Hồi chuông cảnh tỉnh nhìn từ những vụ cướp ngân hàng
Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm, liều lĩnh của tội phạm cướp ngân hàng, đồng thời cần phải nhìn lại công tác bảo vệ an ninh tại các điểm giao dịch.
Như truyền thông đã đưa tin, vào khoảng 12h trưa ngày 15/3, một người đàn ông (chưa xác định danh tính) xông vào phòng giao dịch Ngân hàng BIDV ở thị trấn Gạch (huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đe dọa nhân viên để cướp tài sản.
Thời điểm này, người đàn ông này mặc áo đồng phục Grab, tay cầm khẩu súng (chưa xác định là súng thật hay giả) và một cục màu đen quấn băng dính dọa là mìn. Nghi phạm khống chế, uy hiếp nhân viên ngân hàng rồi lấy đi một số tiền. Tuy nhiên, khi chưa kịp tẩu thoát, người đàn ông đã bị khống chế, bắt giữ.
Thực tế, các vụ cướp ngân hàng xảy ra tần xuất dày đặc và lần này nó lại xảy ra ở một huyện thuộc Thủ đô. Dĩ nhiên, nó đang làm nóng dư luận xã hội và đặt ra câu hỏi: Vì sao tội phạm cướp ngân hàng ngày càng nhiều, đồng thời đặt ra bài toán về an ninh ngân hàng hiện nay.
Trước đó, nhiều vụ cướp đã bị công an bắt, xử lý như: Chiều 2/3, Công an TP.Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết đang tạm giữ 2 nghi phạm để điều tra làm rõ về hành vi cướp tài sản diễn ra tại Phòng giao Agribank – Chi nhánh Hà Tiên (số 37 Lam Sơn, P.Đông Hồ, TP.Hà Tiên, Kiên Giang).
Ngày 16/1, Cơ quan CSĐT Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) hoàn tất kết luận điều tra và chuyển toàn bộ hồ sơ đến Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Mai Xuân Bình (22 tuổi, quê Lâm Đồng) về hành vi cướp tài sản. Đối tượng này là người cầm hung khí xông vào phòng giao dịch Hóa An – Agribank (chi nhánh Bắc Đồng Nai) cướp tài sản nhưng bất thành.
Hoặc, cuối tháng 11/2020, Trần Công Đức, 25 tuổi, nghi can cầm súng đe doạ nhân viên Ngân hàng SHB (phường Tân Định, Bến Cát - Bình Dương) để cướp tiền nhưng bất thành, đã bị bắt sau hơn một tuần lẩn trốn..v..v.
Có thể nói, ngân hàng lại là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và luôn là mục tiêu “nhìn ngó” của tội phạm. Nhìn từ các vụ cướp ngân hàng đã xảy ra, có một điểm chung là các đối tượng cướp ngân hàng thường nắm bắt được quy luật hoạt động của ngân hàng, nên đã chọn đúng thời điểm các nhân viên kiểm đếm tiền để hành động.
Cùng với đó là sự manh động, liều lĩnh, hầu hết có hung khí, súng (tự chế hoặc mua) để uy hiếp tính mạng nhân viên ngân hàng và khách hàng. Không biết, có phải do làm ăn thua lỗ và cần tiền chi tiêu nên nảy sinh ý định làm liều - đi cướp ngân hàng. Dù có thể các đối tượng cũng biết, từ trước tời giờ chưa có vụ cướp nào mà các đối tượng thoát cả.
Song song, nó cho thấy công tác an ninh ở các ngân hàng còn nhiều điểm bất cập: Nhân viên bảo vệ năng lực và bản lĩnh chưa cao hoặc phản ứng không kịp thời trước các tình huống bất ngờ xảy ra nên thường bị động hoặc bất lực trước kẻ cướp. Thậm chí, có tình trạng các ngân hàng thường chỉ thuê một vài nhân viên bảo vệ nhiều khi với chức năng... dắt xe là chủ yếu, chứ không được đào tạo nghiệp vụ.
Góc nhìn khác, cũng liên quan đến vấn đề an ninh, hẳn ai cũng thấy hầu hết ở các quầy giao dịch ngân hàng hiện nay đều lắp đặt hệ thống camera an ninh. Tuy nhiên, khi xảy ra cướp, hệ thống này chỉ có tác dụng trích xuất hình ảnh, truy tìm thủ phạm, cách làm này làm hạn chế hiệu quả của hệ thống camera an ninh.
Mặt khác, theo tìm hiểu, cho dù các ngân hàng đều mua bảo hiểm rủi ro, nếu xảy ra sự cố, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ, song, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, điều này chưa thể làm mọi người yên tâm.
Từ thực tiễn đó, có lẽ đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm, liều lĩnh của tội phạm cướp ngân hàng, đồng thời cần phải nhìn lại công tác bảo vệ an ninh tại các điểm giao dịch.
Theo đó, để đảm bảo công tác phòng ngừa tội phạm, trước tiên các ngân hàng cần tăng cường kiểm tra, rà soát các quy trình nội bộ trong công tác tiền tệ kho quỹ, hệ thống các thiết bị an toàn gồm camera, hệ thống báo động… tại các hệ thống giao dịch của mình.
Cần rà soát, khắc phục ngay những hạn chế trong công tác bảo vệ. Chẳng hạn, nếu ngân hàng sử dụng đội ngũ bảo vệ nội bộ, cần thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng thêm để nâng cao kỹ thuật, nghiệp vụ và bản lĩnh đối phó hiệu quả các tình huống. Nếu thuê dịch vụ bảo vệ ngân hàng thì cần ký hợp đồng thuê các công ty bảo vệ chuyên nghiệp có uy tín.
Đồng thời, thường xuyên tranh thủ sự hỗ trợ của lực lượng Công an, nhất là cơ quan công an quản lý địa bàn ngân hàng đóng trụ sở. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi công dân trong phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, trong đó có tội phạm cướp ngân hàng.
Có thể bạn quan tâm
Sóc Sơn (Hà Nội): Nghi phạm dùng súng cướp ngân hàng Techcombank ra đầu thú
12:25, 27/04/2020
Thái Bình: Liều lĩnh cướp ngân hàng giữa ban ngày
23:15, 23/01/2019
Khánh Hòa: Hai đối tượng nổ súng cướp ngân hàng đã bị bắt
09:05, 07/09/2018
Khánh Hòa: Hai đối tượng dùng súng cướp ngân hàng
15:28, 05/09/2018
BIDV lên tiếng về vụ cướp ngân hàng tại chi nhánh Thừa Thiên Huế
10:12, 07/12/2016
Từ vụ bảo vệ Sacombank bị giết, nhìn lại những vụ cướp ngân hàng tại Việt Nam
00:00, 25/10/2010