Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 2)
Không phải ngẫu nhiên hai loại nhân vật chính trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lại là những người nông dân và tầng lớp tiểu thị dân thành phố.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 hôm nay, ngày 20/3/2021 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
Đọc các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cũng giống như một cuộc vật lộn với chính bản thân mình. Rất khó tìm thấy nơi để tâm hồn có thể nghỉ ngơi trong những trang viết của ông. Nó quá kiệm lời, quá thâm trầm, và cũng đúng một cách tàn nhẫn.
Không phải ngẫu nhiên hai loại nhân vật chính trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp lại là những người nông dân và tầng lớp tiểu thị dân thành phố. Họ chính là thành phần đông đảo nhất của tập hợp những đám đông, một loại đám đông đang bị tha hoá dần bởi thứ văn hoá thấp kém, có sức trì kéo, bởi không khí tù đọng ngột ngạt của làng quê.
Những con người “đầy những thành kiến ngộ nhận” ấy đã đánh mất những gì làm nên niềm vui sống của cuộc đời, cuộc sống đối với họ chỉ còn là cuộc đấu tranh sinh tồn để kiếm miếng ăn, vui lòng với thứ văn hoá lá cải dành cho họ. Một đám đông mất dần ý thức công dân cũng như lương tâm của mình.
Con người lần lượt bị tước dần mất những tấm màn ảo tưởng mà chính họ tự dựng lên và thành tâm tin vào, những thứ vốn giúp họ sống trong một thế giới buồn chán, không thể sống mà không có ảo tưởng. Chúng ta lúc nào cũng phải đối mặt với chính mình, trần trụi, lạnh lùng.
Nhà văn Liên xô Vladimir Tendriacov đã khái quát rất rõ phần cuộc sống đó của chúng ta: “Tất cả chúng ta đều tham gia vào một trò chơi, nơi có điều kiện là: Cần phải xem sự dối trá là sự thật, nhưng chúng ta hãy nên nhớ là, cái trò chơi đó - đem sự giả dối thay cho sự thật - lại chính là cuộc sống của chúng ta”.
Tất cả chúng ta đều im lặng chấp nhận luật chơi, coi cái đen là trắng, trắng là đen. Dù hết thảy đều hiểu rằng, sự thật hoàn toàn không phải thế, nhưng con người cứ đào sâu chôn chặt những suy nghĩ của riêng mình, chỉ giữ những suy nghĩ đó cho bản thân mình, còn “xung quanh chúng ta những người thông minh có thừa, chỉ thiếu mỗi những người dũng cảm” (Francoi Giro).
Bởi thế, chúng ta tự ru ngủ bản thân trong một thế giới ước lệ, trong những “happy end”, những “bi kịch lạc quan” truyền thống, và lập tức tức giận đùng đùng nếu có ai phũ phàng kéo ta khỏi những giấc mộng ban ngày đó.
Sống quá lâu trong giả dối, con người cũng thành tâm tin vào những ảo tưởng do chính mình sáng tạo ra.
Nguyễn Huy Thiệp là một trong số ít người không chấp nhận luật chơi. Ông lạnh lùng dội những xô nước lạnh toát lên đầu chúng ta. “Đó không phải là chân lý, không phải là cuộc sống”! Những thông điệp - truyện ngắn của ông phẫn uất hét lên.
Ông lôi tuột chúng ta xuống từ khoảng trống lửng lơ giữa trời và đất, buộc ta phải đối mặt với mình, với một thế giới Không có vua, dạy chúng ta những bài học nông thôn, bắt chúng ta phải hiểu rằng, trước khi muốn nhìn lên bầu trời thì phải nhìn mặt đất đã.
Mà mặt đất của chúng ta vẫn còn đang đầy rẫy những thói dối trá, bất công, “những giáo điều đạo đức... giản dị, ngây ngô, buồn cười, sơ lược thậm chí còn đểu giả nữa” (Những người thợ xẻ).
Sự nghèo nàn cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần chính là bóng đen nuôi dưỡng cái ác.
Những “mảnh đất cằn đã làm cho con người trở nên ti tiện”, “những đố kỵ, hằn thù, ganh ghét, những định kiến hẹp hòi và đạo đức giả” đã làm thoái hoá bản chất của con người lương thiện, của phần người trong mỗi một con người.
Nhiều nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, méo mó, dị hình về cả ngoại hình lẫn tâm hồn. Cái ác - những con “quỉ sống với người” - với muôn bộ mặt luôn lẩn quất quanh họ, thúc giục họ. Và biết bao điều tốt đẹp trên thế giới này đã tan biến đi trong sự thờ ơ của đám đông ấy.
Nhưng thực ra đó cũng không phải lỗi của họ! “Đừng trách họ thế! Có ai yêu thương họ đâu... Họ đói mà ngu muội lắm... Con người ta tăm tối lắm. Con người vô tâm nhiều như bụi bặm trên đường...” (Chảy đi sông ơi). Nhìn thẳng vào bóng đen ấy, “hiểu rõ những đau khổ ấy mà ở trong ta nảy nở ra sự sáng suốt đạo đức, lòng cao thượng, tình người” (Những ngọn gió Hua Tát).
Nguyễn Huy Thiệp “căm thù sâu sắc những kết thúc truyền thống” (Trương Chi), hay chính xác hơn, ông căm thù tất cả những bức màn mà thói đạo đức giả đã căng ra trước mắt con người, không cho họ nhìn thẳng vào sự thật.
Hiếm có nhà văn nào lại có giọng điệu rẻ rúng văn chương như ông. Nhưng thực ra, đó là sự tức giận cần thiết của người cầm bút trước sự thiếu vắng của một nền văn hóa chiều sâu, một nền văn hóa mang nặng cái Tâm của những người làm văn hóa.
Chính vì vậy ông “sợ nhất những kẻ mơ mộng bất tài... bọn nho giả và bọn tập tọng làm văn chương” cũng như “ông khinh những kẻ không dám sống thực, không dám lặn sâu xuống đáy cuộc đời. Ông cũng khinh cả những kẻ lặn mình xuống đáy rồi ngập ở đấy không ra được” (Chút thoáng Xuân Hương).
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 1)
10:05, 23/03/2021