức.

Một điều đáng lưu ý là trong các kì thi nâng bậc, có quy định rất rõ là những người học trường chuyên ngoại ngữ, hay đã có thời gian học tập ở nước ngoài, những người học chuyên tin học thì thuộc diện được miễn thi ngoại ngữ, tin học. Còn các đối tượng khác thì đều phải thi. Khổ nỗi cả đời không học giờ đi ôn hai ba tuần thì làm sao thi nổi. 

Do yêu cầu khắt khe trong tuyển dụng nên trong xã hội cũng xuất hiện rất nhiều những hiện tượng tiêu cực, các trung tâm ngoại ngữ, tin học vì tiền mà sẵn sàng cấp bằng cho những người không đăng kí học mà vẫn có bằng. Ở các thành phố lớn, các trung tâm ngoại ngữ, tin học mọc lên như nấm. Ngoài những trung tâm trên đội ngũ gia sư cũng phát triển không ngừng.

Việc cấp các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học  A, B, C từ lâu đã bị thả nổi và không đảm bảo chất lượng, không phản ánh được thực chất năng lực người học. Nhiều người không có kiến thức về ngoại ngữ nhưng có thể dễ dàng nhận được chứng chỉ bằng cách... nộp tiền.

Nói thẳng ra, cái sự vô lý rõ ràng tới mức là các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học tồn tại bao nhiêu lâu nay đã hình thành một thị trường ngầm nhưng đầy sôi động: Thị trường cung cấp dịch vụ, mua bán chứng chỉ.

Chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá việc được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên. Bởi trong quá trình đào tạo, các thầy cô đã được học, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau, nên việc tiếp tục bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Nếu đúng như tháng 12/2020 này Bộ Giáo dục có quy định để bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên, thì sau 27 năm tồn tại, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đã hoàn thành "sứ mệnh lịch sử".

Vấn đề ở chỗ, bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không có nghĩa là không cần trang bị kiến thức. Ngược lại, vẫn có những kỳ kiểm tra năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học. Song, nó không còn là cái “gông”, là nỗi khiếp sợ của giáo viên nữa.

Đây có thể được xem là tin vui cho đội ngũ giáo viên, cũng thể hiện sự nỗ lực thực hiện lời hứa “giảm gánh nặng sổ sách, thủ tục hành chính không cần thiết” cho 1,2 triệu giáo viên của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Có thể bạn quan tâm

  • Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Chờ "cam kết" của Bộ trưởng Nhạ!

    05:00, 01/12/2020

  • Bằng, chứng chỉ giả: Một sự phát triển thiếu bền vững!

    11:45, 08/03/2020

  • Hải Phòng: Ai chịu trách nhiệm về những chứng chỉ ngoại ngữ "không phù hợp?

    14:48, 15/10/2018

SÔNG HÀN