VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Việt Nam mở rộng ngoại giao nâng tầm vị thế
Xác định đúng và trúng những điểm đột phá của đối ngoại đa phương trong thời gian tới sẽ tạo sức bật mới cho sự phát triển và vị thế đất nước.
Ngoại giao Việt Nam đang ngày càng chủ động, tích cực hơn, góp phần xử lý tốt nhiều nguy cơ đối với hòa bình, ổn định của đất nước. Từ đó góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định cho phát triển.
Học tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam hiện đại, đối ngoại đa phương đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng. Người nhấn mạnh: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn.”
Lịch sử đấu tranh của dân tộc ta chống các kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần đã hình thành nên nghệ thuật kết hợp giữa ba hình thức đấu tranh: chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong đó, ngoại giao là một mặt trận, là một trong những nội dung cốt lõi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh” và cũng theo quan điểm của Người: “Sau vấn đề phòng thủ, ngoại giao là một vấn đề cần yếu cho một nước độc lập.”
Trên thực tế, đấu tranh ngoại giao khôn khéo có thể tránh được xung đột hay chiến tranh hoặc có thể “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “ngoại giao ai thuận lợi hơn, thì thắng” và “có thể thắng trước kẻ thù xâm lược mạnh hơn ta nhiều lần”.
Trong những năm đầu của cuộc trường kỳ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần gửi thư cho Liên hợp quốc để tranh thủ vai trò của tổ chức quốc tế lớn nhất về ngoại giao đa phương này đối với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân ta.
Đi cùng những thăng trầm của lịch sử đất nước, từ Hội nghị Geneva 1954 đến Hội nghị Paris 1973 cũng như trên nhiều diễn đàn quan trọng khác, đối ngoại đa phương đã góp phần thiết yếu vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ các lợi ích an ninh và phát triển.
Đến hôm nay, quan điểm đó của Đảng và của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn được tiếp nối, với những bước phát triển vượt bậc, tạo nên vị thế mới của Việt Nam trong các diễn đàn đa phương.
Sắc diện mới của ngoại giao Việt Nam
Những biến động phức tạp và đa chiều của tình hình thế giới, khu vực năm 2020 đã và đang tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh, phát triển của nước ta, đặt ra những thách thức, cơ hội đan xen.
Đối ngoại Việt Nam năm 2020 đã vượt qua nhiều thách thức, tranh thủ, tạo ra và tận dụng tốt những cơ hội hợp tác mới, góp phần cùng cả nước khắc phục khó khăn và tiếp tục vươn lên trên con đường phát triển.
Những năm qua, các hoạt động đối ngoại đa phương Việt Nam được đổi mới rõ nét với việc mở rộng và đi vào chiều sâu ở tất cả các kênh đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Có thể nói, quan hệ hợp tác của Việt Nam với các nước, nhất là đối với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng tiếp tục được củng cố, thúc đẩy. Việt Nam tham gia ngày càng tích cực và chủ động vào những lĩnh vực mà trước đây bị coi là nhạy cảm như an ninh quốc phòng, dân chủ nhân quyền… Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc hay các cơ chế đa phương của khu vực và thế giới đã nâng tầm uy tín và vị thế đất nước.
Minh chứng rõ ràng đó là: Năm qua đã chứng kiến quan hệ Việt Nam-New zealand được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược, qua đó nâng mạng lưới đối tác chiến lược lên 17 quốc gia, cùng với 13 đối tác toàn diện.
Thực hiện hiệu quả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) với Liên minh châu Âu, thúc đẩy ký FTA với Anh và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, góp phần quan trọng để Việt Nam duy trì tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Cũng trong năm 2020 để lại dấu ấn đặc biệt quan trọng trong đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương Việt Nam, chủ động, tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nhất là ta đã đảm nhiệm thành công cùng lúc nhiều trọng trách quốc tế: Chủ tịch ASEAN 2020 và AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm đầu của nhiệm kỳ 2020-2021.
Việt Nam đã chủ động dẫn dắt, điều phối ASEAN vượt qua nhiều thách thức, ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19; linh hoạt tổ chức trực tuyến thành công nhiều hội nghị, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 và 37 cùng các hội nghị với các đối tác đối thoại chủ chốt;
Thúc đẩy thông qua nhiều văn kiện, trong đó có trên 80 văn kiện tại các Hội nghị Cấp cao, trong tất cả các lĩnh vực quan trọng, nhất là xây dựng Cộng đồng và định hướng xây dựng tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các đối tác, phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển, thượng tôn pháp luật ở khu vực. ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm ở khu vực, được các nước coi trọng.
Chúng ta đã đảm nhận tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay trong tháng đầu tiên của nhiệm kỳ (tháng 1/2020). Thể hiện hình ảnh một Việt Nam trách nhiệm, đề cao luật pháp quốc tế, nỗ lực xây dựng đồng thuận, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột…
Việt Nam cũng đã phát huy tinh thần đoàn kết và hợp tác quốc tế, hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế, tài chính cho 51 quốc gia và tổ chức quốc tế ứng phó với đại dịch COVID-19. Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân Việt Nam đã được triển khai kịp thời; hỗ trợ hiệu quả kiều bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, Việt Nam đã triển khai công tác bảo hộ công dân trên phạm vi rộng chưa từng có, tổ chức hơn 280 chuyến bay, đưa gần 80.000 công dân từ hơn 59 quốc gia/vùng lãnh thổ về nước an toàn; đồng thời tiếp tục tiến hành công tác bảo hộ đối với ngư dân và tàu cá của ta ở nước ngoài..v..v.
Có thể nói, ngoại giao đa phương đang và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng, cùng với ngoại giao song phương, đối ngoại nhân dân, đối ngoại của Đảng, Quốc hội trở thành mặt trận nhiều binh chủng để bảo vệ lợi ích đất nước, nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong quá trình hội nhập toàn diện
Và chúng ta đã và đang hình thành một thế hệ cán bộ ngoại giao đa phương trẻ, năng động, được đào tạo bài bản về chuyên môn, giỏi về ngoại ngữ, trung thành với Đảng, với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2021-2030, tạo nền tảng để thực hiện khát vọng phát triển, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam..
Việt Nam đang thực hiện như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: “Muốn người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”. “Ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dẫu kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy.”
Có thể bạn quan tâm
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: KHÁT VỌNG BAY LÊN!
06:06, 11/02/2021
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Xuân mới nghĩ về những kì tích của Việt Nam 2020
11:00, 10/02/2021
Việt Nam hùng cường nhìn từ câu chuyện dập dịch COVID-19
05:00, 01/01/2021
Chung tay xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường
05:00, 12/10/2020
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: "Đại bàng ngoại" và "chim sẻ Việt"
14:36, 29/06/2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Báo chí lan toả và nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam hùng cường
12:30, 13/06/2020
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: “Kiềng ba chân” đặc biệt
11:00, 29/05/2020
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Đổi Mới 2.0
05:50, 26/05/2020
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân
11:00, 18/05/2020
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Khám phá Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và tương lai
05:00, 17/05/2020