“Nước Mỹ trên hết” sẽ vào dĩ vãng
Ông Joe Biden đã chính thức được Quốc hội Mỹ công nhận là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ.
Dưới thời Biden, nhiều người kỳ vọng kỷ nguyên “nước Mỹ trên hết” sẽ thực sự đi vào dĩ vãng, giúp xu thế toàn cầu hóa quay trở lại.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, làm đảo lộn đời sống kinh tế, chính trị và xã hội của nước Mỹ. Đây là thách thức vô cùng lớn đối với ông Biden khi lên nắm quyền Tổng thống Mỹ.
Chao đảo vì dịch bệnh
Đại dịch COVID-19 đã khiến mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội ở Mỹ đều bị đảo lộn, khiến nền kinh tế “lao dốc” mạnh, các doanh nghiệp mạnh tay sa thải nhân viên, có tuần số lượng người mất việc lên đến 1,87 triệu người trên khắp nước Mỹ, cao điểm nhất là khoảng tháng 6/2020, có tới 42 triệu người thất nghiệp… Những bất lợi này đã khiến tăng trưởng GDP của Mỹ giảm 30% trong quý II/2020 và được xem là nghiêm trọng nhất kể từ suy thoái năm 2008.
Tính đến nay, nước Mỹ dẫn đầu thế giới về tổn thất với 20 triệu ca nhiễm và khoảng 400.000 người chết vì COVID-19. Có những ngày trên 300.000 ca nhiễm với 4.000 người chết. Hãy hình dung, vụ khủng bố 11/9/2011 vào Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York làm gần 3.000 nạn nhân thiệt mạng, gây chấn động nước Mỹ và thế giới, thì giờ đây con số thiệt mạng do dịch bệnh COVID-19 khủng khiếp đến mức độ nào.
Nền kinh tế Mỹ xuống dốc mỗi ngày, các đại doanh nghiệp trong rất nhiều lĩnh vực cho thuê xe như Hertz Car rental…, hệ thống Đại siêu thị thời trang, tiêu dùng như C21, Macys… lần lượt phá sản hoặc thu hẹp hoạt động. Toàn bộ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực du lịch, khách sạn, vận chuyển đều trong tình thế cực kỳ bi đát.
Đối với cộng đồng người Việt Nam, phần lớn những người đến Mỹ sau năm 1975 được coi là thế hệ thứ nhất do các rào cản về ngôn ngữ, bằng cấp nên lao động trong các lĩnh vực dịch vụ như làm móng, làm tóc, dịch vụ ăn uống, sửa chữa, xây dựng… Do đó, họ bị tổn thương nhiều nhất do suy thoái kinh tế. Đối với thế hệ thứ hai sinh ra tại Mỹ, và những người đến Mỹ sau này do đáp ứng được các yêu cầu của nhà tuyển dụng thì phần lớn họ vẫn giữ được công việc và không bị tác động nhiều do suy thoái.
Bức tranh toàn cảnh đó khiến mâu thuẫn xã hội Mỹ từ đảng phái, tầng lớp xã hội, màu da ngày càng gay gắt, tác động mạnh đến nền chính trị Mỹ. Cuộc bầu cử Mỹ 2020 diễn ra trong sự tương phản gay gắt giữa các chính sách đối nội và đối ngoại. Đỉnh điểm của việc Trump khuyến khích người ủng hộ ngăn cản xác nhận kết quả bầu cử vào ngày 6/1/2021 đã dẫn đến cuộc bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Sự kiện này sẽ đi vào lịch sử Hoa Kỳ như một vết nhơ không thể xóa bỏ.
Nhen nhóm kỳ vọng mới
Ngày 20/1/2021, Tổng thống đắc cử J.Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. Để đẩy mạnh việc kiểm soát bệnh dịch, cho dù đã có vaccine Pfize, Moderna cũng như một số vaccine khác có thể được chấp thuận thì việc khống chế dịch nhanh nhất cũng phải tới cuối năm 2021 mới hy vọng trở thành hiện thực. Điều đó có nghĩa đến lúc đó, nền kinh tế Mỹ mới đủ điều kiện để mở cửa trở lại.
Mặt khác, hàn gắn một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc, tổn thương nặng nề, vì suy thoái kinh tế không hề đơn giản trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, phần lớn người Mỹ ngày nay vẫn đặt niềm tin và hy vọng vào chính quyền mới về cách thức mạnh mẽ mà họ cam kết trong việc xử lý đại dịch COVID- 19, về sự hòa giải các xung đột xã hội, phát triển kinh tế. Thế giới cũng mong nước Mỹ sẽ quay trở lại các hiệp định quan trọng trong mọi lĩnh vực từ khí hậu, hạt nhân đến kinh tế theo xu hướng hợp tác toàn cầu hóa. Theo đó, kỷ nguyên “nước Mỹ trên hết” với việc rời bỏ sự hợp tác trên mọi lĩnh vực sẽ thực sự đi vào dĩ vãng. Nếu đúng như vậy, đây sẽ thực sự là một tin tốt cho thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng.