COVID-19: Hãy sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội
Một cô giáo khai báo y tế gian dối, một công dân trốn khai báo y tế tại Hải Phòng… Chuyện sẽ chẳng có gì nếu họ không trở về từ vùng dịch.
Những ngày cận Tết 2021, một cô giáo H.T.T. công tác tại trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng xin phép về quê ở Hải Dương ăn Tết nhưng hiệu trưởng không đồng ý. Trong lúc dịch bệnh đang phức tạp, bỏ mặc lời khuyên ngăn, cô vẫn quyết tâm về quê ăn Tết. Để rồi khi trở lại Hải Phòng, cô khai báo gian dối với chính quyền địa phương rằng mình đến Hà Nội.
Tuy nhiên, lịch trình trên thực tế không phải vậy. Chiều 9/2, cô T. bắt xe buýt đến ga Dụ Nghĩa, huyện An Dương, TP Hải Phòng và được chồng đón bằng xe riêng về xóm Nam, thôn Song Đông, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đến ngày 15/2, sau khi ăn Tết ở Hải Dương, cô trở về nhà, khai báo với tổ dân phố và phường An Dương nơi cô sinh sống là đến KĐT Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội và về trong ngày.
Ngày 18/2, sau khi phát hiện sự việc, trường THPT Trần Nguyên Hãn đã báo cáo lên các cơ quan chức năng; chính quyền địa phương đã lập tức đưa cô T. đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Sự việc đã khiến người dân và dư luận vô cùng bất bình vì cách cư xử khó hiểu này của người thuộc tầng lớp trí thức trong xã hội.
Trước đó một ngày, TP Hải Phòng cũng phát hiện trường hợp anh P.H.P, sinh 1987, ở tổ dân phố 16, phường Thành Tô về việc không khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch. Cụ thể, ngày 8/2, anh P. một mình về nhà bố mẹ đẻ ở đội 8, thôn Phượng Đồng, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương ăn Tết. Khi trở về gia đình tại phường Thành Tô vào chiều ngày 15/2, anh P. đã không thực hiện khai báo y tế theo quy định mặc dù ở vùng dịch trở về. Anh P. đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 20 triệu đồng và phải đi cách ly y tế tập trung vào chiều 18/2.
Dịch COVID-19 tại Việt Nam đang có những diễn biến mới, phức tạp và gây rất nhiều khó khăn cho các ngành chức năng trong công tác phòng, chống dịch. Tại Hải Phòng, để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng, các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ của Hải Phòng hoạt động 24/24. Cán bộ ngành y tế cũng không quản khó khăn, xuyên đêm rà soát, truy vết và lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm sàng lọc virus cho người dân đi về từ vùng dịch hoặc các trường hợp nghi nhiễm. Thậm chí, những ngày lễ Tết, họ cũng gác lại công việc cá nhân của mình để cùng cả nước chống dịch.
Trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch, việc khai báo y tế sẽ phần nào giúp lực lượng chức năng có thể kiểm soát, phát hiện, và kịp thời khoanh vùng những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Thế nhưng, bỏ mặc những nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ ấy, vẫn còn không ít cá nhân như kể trên vô trách nhiệm với cộng đồng, khiến cho cả hệ thống chính trị và người dân phải lo lắng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã từng kêu gọi người dân ở vùng có dịch thực hiện thật tốt các quy định phòng chống dịch, đồng thời sử dụng tối đa các công cụ truyền thông xã hội để cung cấp thông tin cho Tổ Thông tin, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 về tất cả những người đã tiếp xúc, và kêu gọi những người này dù đang ở đâu cũng cần chủ động khai báo, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việc này không chỉ để bảo vệ bản thân mà còn vì sự an bình của cả đất nước". Tuyên truyền, vận động rộng rãi là thế nhưng đâu đó ngoài kia vẫn còn những khoảng trống cần sự tự giác và trung thực của từng cá nhân.
Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, dịch lần này là đợt dịch tương đối phức tạp vì cùng là virus biến đổi, tốc độ lây nhanh hơn 70%. Đặc điểm dịch tễ học lần này là dịch trong khu công nghiệp; số mắc cao, trung bình 20 ca mắc mới/ngày… Đúng vậy, đợt dịch lần này khá phức tạp. Đặc biệt, tại Hải Dương, virus được phát hiện có sự khác biệt rất lớn so với Đà Nẵng, Quảng Ninh. Đó là chủng virus biến thể của Anh và có đến 80% người nhiễm không có triệu chứng điển hình, nhất là những người trẻ. Dịch bệnh lại khởi phát trong doanh nghiệp có đông công nhân, đã bị ủ bệnh từ trước và không phát hiện ra nên để khống chế được dịch không thể ngày một ngày hai.
Chống dịch COVID-19 là một cuộc chiến đấu trường kỳ. Vậy mà, trong cuộc chiến chống “giặc” COVID-19 ấy vẫn còn tồn tại một số trường hợp trở về từ vùng dịch nhưng không chịu khai báo y tế. Người trốn khai báo y tế thường có nhiều nguyên nhân. Có thể họ ngại và chủ quan với sức khỏe của mình. Hoặc cũng có thể họ sợ vào khu cách ly trong điều kiện thiếu thốn, không đủ điều kiện chăm sóc, sinh hoạt và sợ bị kỳ thị. Nhưng dù vì lý do gì đi chăng nữa thì cách hành xử của họ lại đang làm hại đến bản thân, gia đình và xã hội.
Trốn khai báo y tế chính là vô trách nhiệm với cộng đồng. Chính vì vậy, để tránh tình trạng trốn khai báo y tế lặp lại, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn nữa để những cá nhân, tập thể có khả năng lây nhiễm COVID-19 chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Nhận thức của mỗi người chính là "tấm khiên" vững chắc để bảo vệ bản thân và xã hội; để cùng nhau đẩy lùi được dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Không khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, một người dân bị phạt 20 triệu đồng
19:59, 18/02/2021
Xe chở hàng từ Hải Dương được vào Hải Phòng nếu đủ điều kiện phòng dịch
13:46, 18/02/2021
Hải Phòng: Thu hút đầu tư vượt thách thức cùng COVID-19
00:56, 18/02/2021
Hải Phòng: Công dân Hải Dương cố tình về Hải Phòng phải chịu chi phí cách ly
00:00, 17/02/2021
Hải Phòng: Tổ chức xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng
00:00, 16/02/2021