Vì sao nên bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên?

THANH BÌNH 01/03/2021 06:50

Đang có tình trạng giáo viên ít lo về công tác giảng dạy mà phải lo và đau đầu vì mấy cái chứng chỉ không cần thiết.

Ngoài một số chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, giáo viên muốn thăng hạng phải có thêm chứng chỉ như này -( Ảnh minh họa: LÂM THIÊN)

Giáo viên muốn thăng hạng phải có chứng chỉ như thế này. Ảnh minh họa: LÂM THIÊN

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học khiến cho nhiều thầy cô giáo vui mừng. Tuy nhiên, giờ đây các thầy cô quan tâm là liệu có cần đi học để lấy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm, thăng hạng không?

Thật ra vấn đề về “chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên” đã có từ năm 2015 với các thông tư liên tịch số 20, 21, 22 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, song khi đó không được quy định cụ thể và chỉ cần thiết đối với những giáo viên có nhu cầu thăng hạng cao hơn.

Đến các thông tư 01, 02, 03 năm 2021 của Bộ GD-ĐT thì lại khác. Giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không muốn bị tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp so với hệ số lương mới. Mỗi chứng chỉ được định giá dao động 2,5 - 3,5 triệu đồng tùy theo sự nhanh, chậm, nhẹ nhàng hay khó khăn của lớp học.

Trước những thắc mắc của giáo viên, đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Đây là quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục”.

Cụ thể, luật Viên chức 2010 quy định người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó (điểm b khoản 1 Điều 31) và viên chức phải thực hiện chế độ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước khi bổ nhiệm hạng (điểm b khoản 3 Điều 33).

Còn, Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quy định chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức là một trong những điều kiện để viên chức được đăng ký dự thi thăng hạng, xét bổ nhiệm vào hạng và được học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề (điểm a khoản 3 Điều 26).

N

Ngành giáo dục cần tập trung thời gian tổ chức bồi dưỡng phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên về phương pháp giảng dạy sẽ thiết thực hơn.

Tuy nhiên, cá nhân người viết xin đưa ra một số luận điểm như thế này xem nên bỏ hay không bỏ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Thứ nhất: Nội dung đào tạo chứng chỉ không thiết thực

Chương trình học bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là những kiến thức chung, không liên quan gì đến chuyên môn, chuyên ngành của giáo viên.  Cụ thể: Phần I: Kiến thức về chính trị, quản lý nhà nước và các kỹ năng chung; Phần II: Kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành và đạo đức nghề nghiệp; Phần III: Tìm hiểu thực tế và viết thu hoạch.

Đây không phải là kiến thức chuyên môn và nhiều nội dung đã học trong chương trình đào tạo giáo viên. Nên chăng ngành giáo dục cần tập trung thời gian tổ chức bồi dưỡng phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho giáo viên về phương pháp giảng dạy thì thiết thực hơn.

Thứ hai: Học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo quy định của Thông tư

Từ bất cập đề cập ở vấn đề thứ nhât, nó kèo theo hệ quả là ngành giáo dục chạy theo thành tích, “sính bằng”. Tức là, giáo viên phải học để có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở hạng I, II, III là không cấp thiết và cần thiết vì như phân tích ở trên, không phải học để nâng cao nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy, cho việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được thực hiện từ năm 2020-2021 (đối với lớp 2 - 6), mà học chỉ để cập nhật cho đủ chứng chỉ theo thông tư số 22.

Trong khi ai cũng biết, giáo viên học sư phạm, thi tuyển đầu vào nghiệt ngã, cơ cực nhường nào mới được đứng lớp. Giờ phải thêm cái giấy chứng nhận không cần thiết như vậy. Khác nào việc đã có giấy khai sinh, lại còn phải làm thêm “giấy chứng nhận con người”.

Thứ ba: Nhà quản lý cổ súy cho việc tồn tại, duy trì “chứng chỉ con”

Trước những phản ứng của giáo viên và dư luận, Đại diện lãnh đạo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định: “Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này theo hướng mở rộng quy định tại luật Viên chức và Nghị định 101 của Chính phủ là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế”.

Có thể nói, việc Bộ GD-ĐT viện dẫn Luật viên chức và các văn bản liên quan về quy định chức danh nghề nghiệp là hoàn toàn đúng. Song luật hay các văn bản pháp luật khác cũng phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống.

Đáng trách ở chỗ, nói như đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục thì bản thân những nhà quản lý cũng đã nhìn thấy những bất cập của việc tồn tại những “chứng chỉ con”. Nhưng thay vì đề xuất bãi bỏ, thì người ta lại cổ súy cho việc tồn tại, duy trì  nó. Thật không biết vì mục đích gì? Và không biết, giáo viên tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm các văn bằng, chứng chỉ của mình mà không biết rằng đến khi nào nó mới kết thúc.

Đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần phải mạnh dạn, thậm chí chấp nhận thực tiễn, gạt bỏ lợi ích cục bộ để có những chính sách hợp lý hơn, vì cuộc sống của chính những “đứa con” của mình, cũng là vì chất lượng của sự nghiệp giáo dục.

Bởi đang có tình trạng giáo viên ít lo về công tác giảng dạy mà phải lo và đau đầu vì mấy cái chứng chỉ vớ vẩn, vô thưởng vô phạt. Từ đó, kính mong Bộ GD-ĐT xem xét các chứng chỉ nào không thật cần thiết nên giảm cho giáo viên.

Việc này vừa tránh được sự lãng phí số tiền lớn của thầy cô phải bỏ ra học lấy chứng chỉ để cho đủ hồ sơ nhưng không thiết thực. Vừa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho giáo viên yên tâm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Cũng vừa thể hiện cái tầm, cái tâm của người làm quản lý.

Có thể bạn quan tâm

  • Một góc nhìn về giáo dục thời COVID-19

    05:30, 01/03/2021

  • Bàn về sự tôn nghiêm trong giáo dục

    11:00, 19/02/2021

  • “Nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục chưa hợp lý và thiếu minh bạch”

    04:30, 08/02/2021

  • Đầu tư giáo dục và sự chuyên nghiệp

    10:58, 22/01/2021

  • Xu hướng nào cho công nghệ giáo dục trực tuyến?

    02:54, 21/01/2021

  • Những tấm gương “phản tác dụng” trong giáo dục

    11:00, 11/12/2020

  • “Cái tâm” trong giáo dục!

    05:00, 07/12/2020

THANH BÌNH