Vì một cái Tết không COVID-19

SÔNG HÀN 14/01/2021 05:00

Nếu chúng ta lơ là, thiếu quyết liệt phòng chống dịch thì công sức trong một năm qua của cả hệ thống chính trị sẽ không còn ý nghĩa.

các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam

Một chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam.

“Do xuất hiện chủng mới của virus COVID-19 đang lây lan nhanh ở nhiều nước, vì thế từ nay tới Tết Nguyên đán sẽ hạn chế tối đa các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam”. - Đó là một trong những nội dung trong Công văn của Thủ tướng ‘về việc thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước giai đoạn quý I năm 2021’ mà Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến mới đây.

Bên cạnh đó, trường hợp thực sự cần thiết, từng chuyến bay đón người về phải được các Bộ: Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Công văn của Thủ tướng dĩ nhiên nhận được sự quan tâm lớn của dư luận vì diễn biến của COVID-19 trên phạm vi toàn cầu, cũng như tại châu Á, Đông Nam Á vẫn rất phức tạp. Tới thời điểm hiện tại, thế giới đã ghi nhận hơn 90 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 1,9 triệu người đã tử vong. Mỹ, Ấn Độ, Brazil và các nước châu Âu là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.

Con số người mắc virus SARS-CoV-2 vẫn tăng lên từng ngày, bất chấp một số nước đã triển khai tiêm vaccine đại trà. Đáng lo ngại hơn, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã và đang có dấu hiệu lan rộng, kể từ ngày 14/12 khi nước Anh phát hiện ra biến thể này, với tốc độ lây nhiễm nhanh hơn tới 70% so với trước.

Trong bối cảnh, ca nhiễm mới liên tiếp lập kỷ lục ở nhiều quốc gia trước khi các biến chủng mới được xác định. Khoa học gia trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan cảnh báo thế giới cần thêm thời gian để sản xuất và phân phối vaccine đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. “Chúng ta sẽ không đạt được miễn dịch cộng đồng ở bất cứ mức độ nào trong năm 2021… Cần tiếp tục thực thi các biện pháp giãn cách vật lý, rửa tay và đeo khẩu trang”- bà Swaminathan cảnh báo.

Đang chú ý, thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến một vài người thiếu ý thức nhập cảnh trái phép hoặc đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam đã gây ra những hậu quả khôn lường. Mới đây nhất lại xảy ra câu chuyện một lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) ký giấy hoàn thành thời gian cách ly tập trung cho 89 người, trong đó có một ca dương tính với SARS-CoV-2.

Những hành động đáng trách này nếu không bị phát hiện kịp thời sẽ gây đại họa. Các cơ quan chức năng đã phải truy vết, rà soát những trường hợp liên quan đến các ca dương tính. Rất may những trường hợp tiếp xúc gần bước đầu đều cho kết quả âm tính.

CMệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định quyết tâm chống dịch của Việt Nam: “Chống dịch như chống giặc”.

Việt Nam đã phải nỗ lực rất lớn để có thành quả chống dịch như hôm nay. Ảnh: Quốc Tuấn.

Có lẽ, ai cũng hiểu ngành y tế toàn quốc đã nỗ lực hết sức mình để có thành quả chống dịch hiệu quả, được cả thế giới nhìn nhận. Những “chiến sĩ áo trắng”, nhất là những người trực tiếp phòng chống dịch COVID-19, đã nỗ lực, dấn thân với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Nếu không có sự nỗ lực, hy sinh quên mình của họ, cuộc sống của người dân Việt Nam trong năm qua chắc chắn không được như thế này. Quan trọng hơn, nếu không có họ cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội thì kết thúc năm 2020, Việt Nam không thể có tỉ lệ tăng trưởng GDP đạt 2,91% như Cục Thống kê đã công bố.

Thành quả đó là của toàn xã hội, là mồ hôi, công sức và cả máu của rất nhiều người. Vì vậy, không một ai được quyền hủy hoại nó bằng sự lơ là, vô ý thức trong công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong tình hình hiện nay.

Theo đó, hạn chế tối đa các chuyến bay đưa người nhập cảnh vào Việt Nam - đây là chủ trương cần thiết để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng, đến từ những người nhập cảnh. Mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ một lần nữa khẳng định quyết tâm chống dịch của Việt Nam: “Chống dịch như chống giặc”.

Vì vậy, bất kỳ ai vi phạm công tác phòng chống dịch đều phải bị xử lý thật nghiêm. Đối với những trường hợp đã bị khởi tố, các cơ quan tố tụng cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ điều tra, chuyển hồ sơ sang tòa án, đưa ra xét xử với tinh thần quyết liệt nhất. Song song, cần phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng quy định của Bộ Y tế, ai làm sai người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bởi, nếu chúng ta lơ là, thiếu quyết liệt phòng chống dịch thì công sức trong một năm qua của cả hệ thống chính trị sẽ không còn ý nghĩa. Một quy trình nếu không được thực hiện nghiêm túc sẽ không có ý nghĩa gì cả.

Tất cả hãy vì một cái Tết không COVID-19 và cao hơn là vì sự nghiệp sức khỏe của toàn dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 liều cao nhất

    04:30, 12/01/2021

  • Gọi vốn 97 triệu USD, startup GoBear vẫn phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19

    04:21, 11/01/2021

  • Vắc xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam được tiêm thử nghiệm trên người vào ngày 21/1

    01:04, 07/01/2021

  • Châu Âu, Mỹ và bài học chống dịch COVID-19 từ châu Á

    06:00, 06/01/2021

  • “Bệnh X” – Mối lo mới của thế giới sau COVID-19

    01:00, 05/01/2021

  • Việt Nam đã đàm phán mua 30 triệu liều vắc xin chống COVID-19 từ Anh

    15:27, 04/01/2021

  • Thế giới đang bước vào "trận chiến" chống dịch COVID-19 mới

    14:20, 04/01/2021

  • Bất chấp COVID-19, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam vẫn tăng mạnh

    12:00, 04/01/2021

SÔNG HÀN