Chính sách ngoại giao vắc xin thông minh của Ấn Độ

SHASHI THAROOR - Cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, cựu Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực, nghị sĩ của Quốc hội Ấn Đ 17/03/2021 05:04

Vắc xin đã giúp Ấn Độ hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với Bangladesh và củng cố mối quan hệ hữu nghị với Maldives.

Cùng với việc các quốc gia tranh giành để bảo đảm vắc xin COVID-19, những biểu hiện xấu xí như "cuộc chạy đua vắc xin" và "chủ nghĩa dân tộc vắc xin" đã đi vào từ điển toàn cầu.

Tuy nhiên, vào thời điểm hợp tác toàn cầu trong việc chia sẻ vắc xin còn ít và các kế hoạch phân phối vắc xin của Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa thể khởi sắc, Ấn Độ đã thực hiện một sách lược khác, nước này âm thầm theo đuổi "ngoại giao vắc xin". 

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm vaccine Covid-19 tại New Delhi hôm 1/3. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tiêm vaccine Covid-19 tại New Delhi hôm 1/3. Ảnh: Reuters

Chiến dịch ‘Vaccine Maitri’ (Tình bạn với vắc xin) đã vận chuyển hàng trăm nghìn liều vắc xin Covishield do Ấn Độ sản xuất, được sản xuất theo giấy phép của Đại học Oxford và AstraZeneca, đến khoảng 60 quốc gia.

Ấn Độ là một cường quốc dược phẩm toàn cầu, sản xuất khoảng 20% tất cả các loại thuốc gốc và chiếm tới 62% sản lượng vắc xin toàn cầu, vì vậy nước này đã nhanh chóng đi tắt đón đầu khi đại dịch xảy ra.

Trước khi vắc xin COVID-19 được phát triển, Ấn Độ đã cung cấp cho khoảng 100 quốc gia hydroxychloroquine và paracetamol, đồng thời gửi dược phẩm, bộ xét nghiệm và các thiết bị khác đến khoảng 90 quốc gia.

Sau đó, ngay cả trước khi vắc xin Oxford / AstraZeneca được phê duyệt, Adar Poonawalla, người đứng đầu Viện Huyết thanh thuộc sở hữu tư nhân của Ấn Độ, đã táo bạo quyết định sản xuất - một canh bạc hàng tỷ USD.

Khi được phê duyệt, Viện này đã có thể sản xuất hàng triệu liều thuốc, cung cấp cho chính phủ để sử dụng trong nước và xuất khẩu.

Các loại vắc xin của Ấn Độ đã được vận chuyển đến hầu hết các nước láng giềng bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Sri Lanka, Maldives, Myanmar và Nepal, và xa hơn nữa, đến Seychelles, Campuchia, Mông Cổ và các đảo quốc Thái Bình Dương, các nước Caribe và châu Phi.

Vắc xin đã giúp hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với Bangladesh và củng cố mối quan hệ hữu nghị với Maldives. 

Một nhân viên y tế lấy các lọ vaccine Covishield khỏi máy kiểm tra trực quan bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Một nhân viên y tế lấy các lọ vắc xin Covishield khỏi máy kiểm tra trực quan bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Huyết thanh Ấn Độ. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đang quảng cáo vắc xin của riêng họ, cũng như các công ty dược phẩm phương Tây đang tham gia vào một cuộc quảng cáo rầm rộ (cùng với sự giảm giá cổ phiếu ngoài ý muốn).

Nhưng khi phát triển vắc xin cho mục đích sử dụng riêng của mình, phía Bắc bán cầu đã bỏ qua chi phí quá cao của vắc xin Pfizer / BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson cho các nước nghèo hơn.

Mặt khác, vắc xin do Ấn Độ sản xuất được cho là an toàn và tiết kiệm chi phí, và - không giống như một số loại khác - không yêu cầu bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ quá thấp.

Tất nhiên, chính sách ngoại giao vắc xin của Ấn Độ không hoàn toàn mang tính vị tha. Khi thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ, Jawaharlal Nehru, đặt nền móng cho cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ của Ấn Độ, ý định của ông đã được thể hiện bằng các thuật ngữ cao cả, nhân văn và phổ quát.

Nhưng những người kế nhiệm ông từ lâu đã nhận ra cách Ấn Độ có thể tận dụng các kỹ năng khoa học và y tế để nâng cao vị thế địa chính trị của mình. Vào thời điểm mà hầu hết các nước giàu hơn bị chỉ trích vì tích trữ vắc xin, Ấn Độ trở nên nổi bật vì đã gửi 33 triệu liều đến các nước nghèo hơn, với hàng triệu liều khác đang được cung cấp.

Ngoài ra hàm ý ẩn chứa đằng sau đó là: sự cạnh tranh với Trung Quốc, sự căng thẳng đã gia tăng sau các cuộc đụng độ dọc biên giới ở dãy Himalaya. Ấn Độ không chỉ làm lu mờ Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp vắc xin giá rẻ và dễ tiếp cận cho khu vực Nam bán cầu, mà còn nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ví dụ, Trung Quốc đã công bố cung cấp 300.000 liều cho Myanmar nhưng vẫn chưa giao được liều nào, trong khi Ấn Độ nhanh chóng cung cấp 1,7 triệu liều. Tương tự, vắc xin của Ấn Độ đã đánh bại Trung Quốc ở Campuchia và Afghanistan.

Khi một cuộc khủng hoảng lòng tin về vắc xin của Trung Quốc ở Brazil, các cuộc thăm dò cho thấy 50% người Brazil được khảo sát không muốn dùng vắc xin Sinovac, Tổng thống nước này Jair Bolsonaro đã chuyển sang dùng vắc xin Ấn Độ. Để gửi lời tri ân, ông Bolsonaro đã sử dụng hình ảnh từ sử thi Ramayana của Ấn Độ, mô tả Thần khỉ Hanuman đã cõng cả một ngọn núi với loại thảo dược hồi sinh (Sanjeevani Booti) để cứu sống Lankaman.

Các loại vắc xin của Ấn Độ thậm chí còn đến các nước giàu có hơn. Vương quốc Anh đã đặt hàng 10 triệu liều từ Viện Huyết thanh. Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hơn một lần trao đổi với Thủ tướng Narendra Modi để yêu cầu hai triệu vắc xin; nửa triệu đầu tiên đã được giao trong vài ngày.

Ông Trudeau tuyên bố một cách rõ ràng rằng, chiến thắng của thế giới trước Covid-19 sẽ là "nhờ năng lực dược phẩm to lớn của Ấn Độ và sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi trong việc chia sẻ năng lực này với thế giới".

Ấn Độ đang sử dụng năng lực của quốc gia trong lĩnh vực này một cách khéo léo để quảng cáo một giải pháp thay thế cho sự thống trị địa chính trị và kinh tế của Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc giữ bí mật trong việc công bố dữ liệu về vắc xin của họ, dẫn đến tranh cãi về hiệu quả của chúng, Ấn Độ đã tổ chức các chuyến đi cho các đại sứ nước ngoài đến thăm các nhà máy dược phẩm ở Pune và Hyderabad.

Sự tương phản với hành vi của các quốc gia giàu có cũng không kém phần nổi bật. Theo Viện Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, các quốc gia phát triển với 16% dân số thế giới - bao gồm Canada, Mỹ và Anh, mỗi quốc gia đã đảm bảo đủ nguồn cung để tiêm chủng gấp nhiều lần dân số, từ đó đã đảm bảo 60% nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu cho các nước này.

Thế giới đang chú ý đến Ấn Độ khi nước này chia sẻ nguồn cung cấp vắc xin sẵn có của mình, thay vì chọn con đường dân tộc chủ nghĩa là chặn xuất khẩu. Ấn Độ cũng đã cung cấp 1,1 tỷ liều vắc xin cho chương trình COVAX của WHO để phân phối cho các nước nghèo hơn. Như Modi đã đăng dòng tweet rằng: "Tất cả chúng ta cùng nhau trong cuộc chiến chống lại đại dịch này. Ấn Độ cam kết chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm và kiến thức vì lợi ích toàn cầu”.

Nếu có một mối lo ngại thì đó là Ấn Độ đã xuất khẩu số lượng gấp ba lần liều lượng mà họ đã sử dụng cho chính người dân của mình. Nước này đang tụt hậu so với mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người vào tháng 8, sau khi tiêm chủng cho khoảng 3 triệu nhân viên y tế trong một chiến dịch bắt đầu vào ngày 16 tháng 1.

Và việc gia tăng lo ngại về số ca gia tăng, sự xuất hiện của các biến thể COVID-19 có thể không đáp ứng với các loại vắc xin hiện có và nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn, sẽ làm gia tăng thách thức mà Ấn Độ phải đối mặt trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với các nước đang phát triển đồng thời đáp ứng nhu cầu trong nước.

Đáp ứng thách thức đó là lợi ích quốc gia sống còn. Chính sách ngoại giao vắc xin của Ấn Độ đã mang lại lợi ích cho khát vọng được công nhận là cường quốc toàn cầu của quốc gia này. Để chống lại đại dịch, Ấn Độ đã vượt ra ngoài cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông thường hoặc cung cấp thuốc gốc.

Nhưng một điều có thể khẳng định là, không chắc liệu việc thúc đẩy quyền lực mềm thông qua xuất khẩu chăm sóc sức khỏe có nâng cao đáng kể vị thế của một quốc gia trong trật tự toàn cầu hay không. Nhưng nếu và khi các ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được sắp xếp lại, các chính phủ biết ơn sẽ biết ai đã làm nhiều nhất để cứu một thế giới đang quay cuồng trước sự tấn công của một mầm bệnh chết người.

Nguồn: https://www.aspistrategist.org.au/indias-smart-vaccine-diplomacy/

Có thể bạn quan tâm

  • Thực hư việc vắc xin AstraZeneca gây đông máu

    16:00, 15/03/2021

  • Việt Nam chưa cân nhắc dừng tiêm vắc xin của AstraZeneca

    16:10, 12/03/2021

  • Những liều vắc xin chống COVID-19 đầu tiên được tiêm tại Đà Nẵng

    13:55, 12/03/2021

  • 60 triệu liều vắc xin COVID-19 tại Việt Nam được cung ứng thế nào?

    08:30, 11/03/2021

  • Vắc xin COVID-19 có thể gây một số phản ứng phụ

    01:00, 09/03/2021

  • Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam: Bước tiến mới trong phòng chống dịch!

    06:48, 08/03/2021

  • Từ “chìa khóa” khẩu trang đến “hộ chiếu vắc xin”

    06:12, 06/03/2021

  • Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 từ 8/3

    13:20, 05/03/2021

SHASHI THAROOR - Cựu Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, cựu Bộ trưởng Phát triển nguồn nhân lực, nghị sĩ của Quốc hội Ấn Đ