COVID-19: Giải cứu nông sản, chuyện dễ mà khó

HẢI NGÂN 21/02/2021 05:05

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, lệnh giãn cách xã hội cũng được thực hiện nhiều địa phương. Điều này vô tình khiến người nông dân bất ngờ rơi vào cảnh lao đao khi hàng hóa ế ẩm, mất giá.

Nhiều địa phương như Hải Dương, Hải Phòng đang gặp khó trong vấn đề tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điển hình như huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng hiện còn khoảng 10 ha bắp cải có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp Hải Dương đang được người dân các xã như Thắng Thủy,Hiệp Hòa, Hùng Tiến đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường Hải Phòng. Còn lại 15 ha bắp cải, su hào có hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp tỉnh Hải Dương đang chuẩn bị cho thu hoạch cũng đang điêu đứng do kênh tiêu thụ bị thu hẹp.

Tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng, năm 2020 là năm đầu tiên nhiều hộ dân xã Cấp Tiến ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm bắp cải với HTX nông nghiệp Thành Công (tỉnh Hải Dương) với diện tích trồng 3 ha. Thế nhưng dịch COVID-19 bùng phát tại tỉnh Hải Dương đã khiến giấc mơ làm giàu của nhiều người dân tạm dừng lại. Sản phẩm họ phải đổ mồ hôi, ngày đêm chăm bẵm giờ đây không thể thu hoạch và phải chờ diễn biến của dịch bệnh để đơn vị thu mua tới tiêu thụ. Không chỉ lượng lớn bắp cải bị “tắc”, xã Cấp Tiến cũng lo ngại 8 ha khoai tây ký bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp Hải Dương sắp cho thu hoạch sẽ gặp khó khăn khi tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. 

Nhiều tổ chức đoàn thể tại Hải Dương tích cực vào cuộc để giúp người nông dân thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm

Nhiều tổ chức đoàn thể tại Hải Dương tích cực vào cuộc để giúp người nông dân thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm

Lo ngại trước diễn biến dịch COVID-19, thời gian qua một số địa phương đã không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải ở các chốt giáp ranh; hoặc nếu có đi qua thì các xe phải đảm bảo đầy đủ điều kiện về phòng, chống dịch. Khó khăn trong vận chuyển nên nhiều doanh nghiệp đã không về vùng nguyên liệu để thu mua nông sản, thậm chí cả những doanh nghiệp đã bao tiêu từ đầu vụ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, địa phương này hiện còn hơn 30.000 tấn cà rốt và 5.500 tấn rau đến kỳ thu hoạch... Ngoài ra còn khoảng 10.000 tấn cà rốt và 3.000 tấn rau đang bảo quản trong kho mát; 1.000 tấn heo sữa, rau chế biến bảo quản trong kho cấp đông cùng nhiều mặt hàng khác cũng đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Trong số hàng chục ngàn tấn nông sản đang bị ùn ứ sau thu hoạch tại Hải Dương, có hàng ngàn tấn đang nằm trong kho lạnh chờ xuất khẩu qua cảng Hải Phòng, trong khi các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp nước ngoài, lịch tàu biển cũng đã được đặt trước.

Để giải bài toán "giải cứu nông sản", Chính phủ, Bộ Công Thương và các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để tìm đầu ra cho nông sản. Người dân thì chấp nhận bán hàng không công, giá rẻ, chỉ cần thu hồi vốn. Cụ thể, bắp cải và súp lơ có giá dao động chỉ từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Cà chua được người dân bán với giá khoảng 1.000 đồng/kg. Ngoài ra còn lượng lớn hành, tỏi, ngô và các sản phẩm nông sản khác cũng bị tồn đọng gây thiệt hại lớn cho người nông dân.

Đoàn viên thanh niên huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân

Đoàn viên thanh niên huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng hỗ trợ tiêu thụ nông sản của nông dân

Tại nhiều cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép". Đó là vừa quyết liệt phòng chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng đã và đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi để hỗ trợ người dân.

Nằm trong vùng tâm dịch, Hải Dương phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hàng hóa nông sản cứ ngày một ùn ứ. Tỉnh Hải Dương đã đề nghị Bộ Công Thương, UBND TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh có cửa khẩu quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan cho phép phương tiện, tài xế chở hàng hóa từ Hải Dương đi lại để kịp thời tiêu thụ, thông quan xuất khẩu. Ông Phạm Xuân Thăng – Bí thư tỉnh ủy Hải Dương tâm sự, Hải Dương đã và đang quyết liệt với nhiều giải pháp kiểm soát chặt chẽ COVID-19. Tại các chốt kiểm soát, tỉnh yêu cầu tất cả lái xe, phụ xe phải làm xét nghiệm và phải có kết quả âm tính mới được ra vào. Vì thế, tỉnh Hải Dương cũng mong muốn các địa phương khác hỗ trợ Hải Dương trong cuộc chiến chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất, phát triển kinh tế.

Bên cạnh những giải pháp tháo gỡ từ cơ quan chức năng, nhiều tổ chức đoàn thể cũng tích cực vào cuộc để giúp người nông dân thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm nội tỉnh. Nhiều công ty và hệ thống siêu thị như: công ty Central Group và hệ thống BigC đã tích cực thu mua, tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân để phân phối trong hệ thống bán lẻ. Hệ thống MM Mega Market cũng đề nghị phối hợp với Hải Dương trong việc phối hợp với các hộ sản xuất, kinh doanh và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh để thu mua, vận chuyển đưa mặt hàng nông sản từ tỉnh Hải Dương đến người tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố khác.

Còn tại Hải Phòng, hội nông dân TP Hải Phòng đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân quan tâm hỗ trợ tiêu thụ giúp hàng loạt nông sản của người dân trên địa bàn bị ứ đọng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các địa phương cũng tích cực giúp đỡ người dân giảm bớt gánh nặng đầu ra như: Huyện Tiên Lãng đã kêu gọi người dân “giải cứu” hơn 60 tấn bắp cải cho bà con nông dân, đồng thời đang tìm hướng giải quyết hàng chục ha khoai tây có bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp tỉnh Hải Dương; huyện đoàn Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng đã tổ chức bán sản phẩm bắp cải tiêu thụ giúp người dân tại các điểm bán của thanh niên tình nguyện trên địa bàn…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận định: "Dịch COVID-19 được dự đoán không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm cũng như hết năm 2021". Vì vậy, câu chuyện “giải cứu nông sản” mùa dịch COVID-19 như các địa phương đang làm hiện nay chỉ được coi là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, các tỉnh, thành phố cần bám sát lịch mùa vụ, tình hình diễn biến thời thiết và dịch bệnh để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp; rà soát, chuyển đổi cơ cấu chủng loại, giống cây trồng theo hướng khai thác, phát huy tốt lợi thế điều kiện tự nhiên của địa phương, bảo đảm nguyên liệu đáp ứng hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi đại dịch được kiểm soát… Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng hóa…

Có thể bạn quan tâm

  • Hải Phòng: Không khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, một người dân bị phạt 20 triệu đồng

    Hải Phòng: Không khai báo y tế khi trở về từ vùng dịch, một người dân bị phạt 20 triệu đồng

    19:59, 18/02/2021

  • COVID-19: Hãy sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội

    COVID-19: Hãy sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội

    04:55, 20/02/2021

  • CẢM XÚC XUÂN: Mạn đàm về khu di tích ba không Bạch Đằng Giang

    CẢM XÚC XUÂN: Mạn đàm về khu di tích ba không Bạch Đằng Giang

    10:16, 16/02/2021

  • Xe chở hàng từ Hải Dương được vào Hải Phòng nếu đủ điều kiện phòng dịch

    Xe chở hàng từ Hải Dương được vào Hải Phòng nếu đủ điều kiện phòng dịch

    13:46, 18/02/2021

  • Hải Phòng: Thu hút đầu tư vượt thách thức cùng COVID-19

    Hải Phòng: Thu hút đầu tư vượt thách thức cùng COVID-19

    00:56, 18/02/2021

  • Hải Phòng: Công dân Hải Dương cố tình về Hải Phòng phải chịu chi phí cách ly

    Hải Phòng: Công dân Hải Dương cố tình về Hải Phòng phải chịu chi phí cách ly

    00:00, 17/02/2021

HẢI NGÂN