“Qủa bom hẹn giờ” trên Biển Đông
Ngôn ngữ của Luật Hải cảnh ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc.
Đó là một trong những quan ngại của Bộ Ngoại giao Mỹ trong cuộc họp báo diễn ra ngày 19/2 vừa qua về Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có thể làm leo thang tranh chấp hàng hải và được Bắc Kinh kích hoạt nhằm thúc đẩy yêu sách phi pháp ở Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 22/1/2021 đã ký lệnh ban hành Luật Hải cảnh cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài, sau khi dự luật này được Quốc hội nước này thông qua.
Theo Luật Hải cảnh được Trung Quốc thì Hải cảnh có quyền áp dụng tất cả biện pháp cần thiết, gồm sử dụng vũ khí, khi cái gọi là chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc bị các cá nhân và tổ chức nước ngoài xâm phạm phi pháp hoặc đối diện mối nguy cấp bách bị xâm phạm phi pháp.
Liên quan đến vấn đề này, Mỹ - quốc gia được coi là đối trọng lớn nhất nhất của Trung Quốc trên Biển Đông đã tiếp tục lên tiếng chỉ trích những hoạt động phi pháp của nước này trên Biển Đông vì hành động của Trung Quốc gây lo ngại cho các quốc gia cùng khu vực Biển Đông và ảnh hưởng xấu đến an ninh khu vực.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong cuộc họp báo ngày 19/2, ông nói: “Ngôn ngữ của luật ngụ ý mạnh mẽ rằng luật này có thể được sử dụng để đe dọa các nước láng giềng của Trung Quốc… Chúng tôi còn lo ngại rằng Trung Quốc có thể viện dẫn luật mới này để khẳng định các yêu sách hàng hải phi pháp ở Biển Đông, vốn đã bị phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016 bác bỏ”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ lên tiếng phản đối những hoạt động xây dựng đường băng quân sự và lập căn cứ trái phép trên quần đảo Hoàng Sa… Chẳng hạn: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ho đã nhiều lần khẳng định yêu sách của Trung Quốc là phi pháp và hi vọng chúng ta (chỉ các nước trong khu vực) sẽ hợp tác cùng nhau theo những cách thức mới để đảm bảo an ninh hàng hải, bảo vệ một trong số các tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới.
Đáng chú ý, gần đây, hôm 5/2, Hải quân Mỹ thách thức các yêu sách về chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain đi qua quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Đây là lần đầu tiên tàu chiến Mỹ dưới thời Tổng thống Biden “chạm trán” với lực lượng Trung Quốc gần Hoàng Sa..v..v.
Bên cạnh đó, nhiều nước cũng lên tiếng phản đối. Chủ tịch Hiệp hội ngư dân Philippines Fernando Hicap khẳng định luật trên “trái với nguyên tắc của tự do hàng hải đã được luật pháp quốc tế công nhận”. Trong một thông báo, ông Hicap còn cảnh báo Luật Hải cảnh “gần như là tuyên bố chiến tranh chống lại những quốc gia là bên tranh chấp hợp pháp đối với vùng biển Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền”.
Trong một diễn biến khác, Pháp điều hai tàu chiến đến Biển Đông, động thái nhằm củng cố lập trường phản đối các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc và gia tăng sự hiện diện ở khu vực.
Theo tờ South China Morning Post, Hải quân Pháp hôm 19/2 thông báo tàu đổ bộ tấn công Tonnere và tàu khu trục Surcouf đã rời cảng Toulon và đang trên đường tới Thái Bình Dương. Các tàu chiến của Pháp sẽ đi vào Biển Đông hai lần và tham gia cuộc tập trận với quân đội Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5 tới.
Hoặc, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi cho biết nước này sẽ giám sát chặt chẽ các hoạt động của Trung Quốc, đồng thời cho biết Nhật Bản đã liên tục gửi công hàm phản đối các hoạt động của lực lượng hải cảnh Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Thực tế cho thấy, Trung Quốc là nước có lực lượng hải cảnh mạnh nhất khu vực và hoạt động tích cực ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Từ trước khi ra luật Hải cảnh, Bắc Kinh đã rất thường xuyên cho tàu hải cảnh rượt đuổi thậm chí đánh chìm tàu cá các nước khác trong vùng biển tranh chấp.
Và Luật Hải cảnh có hiệu lực mới này được ví là công cụ “hỗ trợ” đắc lực nhất, là “thứ thay đổi cuộc chơi” vì nó biến lực lượng “trắng” phụ trách tuần tra, tìm kiếm và cứu hộ thành cánh “tay xám” mang tính đe dọa của quân đội.
Như lẽ đương nhiên, động thái mới nhất của Trung Quốc cũng có thể thúc đẩy các quốc gia khác tăng cường hiện diện quân sự của họ ở các vùng biển tranh chấp và thực tế những gì đang diễn ra trên Biển Đông, biển Hoa Đông đã minh chứng cho điều đó.
Tuy vậy, đúng như nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, việc Trung Quốc sở hữu lực lượng hải cảnh lớn nhất thế giới sẽ là quả bom hẹn giờ có thể nổ bất kỳ lúc nào. Điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc có thể khơi mào chiến tranh với bất kỳ nước nào đe dọa lợi ích hàng hải của họ.
Có thể bạn quan tâm
Mỹ nói gì về Luật Hải cảnh của Trung Quốc?
16:03, 20/02/2021
Trung Quốc ban hành Luật Hải cảnh: Các quốc gia ASEAN cần làm gì?
05:00, 31/01/2021
Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc "thách thức" ASEAN và Mỹ
12:00, 30/01/2021
Ban hành Luật Hải cảnh: Trung Quốc tự “phá huỷ niềm tin” của các nước trong khu vực
09:00, 30/01/2021