Xu thế đa phương sẽ trở lại?

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 16/02/2021 06:00

Trong hơn 4 năm qua, xu thế đa phương hóa gần như đã bị phá vỡ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thi triển chiến lược “Nước Mỹ là trên hết”.

Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức trưa 20/1/2021 theo giờ Washington D.C. Ảnh: CNN

Tổng thống thứ 46 của Mỹ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức trưa 20/1/2021 theo giờ Washington D.C. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, xu thế đa phương được kỳ vọng sẽ quay trở lại dưới thời Tổng thống Mỹ Biden khi đại diện đảng Dân chủ lên nắm quyền, thường có chủ trương ủng hộ xu thế này.

Chính sách gây tranh cãi

Vì sao ông Trump thích làm chuyện ngược đời? Hẳn phải có nguyên nhân, dĩ nhiên khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” là món ăn tinh thần điểm trúng thị hiếu của người Mỹ cách đây 4 năm. Khi đó, giới cấp tiến tại phố Wall nhận thấy nguy cơ bị thôn tính bởi các công ty đến từ Châu Á, quyền lực Mỹ rơi vãi dưới thời ông B. Obama.

Để đưa nước Mỹ trở lại và trên hết, chính quyền Trump đã chọn thái độ “kênh kiệu, sang chảnh”, một mặt chấm dứt cái mà ông Trump gọi là “nước Mỹ bị lợi dụng”; mặt khác đó cũng là phép thử để phần còn lại thấy “sự quan trọng của nước Mỹ”.

Ông Trump đi vào lịch sử là Tổng thống không phát động chiến tranh súng đạn, nhưng trái lại có hàng trăm cuộc chiến tâm lý, thương mại, ngoại giao đã bùng phát khắp nơi. Đơn cử như trong cuộc chiến thương mại, Mỹ muốn Trung Quốc phải “thay đổi”, chơi theo luật do mình đặt ra. Nhưng Trump đã nhầm vì Bắc Kinh đã dày dặn hơn những gì Mỹ cảm thấy. Hay như vấn đề Triều Tiên, Nhà trắng cố gắng quyến rũ Bình Nhưỡng bằng kinh tế, song điều mà ông Kim Jong-un cần hoàn toàn rất chính trị.

Tất cả những điều nói trên đã lái toàn cầu theo xu hướng đơn phương hóa, khiến vai trò của các tổ chức quốc tế giảm đi rõ rệt.

Sản xuất vaccine COVID-19 là vấn đề toàn cầu, chứ không phải của riêng quốc gia nào.

Sản xuất vaccine COVID-19 là vấn đề toàn cầu, chứ không phải của riêng quốc gia nào.

Quay lại quỹ đạo cũ?

Nhiều chuyên gia kỳ vọng ít ra trong 4 năm tới, thế giới sẽ có thời gian để nối lại các mối quan hệ rường cột, đây không phải là mong muốn của riêng ai, mà là xu thế tất yếu - muốn đạt được hai mục đích sau đây thì phải “toàn cầu hóa”.

Thứ nhất là nhiệm vụ đẩy lùi đại dịch COVID-19. Có một sự kiện có thể được lấy làm hình ảnh đại diện, đó là vắc-xin COVID-19 của công ty Pfizer đến từ Đức và BiONTech từ Mỹ. Thành tựu này là kết quả điển hình của toàn cầu hóa - sự kết hợp giữa trí tuệ người Do Thái, công nghệ Đức và nguồn tài chính dồi dào của Mỹ. Trong khi vô số vấn đề toàn cầu khác cũng đều phải được giải quyết bằng công thức này.

Thứ hai, năm 2021, phục hồi kinh tế chắc chắn sẽ là chương trình nghị sự chủ đạo của tất cả các quốc gia khắp năm châu. Nhiều thập kỷ nay, hàng trăm nền kinh tế đã quen với hợp tác, tương trợ nhau để phục hồi, chứ không thể “một mình một ngựa”.

Trung Quốc sẽ trở lại vai trò công xưởng thế giới, sản xuất mọi thứ, nhưng không phải vì thế mà họ không cần đối tác, nếu không - sản xuất bán cho ai? Lấy nguyên liệu thô ở đâu để sản xuất? Đổi lại, các quốc gia vẫn rất cần Trung Quốc để tìm nguồn nguyên liệu, thiết bị, thị trường xuất khẩu… Điều này sẽ góp phần nối lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi đó, tất cả sẽ trở lại quỹ đạo cũ và đơn phương hóa tự nhiên sẽ mất đi.

Cuối cùng, chính người Mỹ đã không muốn đơn phương hóa khi không chọn D. Trump cho nhiệm kỳ tiếp theo. Sự lên ngôi của đảng Dân chủ đang cho thấy hình ảnh một “Obama phiên bản 2” luôn ủng hộ đa phương hóa.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã truyền đi thông điệp khủng hoảng ở nền dân chủ điển hình nhất thế giới. Nước Mỹ đang “cựa quậy” đổi thay từ bên trong, hẳn nhiên sẽ có tác động rất lớn đến xu hướng toàn cầu trong những năm tới.

TRƯƠNG KHẮC TRÀ